Ngày 27/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Hóa giải nỗi buồn ở một bộ phận không nhỏ văn nghệ sĩ

Nêu ý kiến, đại biểu Trần Thị Thu Đông (Bạc Liêu) đồng tình xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” cho người hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu.

“Tôi cho rằng, việc bổ sung các đối tượng nêu trên là rất hợp lý. Bởi lẽ, văn học nghệ thuật nước ta hiện nay có 9 chuyên ngành, nhưng trong luật hiện hành chỉ đề cập đến văn nghệ sĩ của 6 chuyên ngành, còn lại 3 chuyên ngành là nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học và soạn giả của lĩnh vực sân khấu chưa được quy định là chưa hợp lý”, nữ đại biểu phân tích.

Nữ đại biểu dẫn chứng rất nhiều tác phẩm ảnh đã gây tiếng vang khắp năm châu như tác phẩm của các nghệ sĩ nhiếp ảnh: An Ninh, Lâm Hồng Long, Đinh Đăng Định, Vũ Ba… “Đây là những di sản văn hóa vô giá của dân tộc, được đổi lấy bằng tài năng, tâm huyết lao động nghệ thuật, nhiều khi bằng cả máu của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà nhiếp ảnh”, bà Đông nói.

Tương tự là những sáng tạo rất đặc biệt và vai trò vô cùng quan trọng của kiến trúc sư, văn học, soạn giả.

Do đó, nữ đại biểu tỉnh Bạc Liêu cho rằng, sự bổ sung này là hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng sự mong mỏi chính đáng của văn nghệ sĩ.

Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) nói, xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” cho người hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu sẽ “hóa giải nỗi buồn ở một bộ phận không nhỏ văn nghệ sĩ”.

“Bên cạnh những thăng hoa và hạnh phúc làm nghề vẫn đang còn câu chuyện buồn nhiều tập liên quan đến sự phân biệt về nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn trong đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”. Điều đó đã vô tình làm nguội đi nguồn cảm xúc sáng tạo của một bộ phận văn nghệ sĩ”, ông Thái chia sẻ.

Là người có thời gian làm công tác quản lý Nhà nước về văn hóa nghệ thuật, đại biểu Nguyễn Huy Thái tin rằng, nếu được tặng thưởng xứng đáng, kịp thời thì đó là động lực tinh thần vô giá để nghệ sĩ “rút ruột, nhả tơ”, và những “tơ tằm óng mượt ấy sẽ dệt lên những tác phẩm thực sự có giá trị”.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Đ.X

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, bổ sung đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, soạn giả trong lĩnh vực sân khấu để xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” khi đáp ứng được tiêu chuẩn theo quy định là vấn đề mới xuất hiện.

Với tinh thần cầu thị, trách nhiệm nghiêm túc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đối tượng và trân trọng ý kiến xác đáng của một số đại biểu, bà Trà đề nghị, Thường vụ Quốc hội nghiên cứu cho lấy phiếu để đại biểu Quốc hội lựa chọn quyết định phương án cụ thể.

Nhận được thư khen Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội  “rất tuyệt với”

Một vấn đề nữa, điều 9 của dự thảo luật quy định rõ về hình thức khen thưởng, bao gồm: Huân chương, Huy chương; Danh hiệu vinh dự Nhà nước; Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước; Kỷ niệm chương; Bằng khen; Giấy khen.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho biết, tại phiên họp tổ, ông đã phát biểu về hình thức khen thưởng đó là thư khen của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước với những trường hợp cần có sự động viên, khen thưởng kịp thời.

“Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam rất cần hình thức này, nếu bản thân tôi hay con cháu của tôi có thành tích nhận được thư khen quả thực rất tuyệt vời”, ông Ngân dẫn chứng ở các nước, học sinh cũng được lãnh đạo, Tổng thống, Thủ tướng gửi thư khen kịp thời khi có thành tích xuất sắc.

leftcenterrightdel
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM). Ảnh: Đ.X 

Ông còn cho rằng, nếu như trong kỳ họp này mà đại biểu tham gia thảo luận chuyên môn sâu, đóng góp nhiều trí tuệ hoặc đưa ra sáng kiến được Quốc hội nhìn nhận và được Chủ tịch Quốc hội tặng thư khen thì “rất là tuyệt vời”.

Ông Ngân tin rằng, đại biểu nhận được thư khen sẽ năng nổ, làm việc nhiều hơn và dành thời gian, công sức hơn. “Chỉ cần một thư khen thôi không cần thưởng”, đại biểu đoàn TP HCM đề nghị dự thảo luật bổ sung thêm hình thức thư khen.

Trong báo cáo của cơ quan soạn thảo đã lý giải hình thức thư khen là hợp lý nhưng cần chờ đánh giá tác động, có thể bổ sung vào nhiệm kỳ sau.

Ông Ngân cho rằng nên làm luôn, vì điều này phù hợp, động viên mà không tốn kém gì cả. “Chỉ một chữ ký của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội…”, đại biểu nhấn mạnh.

Bảy tỏ quan điểm đồng tình, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói “thư khen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là hết sức cao quý, là sự động viên lớn nên rất cần đưa vào luật này”.

Theo Chương trình Kỳ họp 3, chiều ngày 15/6, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Báo cáo thành tích có rèn tính khiêm cung hay không khi kể lể, tường thuật thành tích

Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho hay, ông xin bảo lưu quan điểm “bỏ quy định báo cáo thành tích trong hồ sơ đề nghị xét danh hiệu thi đua, khen thưởng”. Vấn đề này, ông đã đề nghị từ Kỳ họp thứ 2.

“Viết báo cáo thành tích liệu có rèn con người đức tính khiêm cung hay không khi bản thân kể lể, tường thuật những thành tích để cơ quan Nhà nước xem xét.

Như mới đây, việc 4 vận động viên được đề xuất trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì thì liệu có phải viết báo cáo thành tích hay áp dụng thủ tục hồ sơ đơn giản.

Trong khi, sự khổ luyện của họ có phải đánh đổi cả quãng đời tuổi trẻ mà đích cuối cùng không chỉ để vượt qua những giới hạn của bản thân mà còn mang vinh quang về cho Tổ quốc, chứ không chỉ là các danh hiệu thi đua”, ông Nhân nói. 

Hương Giang