Dịch bệnh Covid-19 chưa qua, cơn cuồng nộ của mẹ thiên nhiên lại giáng xuống miền Trung. Núi lở, người chết, nước lũ trắng đất trắng trời. Nhiều ngôi nhà ngập trong nước mắt thương đau. Và miền Trung vẫn gượng dậy, kiên cường trong vòng tay yêu thương của cả dân tộc Việt Nam.

Dân Việt là vậy, người Việt là vậy, kiên cường đã trở thành một mạch nguồn văn hóa thấm vào máu thịt của mọi người dân. Dù họ ở đâu, dù khó khăn đến mấy phẩm chất ấy vẫn tỏa sáng như một cứu cánh, như động lực để lạc quan, như một sức mạnh nội sinh để đi lên và chiến thắng. Ví với một ẩn ý trong dân ca Bình Trị Thiên đúc kết: “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây…” kiên cường để chiến thắng chính mình.

Cây tre cứ mọc lên, “cho dù đất sỏi, đất vôi bạc màu” mà nên lũy nên thành cũng có quy luật tự nhiên mang tính giống nòi của nó. Và để cho sự kiên cường trong bản tính, phẩm chất con người trở nên quý như vàng thì cần phải được tôi luyện trong nền tảng giáo dục nhất định và bị chi phối, điều chỉnh của pháp luật như một quy luật tất yếu.

Pháp luật mà tinh túy từ quan niệm “thần linh pháp quyền” trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự chắp cánh cho đức tính kiên cường tỏa sáng để từ cá nhân đến dân tộc Việt chiến thắng những khó khăn, kẻ thù to lớn nhất.

Nửa đầu năm 1919, ở Pháp có một tài liệu được phân phát rộng rãi như tờ truyền đơn cách mạng, đó là bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" bằng tiếng Pháp gửi tới Hội nghị Quốc tế vì hoà bình họp ở Versailles. Chính bản yêu sách này đã được Bác dịch ra tiếng Việt theo thể thơ lục bát với tên gọi “Việt Nam yêu cầu ca”.  Trong điểm thứ 7 của yêu cầu ca này, Bác viết:

Bảy xin hiến pháp ban hành, 

Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”

Từ những thời điểm này, Bác xem pháp quyền như một vị thần tối cao, bất khả xâm phạm. Cũng từ đây tư tưởng pháp quyền lần đầu được khởi xướng ở Việt Nam. Khi xem pháp quyền như một thần linh, thì mọi sự mạo phạm đến thần linh đều bị trừng phạt. Nghĩa là, pháp luật là tối thượng, không một ai có quyền dẫm đạp, đứng trên pháp luật. Pháp luật là thần linh có sức mạnh vô song.

Thần linh pháp quyền, theo tư tưởng của Bác, không chỉ là Nhà nước pháp quyền, mà còn phải là xã hội pháp quyền, ở đó, tất cả cán bộ, công chức và người dân đều phải tuân thủ pháp luật. Sự kiên cường dân tộc, kết hợp với thần linh pháp quyền sẽ cho dân tộc ấy có sức mạnh vô địch. Nó là sự kết hợp giữa văn hóa, giữa tinh thần dân tộc và pháp luật.

Như đợt dịch bệnh vừa rồi, nếu không có sự nghiêm minh của pháp luật thì làn sóng thứ 3 Covid-19 sẽ lại bùng lên mạnh mẽ. Không có việc khởi tố vụ án hình sự với nam tiếp viên hàng không kia về tội làm lan truyền dịch bệnh thì sẽ vẫn có những kẻ xem thường phép nước, để rồi chính nó lại làm đe dọa đến an nguy của cả dân tộc.

Kiên cường đặt trong một dây cương pháp quyền thì sẽ tạo đôi cánh cho sức mạnh cá nhân, sức mạnh dân tộc bay nhanh hơn đến đích của thành công.

Như vậy, sức mạnh Việt, tinh thần Việt được chắp cánh bởi giá trị của thần linh pháp quyền sẽ khiến cho đất nước ta, dân tộc ta đã kiên cường sẽ kiên cường hơn, đã mạnh mẽ sẽ mạnh mẽ hơn trên con đường hội nhập và phát triển.

Xin nhắc lại một thông điệp hết sức quan trọng trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Trong bài viết này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Tạo bước chuyển căn bản nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo… Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; hoàn thiện và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới".

Sức mạnh của con người Việt Nam trong thời kỳ mới, chắc chắn sẽ phải có đôi cánh của thần linh pháp quyền cộng với sự kiên cường dân tộc như một mạch nguồn chảy mãi để tiến bước thành công…

Cụ thể cho điều này, ngày 9/11/2022, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Mục tiêu tổng quát nhằm hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực Nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy Nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Với định hướng này, một lần nữa tư tưởng thần linh pháp quyền của Bác được chắp cánh và đang trở thành hiện thực.

Đất nước và nhân dân Việt Nam ta như cây tre Việt Nam trong cằn cỗi vẫn vươn lên mạnh mẽ, và nó sẽ còn mạnh mẽ hơn khi được tưới tắm trong một môi trường thượng tôn Hiến pháp và pháp luật.

Một đất nước chỉ có thể mạnh mẽ, bình đẳng, công bằng… khi và chỉ khi “thần linh pháp quyền” đi vào máu như một thứ văn hóa gốc để bất luận ai cũng thượng tôn nó như một thói quen vốn có.

Trần Ngọc Hà