Chiều nay, 20/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phủ đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh Covid -19.

1 bệnh nhân rất nặng, 7 bệnh nhân khác nặng lên

Từ diễn biễn của dịch Covid -19, theo Thủ tướng, nguồn lây nhiễm vào Việt Nam rất cao. Vì vậy, ông đề nghị tập trung thảo luận để đưa ra giải pháp mạnh hơn, xử lý cương quyết hơn với tinh thần nắm chắc tình hình, báo cáo kịp thời, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị tích cực nhất, không để dịch bùng lên.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia, thế giới ghi nhận 245.626 trường hợp nhiễm Covid -19 tại 181 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có 7 quốc gia có trên 10.000 ca nhiễm, 9 quốc gia có từ trên 1.000 đến dưới 10.000 ca nhiễm; 165 quốc gia/vùng lãnh thổ có dưới 1.000 ca nhiễm.

Tại Việt Nam, ghi nhận 87 trường hợp nhiễm Covid -19. Đáng lưu ý, đã có 2 trường hợp nhiễm bệnh là nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai. Qua điều tra dịch tễ, bước đầu có thể khẳng định, trường hợp này không phải lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Hiện có 17 trường hợp khỏi bệnh (thêm một trường hợp tại Ninh Bình). Còn trong số các bệnh nhân đang điều trị, có 2 bệnh nhân tình trạng nặng đang được điều trị tích cực và 7 bệnh nhân có tiến triển nặng lên, các trường hợp còn lại sức khỏe ổn định.

Hai bệnh nhân đang điều trị tích cực có bệnh nhân bác ruột của bệnh nhân số 17 tiên lượng rất nặng. 

“Quân đội rời doanh trại để nhường cho đồng bào rất cảm động”

Phát biểu khai mạc, người đứng đầu Chính phủ chia sẻ với những vất vả của cán bộ, nhân viên y tế, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia, nhất là lực lượng quân đội.

“Hình ảnh mà chúng ta thấy được là quân đội đã rời doanh trại, rời chỗ ngủ để nhường cho đồng bào ta từ nước ngoài về và một số người nước ngoài, rất cảm động”, Thủ tướng nói.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên cùng nhắn tin ủng hộ phòng chống dịch Covid -19 (cú pháp CV n gửi 1407, trong đó n là số lần với mỗi lần là 20.000 đồng). “Tôi rất cảm động là nhiều người nhắn liên tục, tấm lòng như thế rất đáng mừng”, Thủ tướng bày tỏ.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 38.081 người, trong đó có 7.316 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 2.241 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 28.524 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Trong tình hình dịch bệnh rất phức tạp, Ban Chỉ đạo đề nghị, quán triệt tinh thần tuyệt đối không lơ là, không chủ quan; các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan tuân thủ nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Các bộ giải quyết công việc như “thời chiến”

Sau khi nghe các ý kiến, kết luận cuộc họp Thủ tướng cho biết, tại cuộc họp sáng cùng ngày, Bộ Chính trị đã đánh giá, biểu dương sự cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong phòng chống dịch Covid-19 đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ, còn nhiều lỗ hổng, nhiều khuyết điểm, tồn tại, khả năng lây nhiễm ra cộng đồng rất cao, khả năng dịch bùng phát rất lớn, cho nên không được chủ quan, thỏa mãn mà phải thấy khuyết điểm, tồn tại để khắc phục tốt hơn.

Từ đó, ông đề nghị, vận động xã hội thay đổi thói quen như giao dịch trực tuyến nhiều hơn nữa, sử dụng điện thoại nhiều hơn trong công việc, ít giao tiếp để tránh lây nhiễm. Một số tôn giáo nên tu hành, làm lễ tại gia; đám giỗ, đám cưới đông người cần hạn chế.

Ở nơi công cộng phải đeo khẩu trang 100%; tiếp tục yêu cầu không tụ tập đông người. Khuyến cáo người dân ít ra nơi công cộng hơn. Dừng các hoạt động giải trí như karaoke, mát-xa...

Toàn cảnh phiên họp

Thủ tướng yêu cầu, cả hệ thống chính trị cần tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ hơn, trên tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, loa đến tận nơi” để nắm cho được tình hình các ca nhiễm hoặc các đối tượng đã đi trên các phương tiện dễ lây nhiễm. Tổ dân phố, chính quyền cơ sở là “pháo đài” chống dịch thì cần làm tốt khâu thống kê, nắm tình hình trong khu vực của mình, không để tình trạng “tìm kim đáy biển”.

Các cấp, các ngành, đặc biệt là Bộ Y tế và thành viên Ban Chỉ đạo có cơ chế giải quyết thuận lợi hơn, thông thoáng hơn. Các bộ chức năng phải giải quyết công việc như “thời chiến”, không phải trình qua, trình lại, chậm trễ vấn đề đặt ra. Các cấp, các ngành phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn cho cấp dưới thực hiện.

Người vào Việt Nam phải cách ly 100%

Nhấn mạnh mục tiêu đưa ra là ngăn chặn đỉnh dịch ở mức tối đa, không được để lây lan rộng ra cộng đồng, Thủ tướng yêu cầu, hạn chế tối đa mọi đối tượng vào Việt Nam, kể cả hàng không, đường bộ, đường biển. Đặc biệt, dừng cấp visa cho mọi đối tượng vào Việt Nam.

Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán ở các nước được yêu cầu vận động, khuyến cáo bà con không về nước nếu không thực sự cần thiết. Trường hợp bà con Việt kiều, lưu học sinh có nguyện vọng thiết tha về nước thì Đại sứ quán nắm tình hình để thông tin về cho ngành giao thông vận tải tổ chức các chuyến bay chở bà con về theo đợt, có kiểm soát.

Thủ tướng nêu rõ, tất cả người vào Việt Nam phải cách ly quyết liệt 100% và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, trốn cách ly.

Ngành y tế và các cơ quan chức năng phải chủ động, phát hiện sớm các ca dương tính để cách ly khỏi cộng đồng kịp thời hơn, chống lây lan. Việc xét nghiệm sớm, điều trị tích cực, trách nhiệm, hạn chế tử vong là yêu cầu đối với ngành y tế.

Nhắc lại một số ca lây nhiễm cho cán bộ y tế trong các bệnh viện, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là tình trạng đáng báo động, ngành Y tế phải có phương án bảo vệ bác sĩ, nhân viên y tế tốt hơn nữa.

Tại cuộc họp, Thủ tướng đồng ý đề xuất giao Bộ Quốc phòng mua 10 xe lưu động để có la-bô xét nghiệm; giao Bộ Y tế làm đầu mối đặt mua khẩu trang xuất khẩu làm tặng phẩm bằng ngân sách nhà nước; giao Bộ Công Thương sẵn sàng tổ chức sản xuất khẩu trang phục vụ nhu cầu trong nước và phục vụ yêu cầu của các nước.

Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ tin tưởng, dịch Covid-19 sẽ không quá bùng nổ ở nước ta, dịch bệnh sẽ không tràn lan trong cộng đồng; sức khỏe và tính mạng của nhân dân sẽ được bảo vệ tốt nhất. “Chúng ta tin rằng chúng ta sẽ làm được điều đó”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Hương Giang