Bài viết này sẽ không đề cập đến sự nguy hiểm, mức độ lây lan, ảnh hưởng của Covid-19 đến nền kinh tế toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Bởi vì sự hiển hiện chết chóc của nó đã phủ bóng đêm các nền kinh tế lớn nhất trên thế giới. Sau Trung Quốc, giờ là các nước châu Âu và Mỹ đang phải đối mặt với những khủng hoảng nghiêm trọng trên tất cả các bình diện.

Việt Nam chúng ta cũng đang trải qua những thử thách, mà hậu quả của nó đang chứng minh bằng những con phố vắng tanh, đình trệ bởi các hoạt động giao thương, kinh tế, văn hoá, tôn giáo và tín ngưỡng. Phố xá bình yên, vắng vẻ đến độ người ta lại nhớ và thèm khát những cảnh lộn xộn, tắc đường, bởi đó là sự năng động và hơi thở của một nền kinh tế đi lên. Nhưng lúc này, sự “đứng im” lại là dạng vận động thông minh nhất để cứu nguy cho con người và cả nền kinh tế, chính trị đang bị chi phối bởi dịch bệnh.

Mỗi quốc gia đang có những toan tính và hành động riêng để cứu lấy công dân và vận mệnh của đất nước mình. Mỗi một tính toán sai lầm, thiếu cân nhắc thì cái giá phải trả vô cùng lớn. Nhân loại hiện tại đã có những ví dụ để chứng minh cho những tình huống bi kịch này.

Covid-19, vì nó mà thế giới con người phải thay đổi quan niệm, nhận thức, thói quen, văn hoá và còn nhận rõ chân tướng của sự ngạo mạn trong não trạng con người. Covid-19 khiến con người nhận ra điều gì sẽ là thứ cao cả, cần thiết để xây dựng nó trong hành trình sống của mình. Cũng bởi Covid-19 mà con người thêm một lần nữa nhận thức sâu sắc về sự chia rẽ, những quan ngại, bộ mặt thật của nhiều quốc gia trong quan hệ quốc tế. Và, cũng chính SARS-CoV-2 đã lại cảnh tỉnh cho nhân loại thêm những nguy cơ về các cuộc chiến tranh sinh học và hậu quả tàn khốc mà nó mang lại nếu xảy ra trên thực tế.

Ở Việt Nam, trong bối cảnh dịch Covid-19, thêm một lần nữa những phẩm giá dân tộc được khẳng định, khơi gợi và tiếp tục chảy như một mạch nguồn của chủ nghĩa nhân văn đề cao quyền được sống của con người. 

Khi ở Vũ Hán bùng phát dịch, lãnh đạo Việt Nam đã tiên đoán nó sẽ ảnh hưởng cụ thể đến chúng ta. Cho nên, ngay từ mùng 3 Tết Canh Tý (27/01), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về  phòng, chống bệnh viêm phổi Vũ Hán đang lây lan nhanh tại Trung Quốc. Nhờ sự chủ động và nhanh nhạy này, đến nay chúng ta vẫn đang làm chủ được tình thế, chưa để dịch bệnh bùng phát dữ dội như nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Nhưng, điều đáng trân trọng hơn cả là phương châm chỉ đạo từ cuộc họp này của Thủ tướng: “Chính phủ chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân”. 

Rõ ràng, tính mạng người dân đã được đặt lên trên hết, trên cả những lợi ích kinh tế. Con người đã không bị đưa ra làm “chuột bạch” trong các cuộc đại thí nghiệm “miễn dịch tự nhiên” ở nhiều quốc gia vẫn luôn xem là thượng đẳng về nhân quyền và cho mình cái quyền đi phán xét, đánh giá các quốc gia khác về thực thi nhân quyền.

Ở Việt Nam, giữa bão Covid-19, thêm một lần nữa những phẩm giá dân tộc được khẳng định, khơi gợi và tiếp tục chảy như một mạch nguồn của chủ nghĩa nhân văn đề cao quyền được sống của con người.

Xin thưa rằng, trong các quyền của con người thì quyền được sống là quyền tối thượng nhất mà nhân loại tiến bộ phải thực thi một cách vô điều kiện. Qua Covid-19, chúng ta nhận ra được quyền được sống biểu hiện trên thế giới thế nào trong tương quan so sánh với Việt Nam.

Covid-19, vì nó mà triệu triệu người dân thay đổi một thói quen sinh hoạt, mà nếu thói quen đấy không thay đổi thì cũng là cội nguồn của nhiều căn bệnh chết chóc. Một số liệu của UNICEF công bố, 84 - 88% dân số không rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn uống. Điều này dẫn đến hậu quả khoảng 88% trường hợp tử vong do tiêu chảy ở trẻ em có liên quan đến vệ sinh tay kém và thiếu nước sạch. Tiêu chảy và viêm phổi là nguyên nhân của tử vong cho khoảng 3,5 triệu trẻ em trên thế giới mỗi năm.

Bàn tay người lớn cũng là một ổ bệnh truyền nhiễm nếu nó không được vệ sinh liên tục và đúng cách. Nó như một vật trung gian gây bệnh truyền nhiễm khi bàn tay liên tục cầm nắm vào những nơi có mầm bệnh. Covid-19 đã buộc thiên hạ quan tâm đến câu chuyện rửa tay, và ai cũng nhận thức một cách rõ ràng rằng thói quen này giúp con người tránh được những rủi ro lây nhiễm Covid-19 và nhiều căn bệnh truyền nhiễm khác.

Vì Covid-19 mà con người vốn ngạo mạn và tự phụ là sinh vật thượng đẳng đã phải nhìn nhận lại khả năng nhận biết và thích ứng với thế giới vi sinh vật của mình. Sự chủ quan, sự tự phụ, sự thiếu kinh nghiệm thực tiễn để đối phó với một mối nguy chưa từng xảy ra như cách ứng xử thông thường đã khiến nhiều nền văn minh trả giá đắt bằng vô số sinh mạng. Miễn dịch tự nhiên, chỉ như cúm mùa, rồi nó cũng qua thôi… Những cách nghĩ này khiến nhiều nước hối hận muộn màng vì trở tay không kịp với một kẻ thù nguy hiểm nhưng bị đánh giá thấp. Và rồi con người chính thức nhận ra mình quá nhỏ bé, quá tầm thường trong cuộc chiến không cân sức với thế giới của những loại virus mới xuất hiện. Vì Covid-19, nhân loại có thêm một bài học đắt giá trong ứng xử với các dịch bệnh mới khó lường.

Giữa bão Covid-19, chúng ta mới thấy sự nhân văn luôn là giá trị sống của mọi thời đại. Sức khoẻ, tính mạng mới là điều đáng cần hơn cả. 

Và rồi những ngày hạn chế ra đường, làm việc online, về quê nghỉ ngơi, hay ăn uống giản dị bên gia đình… thì cuộc sống vẫn cứ thế tiếp diễn một cách nhẹ nhàng. Nhẹ nhàng, thanh thản đương nhiên là hạnh phúc hơn bệnh dịch, cái chết!

Sự ích kỷ, đố kỵ, những cái tôi nhỏ nhen cũng tự nhiên bộc lộ như bản chất khi Covid-19 càn quét như một cơn bão của nhân loại. Những ai nhân ái, những ai phản trắc, những ai đố kỵ, những ai giả tạo… sẽ tự bộc lộ mình trong các mối quan hệ tự thân. Đây còn là một phép thử xã hội.

Và cuối cùng là một phép thử tự nhiên, phép thử cho các cơ thể quốc gia và cơ thể cá nhân trong chống chọi với những thứ tương tự sẽ xảy ra trong tương lai. Con người vẫn sẽ không thể làm chủ, thống trị thế giới khi còn nhận thức quá hữu hạn về thế giới tự nhiên để cải tạo và chinh phục nó.

Covid-19 như một phép thử từ mẹ thiên nhiên để con người ứng xử lành mạnh, công bằng với thế giới tự nhiên. Bởi biết đâu đó, chính virus là một sản phẩm vô tình, hoặc cố tình do con người tạo ra khi ứng xử thô bạo với tự nhiên, hoặc một tham vọng nào đó, để một ngày như hiện tại, chính thế giới virus quay sang đe dọa loài người.

Đại dịch Covid-19 tạo cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia

Trong phát biểu tại lễ công bố cam kết đồng hành, hỗ trợ của ngành Thông tin và Truyền thông với ngành Giáo dục và Đào tạo trong phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã một lần nữa nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 tạo ra cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia. Các hoạt động kinh tế - xã hội bị ngưng trệ theo cách cũ. Tất cả chúng ta sẽ phải sáng tạo ra những cách vận hành mới để cho cuộc sống vẫn tiếp diễn, học tập, làm việc và giải trí vẫn phải được tiếp tục.

“Lĩnh vực ICT nhận về mình một sứ mệnh mới, sáng tạo các giải pháp công nghệ số, học tập và làm việc phân tán để duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội, nhằm giúp chống dịch thành công, cũng như giảm tối đa suy thoái kinh tế, và sau dịch là bứt phá vươn lên”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Trần Ngọc Hà