Nó không chỉ dừng lại một cuộc tranh luận thuần túy về thuật ngữ chuyên môn mà thực sự đã trở thành một cuộc chiến tranh thương mại giữa những người ủng hộ “nước mắm truyền thống” và “nước mắm công nghiệp”. 

Thực ra chuyện này không mới bởi đã có thời gian người ta ngỡ ngàng khi chính tổ chức đại diện cho người tiêu dùng tuyên bố rằng “nước mắm truyền thống” có chất asen gây hại cho sức khỏe trong khi ngược lại phía ủng hộ nước mắm truyền thống lại coi thông tin trên đây là sự “xấu chơi” của phe “nước chấm” khi lập lờ asen hữu cơ và asen vô cơ, ảnh hưởng hoàn toàn khác nhau đối với sức khỏe con người. Bên này tố bên kia: Nước mắm công nghiệp chẳng qua là nước + muối + hương liệu, bên kia phản ứng về những nguy cơ cho sức khỏe từ cách sản xuất nước mắm truyền thống...

Người viết không có ý định tìm hiểu để bình luận về dự thảo quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đưa ra vốn bị nhiều ý kiến cho rằng sẽ gây khó khăn, thậm chí “bóp chết” một ngành sản xuất có hàng trăm năm, mà chỉ muốn cố gắng chia sẻ một cách nhìn nhìn khách quan, công bằng nhất của cá nhân trước một vấn đề “tương, cà mắm muối” mà không hề nhỏ len lỏi vào từng gia đình Việt Nam.

Trước hết phải thấy rằng, dùng nước mắm vốn là thói quen đặc trưng của người Việt Nam (và một số dân tộc) từ nhiều đời nay với một hương vị đặc biệt, quyến rũ đối với người Việt dù không phải dễ chịu đối với nhiều người ngoại quốc. Khi ở nước ngoài, mọi người thường truyền nhau kinh nghiêm muốn tìm bạn bè thì cứ chỗ nào có mùi nước mắm và mùi tỏi thì ở đó đích thị là người Việt! 

Trở lại câu chuyện nước mắm hay nước chấm và tóm lại chúng ta nên dùng loại nào. Sẽ không có một câu trả lời chính xác và duy nhất cho vấn đề này. Bởi lẽ nước mắm cũng như mọi sản phẩm tiêu dùng khác, trên thị trường có cơ man các loại khác nhau từ chất lượng, giá cả đến mẫu mã và nó vẫn song song tồn tại để đáp ứng nhu cầu cho nhiều loại người khác nhau. Điều mà người tiêu dùng trông chờ vào Nhà nước trước hết là sản phẩm đó có đủ tiêu chuẩn để bảo đảm không gây hại cho sức khỏe hay không, còn mỗi người sẽ tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và “gu” của mình mà lựa chọn sản phẩm thích hợp. 

Chuyện nước mắm hay nước chấm cũng vậy thôi. Nếu như nước mắm truyền thống có chất lượng và độ đạm cao thì nó sẽ phục vu người tiêu dùng khá giả bởi lẽ giá của nó cũng cao theo độ đạm và chất lượng! Ngược lại nếu như nước mắm “công nghiệp” vốn chẳng có gì bổ béo mà đơn giản nó chỉ thỏa mãn một nhu cầu theo thói quen “chấm cháp” của tiêu dùng thì dù nó chỉ là nước lọc và hương liệu đi chẳng nữa thì sao lại phải lên án nếu như cái thứ nước chấm đó được cơ quan Nhà nước khẳng định không có hại cho sức khỏe và nó sẽ hướng tới đối tượng thu nhập thấp khi giá cả của nó chỉ bằng 1 phần nhỏ so với nước mắm truyền thống, (nghe nói đang có khuyến mãi 44 ngàn được những 4,5 lít  nước chấm so với vài chục ngàn thậm chí cả trăm ngàn một lít nước mắm). Thậm chí có đại gia cũng sẵn sàng dùng nước chấm rẻ tiền đơn giản là vì nó không có đạm, vốn là kiêng kỵ của bệnh gout thì sao?

Có hàng chục lý do để người ta lựa chọn các sản phẩm khác nhau tùy theo nhu cầu và sở thích của mỗi người. Tóm lại, vấn đề ở đây là sự minh bạch các thông tin về sản phẩm và điều đó cần có sự xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công khai trước bàn dân thiên hạ, chứ tranh cãi về chuyện chữ nghĩa, nước mắm hay nước chấm không phải là điều quá quan trọng, cũng như hồi nào ầm ĩ về chuyện “thu giá” hay “thu phí” bên ngành Giao thông mà thôi.

Còn cái quy chuẩn về chất lượng nước mắm đang bị phản đối rầm rầm kia thì cũng bình tĩnh mà soi xét. Nếu thực sự những quy chuẩn đó là cần thiết để sản xuất nước mắm bảo đảm không có hại cho sức khỏe thì là điều cần thiết, nhưng ngược lại nếu đó là những điều kiện chuẩn mực không cần thiết, phi thực tế, chỉ góp phần làm tăng chí phí hay khó khăn cho sản xuất, tạo cơ hội cho mấy ông cán bộ sách nhiễu doanh nghiệp thì xin hay bỏ ngay và luôn.

 Các nhà khoa học thì cứ phát biểu ý kiến của mình, cộng đồng thì thoải mái bình luận khen chê nhưng điều quan trọng là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải lên tiếng một cách rõ ràng, minh bạch về từng loại sản phẩm và chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình, còn sự lựa chọn cuối cùng thuộc về phía người tiêu dùng và như thế hy vọng sẽ đỡ mất thời gian để cãi vã nhau một cách vô bổ và vô… văn hóa!

Tóm lại: Nước mắm: Bổ, cao đạm, 100.000 đồng/lít có tiền thì ăn! Nước chấm: 10.000 đồng/lít, vô bổ, ít tiền, bị gout thì xơi. Dùng loại gì là lựa chọn mỗi người. Quan trọng là phải minh bạch thành phần và tác động đến sức khoẻ của từng loại.


TS. Đinh Văn Minh

Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra