Song có lẽ tại mình là đàn bà, nên trong câu nói này mình thấy có sự thiên vị hơn vai trò của chị em. 

Lầu cao hay túp lều tranh thì sự ấm cúng của một gia đình Việt Nam truyền thống, mặc nhiên toát ra từ cái bếp. Gọn gàng, ngăn nắp hay tềnh toàng, tạm bợ ? Nhìn qua cái bếp là ra tính cách của người nội trợ gia đình.

Dân tộc Việt Nam chúng ta vốn đi lên từ nền văn minh lúa nước, nên gạo là lương thực chủ đạo. “Cơm tẻ là mẹ ruột”, ngày nhỏ mỗi lần tôi biếng ăn là mẹ tôi thường nói thế để khích lệ tôi cố ăn thêm cơm.Thời nay nhờ khoa học phát triển, chọn lọc giống lúa có năng suất cao, kháng bệnh nên mùa màng ít khi thất bát, mặt nữa do hội nhập toàn cầu, người Việt chúng ta không chỉ ăn lúa gạo mà còn ăn nhiều loại lương thực khác, nên việc đến bữa: Bố hỏi mẹ có cái gì bỏ vào nồi chưa? Không còn cập nhật, nghĩa là không phải chạy ăn từng bữa như thời còn bao cấp. 

Nhưng dù thời nào thì thiên chức của người đàn bà do tạo hóa sinh ra là để bảo tồn nòi giống, nghĩa là sinh nở; đã sinh nở thì phải chăm chút con cái, muốn con cái khỏe mạnh ắt phải nấu nướng… 

Bếp có ngọn lửa là có sự ấm cúng, xum vầy, để chồng, con có những bữa ăn ngon nhất là trong thời đại hiện nay khi không khí, thực phẩm ô nhiễm thì yếu tố đầu tiên là phải lành, nghĩa là sau bữa ăn là tiếng cười nói, chứ không phải ôm bụng, gào khóc rồi đi bệnh viện. Thế nên con mắt bếp núc của đàn bà thời nay rất tinh, nhất là những người đàn bà đang sống ở thành phố, thi thoảng được về quê là lo toan, nhặt nhạnh cũng lẽ thường tình!

Ấy vậy, mà đàn bà chúng mình vốn dính dáng cơm áo gạo tiền, vẫn có thể hết lòng vì dân, vì nước được tôn thờ, được truyền tụng như Bà Chúa Kho ở Cổ Mễ, Bắc Ninh. Truyền rằng, đền thờ một người phụ nữ ở làng Quả Cảm là vợ vua, không những biết tổ chức sản xuất làm ra lúa gạo, mà còn biết tích trữ lương thực. Bà có công giúp triều đình trông coi "lẫm thóc, lẫm tiền” tại Núi Kho, nuôi quân ăn no mặc ấm, giúp vua Lý đánh thắng quân Tống trên chiến tuyến sông Như Nguyệt . Thế nên, đến nay cứ vào ngày bà thác, nhằm 12 tháng giêng là dân làng lại mở hội tưởng nhớ công đức của bà.

Ấy là xa xưa, còn thời hiện tại ta đang sống là tấm gương của nữ anh hùng... bán gạo Nguyễn Thị Ráo, tên thường gọi là Ba Thi tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau Thống nhất đất nước 4/1975, thực hiện chế độ bao cấp lương thực, việc cung cấp đủ gạo cho 4 triệu dân thành phố rất khó khăn, bà Ba Thi, lúc đó là Phó Giám đốc Sở Lương thực, đã đề xuất với UBND thành phố về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thu mua gạo, đem về phục vụ cho nhân dân. 

Bà Ba Thi lập “Tổ Thu mua lúa gạo”. Bà và các thành viên đã khéo léo tận tâm, tận lực, góp phần giúp thành phố phá thế cô lập “ngăn sông cấm chợ”, đảm bảo cho người dân không đứt bữa. 

Đồ rằng, ngày ấy chắc cũng có nhiều đoàn về thanh tra, kiểm tra về phương thức làm ăn của bà Ba Thi: Liệu có dấu hiệu tư bản chủ nghĩa như người ta đồn thổi không? May thay, bà Ba Thi là con người đã vượt lên sự “nhặt nhạnh” tầm thường để vì nghĩa lớn. Vì sự phát triển của thành phố sau chiến tranh, trong tình thế đất nước bị cấm vận, gặp muôn vàn khó khăn. Có khó khăn do khách quan, song cũng có khó khăn do chính chúng ta tự trói buộc mình!

Từ hoạt động có hiệu quả của "Tổ Thu mua lúa gạo", cuối năm 1980, Công ty Kinh doanh lương thực thành phố thành lập do bà làm giám đốc, ngày càng ăn nên làm ra. Công ty của bà Ba Thi như cánh én báo hiệu mùa Xuân của nền kinh tế đất nước mở cửa, có sức truyền cảm, cuốn hút mọi người vào công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Chính vì thế, ngày 3/10/1985, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng lúc đó là đồng chí Trường Chinh, đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho bà Ba Thi. Người dân thành phố Hồ Chí Minh và nhân viên công ty bà rất vui, vì “người buôn gạo” đã được nhìn nhận đúng giá trị và được vinh danh.

Như thế rành rành vai trò của người đàn bà đâu chỉ ở trong gia đình, ngẫm nghĩ mà xem, như thế đâu phải vì mình là đàn bà mà thiên vị. Mà có thiên vị một chút trong ngày 20/10, hẳn đàn ông cũng hài lòng vì dân gian đã có câu: “ Nhất vợ, nhì giời”.

 

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, bà Ba Thi tên thật là Nguyễn Thị Ráo (1922 - 2002) là nữ Đại biểu Quốc hội khóa VIII. Bà nguyên là Giám đốc Công ty Kinh doanh lương thực thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Ủy viên Ủy ban Kinh tế, Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội.

Bà được coi là người đầu tiên tham gia huỷ chế độ bao cấp gạo và thực hiện thành công việc bán gạo một giá đầu tiên tại Việt Nam. Bà đã đóng góp phần quyết định trong việc lo đủ gạo ăn cho 4 triệu dân thành phố Hồ Chí Minhvào thời gian đầu sau hòa bình. Bà cũng là một trong những phụ nữ đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

 


                                                                     Đoàn Thị Ký