Ngày 29/12/2023, Thanh tra Sở LĐ,TB&XH tỉnh Quảng Bình ban hành Kết luận thanh tra số 124/KL-TTr về tình hình thực hiện pháp luật giáo dục nghề nghiệp tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình. Qua đó chỉ ra nhiều thiếu sót trong quá trình hoạt động.

Trung tâm chưa thực hiện đầy đủ chương trình đào tạo, kế hoạch đào tạo còn có phần kiểm tra kết thúc khóa học chưa đảm bảo quy định.

Kế hoạch đào tạo của một số lớp không có thời gian kết thúc khóa học chưa đúng theo quy định tại khoản 3 Điều 13 thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ LĐ,TB&XH về đào tạo thường xuyên. Một số lớp có thời gian thực hiện trong kế hoạch đào tạo không đúng so với chương trình đào tạo mà Trung tâm đã ban hành.

Thực hiện hỗ trợ tiền ăn cho 02 người không thuộc đối tượng hộ cận nghèo là chưa đảm bảo quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016 của Bộ Tài chính về quy định quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.

Thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho 11 người tham gia các lớp đào tạo nghề dưới 3 tháng năm 2022 chưa đảm bảo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư 152/2016/TT-BTC. Cụ thể, qua kiểm tra hồ sơ, lớp may công nghiệp tại xã Cao Quảng có chương trình đào tạo 02 tháng, nhưng kế hoạch đào tạo bắt đầu từ ngày 14/11/2022, không đủ thời gian thực hiện so với chương trình đào tạo đã ban hành, thiếu 14 ngày; lớp may công nghiệp 2 tại xã Thanh Hóa có chương trình đào tạo 02 tháng, bắt đầu từ ngày 22/11/2022, không đủ thời gian thực hiện so với chương trình đào tạo đã ban hành, thiếu 22 ngày; lớp nuôi và phòng trị bệnh cho lợn tại xã Mai Hóa có chương trình đào tạo 1,5 tháng, bắt đầu từ ngày 25/11/2022, không đủ thời gian thực hiện so với chương trình đào tạo đã ban hành, thiếu 10 ngày.

Bên cạnh những sai sót trong chương trình đào tạo, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuyên Hóa cũng để xảy ra việc hỗ trợ đào tạo nghề và hỗ trợ tiền ăn cho người tham gia các lớp đào tạo nghề không đúng quy định. Cụ thể, ông Trần Đức Hải và bà Trần Thị Tuyết tham gia lớp đào tạo nghề lớp nuôi và phòng trị bệnh cho lợn. Cả 2 người đều không thuộc đối tượng hộ cận nghèo năm 2022 nhưng UBND xã Mai Hóa vẫn xác nhận là đối tượng hộ cận nghèo. Căn cứ giấy xác nhận hộ cận nghèo của UBND xã Mai Hóa, Trung tâm đã thực hiện hỗ trợ tiền ăn cho mỗi học viên là 840.000 đồng, tổng số tiền hỗ trợ đào tạo nghề không đúng cho 02 học viên là 1.680.000 đồng.

Về hỗ trợ đào tạo nghề không đúng quy định, có 11 trường hợp. Năm 2022, có 10 người tham gia lớp nuôi và phòng trị bệnh cho lợn tại xã Thạch Hóa là đối tượng hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề (trong đơn đăng ký học nghề năm 2022 của 10 học viên đều ghi tham gia học nghề lần 1), nhưng qua kiểm tra, đối chiếu thì cả 10 học viên trên đều đã tham gia lớp nuôi và phòng trị bệnh cho lợn tại xã này vào năm 2021 và một trường hợp lớp kỹ thuật trồng hoa ly, hoa cúc tại xã Sơn Hóa cũng đã từng tham gia đào tạo nghề tại lớp may công nghiệp xã Sơn Hóa.

Sau kiểm tra, Thanh tra Sở LĐ,TB&XH tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu Giám đốc Trung tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế, có trách nhiệm thực hiện thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước số tiền đã chi sai quy định và báo cáo kết quả thực hiện bằng văn bản.

Ngày 26/02/2024 Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tuyên Hóa đã có Báo cáo số 17/BC-GDNN-GDTX nêu rõ: Trung tâm đã thu hồi được số tiền 20,8 triệu đồng chi sai để nộp lại ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu 8,2 triệu đồng kinh phí hỗ trợ sai đối tượng thuộc 2 xã Thạch Hóa và Sơn Hóa. Lí do Trung tâm nêu ra là các đối tượng trước đó được hỗ trợ kinh phí có hoàn cảnh gia đình khó khăn, việc thu hồi lại diễn ra vào thời điểm giáp hạt nên chưa thể khắc phục được.

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH  cho biết, Thanh tra Sở sẽ giám sát việc thu hồi kinh phí chi sai đầy đủ về ngân sách cũng như kiểm điểm trách nhiệm các tập thể và cá nhân liên quan.
Lê Hữu Chính