Tại Báo cáo số 854/BC-UBND ngày 10/9/2024, UBND tỉnh An Giang cho biết, đến ngày 25/8, đã thực hiện hoàn thành 22 nội dung kiến nghị theo Kết luận thanh tra số 1522/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ.

UBND tỉnh đã thực hiện xong nội dung kiến nghị về thu hồi các giấy phép khai thác khoáng sản; 3 nội dung kiến nghị về việc thu hồi, xử lý về kinh tế; 18 nội dung kiến nghị thực hiện chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, thiếu sót.

Hiện nay, UBND tỉnh đang tổ chức thực hiện 13 nội dung kiến nghị.

Đối với việc đôn đốc các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện thu, nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền hơn 119,8 tỷ đồng là khoản nợ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, UBND tỉnh An Giang cho biết đã có 5 doanh nghiệp nộp hết nợ và 1 doanh nghiệp đang nộp dần với tổng số tiền hơn 12,3 tỷ đồng. Số còn lại phải tiếp tục thu của 9 doanh nghiệp là hơn 107,5 tỷ đồng.

Tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị rà soát, xác định lại số tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp được khấu trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các tổ chức kinh tế khi chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật, điều chỉnh số tiền được khấu trừ đã xác định và khẩn trương thu nộp bổ sung vào ngân sách Nhà nước số tiền đã khấu trừ chưa đúng (sau khi rà soát thực hiện việc miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo đúng quy định), trong đó có số tiền gần 176 tỷ đồng đã thực hiện khấu trừ tại 114 dự án.

Ngày 29/12/2023, UBND tỉnh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ thuyết minh chênh lệch tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp bổ sung ngân sách Nhà nước được xác định lại theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Qua đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thu nộp bổ sung ngân sách Nhà nước số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là hơn 127,6 tỷ đồng và không tính tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi doanh nghiệp nộp trễ hạn theo thông báo nộp bổ sung của Cục Thuế An Giang.

UBND tỉnh cho biết, đến nay đã thu nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với số tiền hơn 121 tỷ đồng, đạt 95%. Số tiền còn lại phải tiếp tục thu nộp là hơn 6,6 tỷ đồng, chiếm 5%. Cục Thuế đã ban hành Công văn số 414/CTAGI ngày 5/2/2024 về việc thực hiện cưỡng chế đối với các doanh nghiệp phải nộp bổ sung theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Đối với kiến nghị về rà soát, xác định rõ diện tích đất chuyên trồng lúa được chuyển mục đích sử dụng tại các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để tính thu tiền bảo vệ và phát triển đất chuyên trồng lúa, trong đó có 20 dự án đã có thông báo nộp tiền của cấp thẩm quyền với số tiền phải thu nộp hơn 5 tỷ đồng, số tiền còn lại phải thu là hơn 4,7 tỷ đồng. Đến nay, đã xử lý thu hơn 2 tỷ đồng, số còn lại phải tiếp tục thực hiện là hơn 2,7 tỷ đồng.

Liên quan đến nội dung này, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Văn bản số 5170/VPUBND-KTTH ngày 21/9/2023, Công văn số 3861/UBND-KTTH ngày 25/7/2024 về việc đôn đốc nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa vào ngân sách Nhà nước giai đoạn 2017 - 2020.

Về kiến nghị khẩn trương có biện pháp thu hồi số tiền hơn 5,2 tỷ đồng đã thanh toán vượt giá trị quyết toán cho nhà thầu để hoàn trả ngân sách Nhà nước theo đúng quy định, ngày 16/8/2023, Sở Tài chính có văn bản về việc đôn đốc các chủ đầu tư phối hợp với Kho bạc Nhà nước khẩn trương thu hồi giá trị đã thanh toán vượt quyết toán, tất toán dự án theo đúng quy định. Qua đó, đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền hơn 19 triệu đồng/hơn 5,2 tỷ đồng. Dự án tất toán là 65/191 (đạt tỷ lệ 34%), chưa tất toán 126 dự án.

Ngoài ra, UBND tỉnh An Giang đang thực hiện đối với 1 nội dung kiến nghị về xử lý hành chính và 8 nội dung kiến nghị về chấn chỉnh, khắc phục các hạn chế, thiếu sót, bao gồm 5 nội dung kiến nghị về quản lý, sử dụng đất đai; 1 nội dung kiến nghị đầu tư xây dựng cơ bản; 2 nội dung kiến nghị về việc cấp phép khai thác cát.

Riêng kiến nghị về rà soát, xác định diện tích đất chuyên trồng lúa các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước (từ ngày 8/10/2016 đến nay khi được UBND tỉnh thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang mục đích phi nông nghiệp) để tính thu tiền bảo vệ và phát triển đất chuyên trồng lúa theo quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường đã rà soát có 68 công trình, dự án sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước được UBND tỉnh thu hồi đất, giao đất từ đất chuyên trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp.

Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh An Giang đã thực hiện xong việc lập 68 phiếu chuyển thông tin địa chính gửi Sở Tài chính để xác định thu tiền bảo vệ và phát triển đất chuyên trồng lúa.

Ngày 2/7/2024, Sở Tài chính đã có báo cáo việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với nội dung về việc thu nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường. Qua đó, Sở Tài chính đã xác định và thông báo số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phải nộp đến các cơ quan, tổ chức là hơn 28,8 tỷ đồng, số đã nộp là gần 2 tỷ đồng. Số còn lại phải nộp là hơn 26,8 tỷ đồng.

Ngày 25/7/2024, UBND tỉnh đã ban hành công văn yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài chính rà soát và có biện pháp giải quyết dứt điểm đối với các trường hợp đã ra thông báo trước đây theo nội dung báo cáo, đề xuất của Sở Tài chính.

UBND tỉnh An Giang cho biết, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện kịp thời, nghiêm túc các kiến nghị tại Kết luận số 1522/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ. Trong quá trình thực hiện sẽ thường xuyên báo cáo kết quả, xin ý kiến chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ đối với những khó khăn, vướng mắc.

Cảnh Nhật