Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra tại: Ban Quản lý (BQL) Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Trần Thương, xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân; Ban Quản lý Đền Lảnh Giang, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên.

Tại Di tích Đền Trần Thương, kết luận chỉ ra công tác tổ chức lễ hội cơ bản đã thực hiện theo quy định, BQL ban hành các quyết định thành lập, phê duyệt quy chế làm việc của ban tổ chức lễ hội; chịu trách nhiệm về hoạt động của ban tổ chức lễ hội; ban hành, phổ biến quy chế làm việc và phân công trách nhiệm của các thành viên ban tổ chức lễ hội; nội quy thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Vào các dịp tổ chức lễ hội, BQL Di tích tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về giá trị lịch sử - văn hóa của di tích, lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Kết luận chỉ ra, tại khuôn viên Đền đã lắp đặt hệ thống camera an ninh 12 mắt ở các khu vực trong nội tự và 2 camera nhận diện khuôn mặt ở cổng vào Đền đảm bảo an toàn trong việc quản lý đồ thờ, hiện vật, an ninh trật tự tại Đền.

Hàng năm vào các dịp tổ chức lễ hội, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện xây dựng các phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy trước, trong thời gian tổ chức lễ hội.

Tại các cung thờ đều được lắp đặt các thiết bị kiểm soát về việc phòng chống cháy nổ, BQL Di tích lên kế hoạch tổ chức tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy cho các thành viên trong ban tổ chức; vận động nhân dân và du khách hạn chế sử dụng các vật liệu dễ cháy; thường xuyên bố trí người quét dọn, thu gom rác thải, thường xuyên dọn dẹp khu vệ sinh công cộng cũng như tăng cường hệ thống thùng rác để thuận tiện cho du khách xử lý rác thải.

Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo bố trí địa điểm, không gian tổ chức các nghi lễ, tổ chức các hoạt động dịch vụ, đảm bảo không gian, an toàn. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng tích cực kiểm tra, quản lý các hoạt động dịch vụ; hàng quán, bãi đỗ xe, giá vé trông giữ xe, được niêm yết công khai, đảm bảo đúng quy định, không có tình trạng chèo kéo, ép giá và bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, các thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm; quản lý các hoạt động kinh doanh văn hóa phẩm tại lễ hội.

Toàn bộ tiền công đức tại Đền do các tổ chức, cá nhân công đức đều được ghi vào số công đức lưu giữ tại Đền. Tại mỗi cung thờ đặt tối đa 3 hòm công đức có bàn ghi, có người trực ghi công đức, sổ ghi công đức cho nhân dân và khách thập phương theo quy định và được BQL di tích hạch toán qua tài khoản tiền gửi tại ngân hàng.

Tuy nhiên, tại khu vực nội tự để nhiều đồ hành lễ không đảm bảo mỹ quan, còn tình trạng tiếp nhận công đức bằng hiện vật như lọ lộc bình, đèn thờ; sử dụng nến cốc trong khu vực nội tự ảnh hưởng đến công tác phòng cháy, chữa cháy.

Kiểm tra tại Di tích Đền Lảnh Giang cho thấy, công tác tuyên truyền, giới thiệu mục đích, ý nghĩa, giá trị của di tích và lễ hội tại Đền Lảnh Giang được chú trọng thường xuyên, đặc biệt trong thời điểm diễn ra lễ hội, ngày rằm, mùng một hàng tháng và dịp đầu xuân.

UBND xã xây dựng mô hình “Đền Lảnh Giang an toàn, văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc” nhằm bảo tồn, tôn tạo các giá trị kiến trúc lịch sử, văn hóa của các công trình trong khu di tích; bảo tồn, phục dựng và phát triển các nghi lễ, lễ hội truyền thống của địa phương; bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể; duy trì văn hóa tín ngưỡng đền phủ theo thuần phong, mỹ tục, không mê tín dị đoan.

Khu vui chơi giải trí và khu vực tổ chức các hoạt động dịch vụ đảm bảo không lấn chiếm khuôn viên di tích. Năm 2023, BQL Di tích đã triển khai xây dựng 46 gian ki ốt theo quy hoạch làm dịch vụ bán hàng phục vụ du khách về thăm quan lễ hội; đầu tư xây dựng 2 đồi tùng, 2 hồ cá coi, trồng cây xanh tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp tạo ấn tượng cho du khách khi đến thăm quan.

Tuy nhiên, khu nội tự để nhiều đồ phục vụ hành lễ chưa đảm bảo mỹ quan, sử dụng nến cốc trong nội tự, hệ thống điện chưa đảm bảo công tác phòng, chống cháy nổ.

Thanh tra Bộ kiến nghị Sở VHTTDL tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội và khai thác giá trị di tích lịch sử văn hoá tại địa phương theo quy định. Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu về di tích và lễ hội.

Các BQL di tích, ban tổ chức lễ hội, thủ nhang thực hiện nghiêm công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội theo các quy định. Không tiếp nhận hiện vật không rõ nguồn gốc (linh vật, đồ thờ cúng,...) không có trong danh mục hồ sơ xếp hạng di tích.

Đồng thời, tăng cường sự phối hợp, nâng cao tinh thần trách nhiệm; kịp thời xử lý, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội trên địa bàn như: đốt nhiều vàng mã, ăn xin, khấn thuê; hàng quán lấn chiếm lối đi vào di tích; nâng giá hàng hóa dịch vụ và trông giữ phương tiện; tổ chức chơi các trò chơi có tính chất cờ bạc trá hình; bố trí lực lượng thu gom kịp thời tiền đặt lễ và tiền dầu nhang; hướng dẫn nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội.

Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những hiện tượng phản cảm diễn ra trong lễ hội.

Quản lý tốt nguồn thu, chi theo Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Hướng dẫn việc đặt tiền lễ đúng nơi quy định; quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng mục đích. Tăng cường công tác tuyên truyền về lịch sử di tích và ý nghĩa lễ hội; đồng thời tuyên truyền với nhân dân và du khách trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Bảo Anh