Cho doanh nghiệp thuê 4 trụ sở không qua đấu giá?

4 trụ sở: Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Nhà khách Tỉnh ủy được UBND tỉnh Bình Dương thu hồi, sau đó cho Công ty Quản lý dự án Bình Dương (doanh nghiệp Nhà nước) thuê để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Tại Kết luận thanh tra số 785/KL-TTCP ngày 22/3/2023, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, UBND tỉnh Bình Dương cho thuê tài sản công không qua đấu giá là trái với quy định pháp luật tại Điều 118, Luật Đất đai 2013; đồng thời, vi phạm quy định Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Sau 3 tháng tiếp nhận 4 trụ sở trên, Công ty Quản lý dự án Bình Dương nhanh chóng báo lỗ và xin chủ trương cho thuê nhà khách và Văn phòng Tỉnh ủy làm khách sạn, nhà hàng ăn uống. Sau đó, công ty này được tỉnh Bình Dương chấp thuận, cho Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Bcons thuê lại.

Lý do cho thuê được công ty lí giải vì cơ sở vật chất hạ tầng, thiết bị xuống cấp trầm trọng, hệ số sử dụng phòng thấp, trong khu vực Thủ Dầu Một có nhiều khách sạn mới đi vào hoạt động, nếu bỏ ra chi phí nâng cấp, cải tạo, sửa chữa lớn, cộng với chi phí thuê đất hàng năm khá cao, nên hội đồng thành viên thống nhất xây dựng phương án cho thuê hoặc hợp tác liên kết để khai thác kinh doanh.

Sau khi tiếp nhận tờ trình, ngày 10/2/2017, Tỉnh ủy Bình Dương ra Thông báo số 255-TB/TU chấp thuận chủ trương cho công ty tìm kiếm đối tác bên ngoài để cho thuê toàn bộ nhà khách hoặc liên kết để khai thác kinh doanh. Đồng thời, xây dựng phương án cụ thể về hình thức, thời gian, giá cho thuê và các điều khoản cam kết của công ty để tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy.

Ngày 20/7/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1939/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Nhà khách Tỉnh ủy để giao cho Công ty Quản lý dự án Bình Dương thuê đất.

Ngày 7/8/2017, công ty ký Hợp đồng số 11/2017/HĐKT với một doanh nghiệp tư nhân là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bcons về việc cho thuê Nhà khách Tỉnh ủy và một phần Văn phòng Tỉnh ủy. Theo hợp đồng, thời gian thuê được xác định là 20 năm, giá cho thuê là 200 triệu đồng/tháng (chưa bao gồm VAT và tiền thuê đất hàng năm). Giá cho thuê được điều chỉnh theo mỗi chu kỳ là 5 năm một lần và mỗi lần điều chỉnh tăng 10% so với giá đang áp dụng. Công ty Bcons đã thanh toán toàn bộ chi phí đầu tư 33,6 tỷ đồng trong vòng 14 năm thuê.

Nhà khách Tỉnh ủy có tổng diện tích 3.490,8m2, tọa lạc tại 50 đường Bạch Đằng, phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một, được coi là vị trí đắc địa của tỉnh Bình Dương. Hiện nay là Khách sạn Bcons và khu ăn uống cà phê của đơn vị này.

leftcenterrightdel
Nhà khách Tỉnh ủy và một phần diện tích Văn phòng Tỉnh ủy hiện là Khách sạn Bcons của Công ty CP Đầu tư xây dựng Bcons. Ảnh: Ngân Nga

Theo ghi nhận của chúng tôi, 4 trụ sở Công ty Quản lý dự án Bình Dương thuê của Nhà nước, chỉ có 2 cơ sở được Công ty Bcons thuê lại là kinh doanh khả quan, 2 cơ sở còn lại thì 1 làm văn phòng công ty, còn 1 cơ sở (Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy) mặc dù là vị trí “đất vàng” nằm trên đường Ngô Quyền, nhưng một thời gian dài vẫn nằm “đắp chiếu” khiến cơ sở vật chất đang dần xuống cấp.

Dự luận thắc mắc: Tỉnh Bình Dương trước khi giao tài sản công cho doanh nghiệp có xem xét, đánh giá năng lực tài chính hay không? Tại sao không tổ chức đấu giá để tìm giá tốt, năng lực, kinh nghiệm tốt? Phải chăng vì giao cho một đơn vị “hạn chế về năng lực" nên những vị trí “đất vàng” này không phát huy hiệu quả, công năng sử dụng?

Đề nghị thu hồi và xử lý trách nhiệm

Khi Thanh tra Chính phủ đang tiến hành thanh tra, ngày 15/4/2021, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định 970/QĐ-UBND thu hồi 4 trụ sở từng giao cho Công ty Quản lý dự án Bình Dương. Tuy nhiên, theo ghi nhận, tới ngày 17/5/2023, Nhà khách Tỉnh ủy Bình Dương vẫn đang được Bcons kinh doanh khách sạn, nhà hàng.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc 4 trụ sở nhà, đất công nói trên đã có quyết định thu hồi, cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng và trình duyệt phương án quản lý, sử dụng và khai thác có hiệu quả 4 cơ sở nhà, đất này; đồng thời yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương kiểm tra, rà soát các trụ sở dôi dư của các cơ quan, tổ chức sử dụng không đúng mục đích trên địa bàn toàn tỉnh và xử lý theo quy định.

Thanh tra Chính phủ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương theo thẩm quyền xem xét hủy kết quả bán đấu giá 4 tài sản công gồm trụ sở cũ của Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh (nếu đủ điều kiện) và xử lý theo đúng quy định pháp luật, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ đã liệt kê hàng loạt kết luận thanh tra trước đó của Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành mà UBND tỉnh Bình Dương và các đơn vị chậm thực hiện. Đó là: Kết luận thanh tra số 1249/KL-TTCP ngày 30/5/2014 của Thanh tra Chính phủ về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Kết luận thanh tra số 2868/KL-TTCP ngày 26/11/2014 của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý, sử dụng đất tại Công ty Đường sắt Việt Nam; Kết luận thanh tra 3142/KL-TTCP ngày 25/11/2016 của Thanh tra Chính phủ về công tác quản lý sử dụng đất đai của Trường Đại học Nông lâm TP HCM; Kết luận thanh tra 1928/BKHĐT-Ttr ngày 28/3/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Kết luận thanh tra số 576/KL-TTBNV ngày 13/11/2019 của Thanh tra Bộ Nội vụ…

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, đoàn thanh tra của Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thu hồi tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương số tiền 1.361.740.000 đồng. Sở đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Ban Quản lý dự án nghiêm túc thực hiện kết luận thanh tra, báo cáo việc thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước. Mặc dù đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng đến nay Ban Quản lý dự án vẫn chưa báo cáo kết quả thực hiện nêu trên.

Ngân Nga