Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác CCHC, TTCP đã ban hành kế hoạch CCHC năm 2024. Trong đó xác định 40 nhiệm vụ trên 7 lĩnh vực CCHC cần thực hiện: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC; xây dựng, hoàn thiện thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. 

Đồng thời, TTCP đã ban hành các kế hoạch để triển khai công tác CCHC đối với từng lĩnh vực cụ thể. Các kế hoạch của TTCP đều bám sát nội dung chương trình, kế hoạch CCHC của Chính phủ, có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan nhằm triển khai đồng bộ công tác CCHC. Trên cơ sở Kế hoạch CCHC năm 2024 của TTCP, các đơn vị đã cụ thể hóa, xây dựng và triển khai kế hoạch CCHC của đơn vị bảo đảm gắn kết với các nhiệm vụ chuyên môn. 

Công tác chỉ đạo điều hành các nhiệm vụ CCHC đã được lãnh đạo TTCP bám sát, triển khai đến từng vụ, cục, đơn vị và công chức làm nhiệm vụ CCHC. Ban Chỉ đạo CCHC TTCP và thủ trưởng các đơn vị đã phát huy vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu, thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị triển khai nhiệm vụ CCHC theo kế hoạch và kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém trong công tác CCHC tại các cuộc họp giao ban cấp vụ và trong các cuộc sinh hoạt chuyên môn định kỳ.

Theo TTCP, quý I/2024, TTCP tiếp tục thực hiện 32 cuộc thanh tra theo kế hoạch và đột xuất được giao. Thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đến nay, TTCP đã hoàn thành 4 nhiệm vụ.

Báo cáo kết quả công tác CCHC của TTCP cho thấy, trong quý I, TTCP đã thực hiện nghiên cứu, góp ý một số dự thảo văn bản pháp luật do các bộ, ngành gửi xin ý kiến. Nội dung góp ý đã quán triệt tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Luật Thanh tra, Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định pháp luật khác, giúp các bộ, ngành và Chính phủ có cơ sở hoàn thiện và quyết định đối với các văn bản dự thảo. Các hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng giúp đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong cách hiểu và áp dụng pháp luật, giúp thanh tra các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. 

Đáng lưu ý, công tác cải cách TTHC được TTCP triển khai một cách kịp thời, toàn diện. Ngay từ cuối năm 2023, TTCP đã ban hành và triển khai kế hoạch kiểm soát TTHC năm 2024, trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian thực hiện, trách nhiệm thực hiện của các vụ, cục, đơn vị.

Cũng trong quý I/2024, 100% số TTHC tiếp công dân thuộc thẩm quyền giải quyết của TTCP đã thực hiện việc tiếp nhận, trả kết quả tại bộ phận một cửa, được phê duyệt quy trình nội bộ và điện tử hóa.

Trong quý I, Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đã tiếp 716 lượt với 1.531 công dân đến trình bày 716 vụ việc. Riêng Ban Tiếp công dân Trung ương tiếp 498 lượt với 1.263 công dân đến trình bày 498 vụ việc, có 46 lượt đoàn đông người với 753 người đến trình bày 46 vụ việc.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ đã tiếp nhận 117 phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên hệ thống phản ánh, kiến nghị Cổng Dịch vụ công quốc gia, đã xử lý và trả lời 100% phản ánh, kiến nghị; tất cả phản ánh, kiến nghị đã xử lý, trả lời đều được công khai theo quy định.

Tiếp tục cải cách bộ máy tổ chức, trong quý I, TTCP đã hoàn thiện dự thảo quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 19 vụ, cục, đơn vị thuộc TTCP.

Đối với cải cách tài chính công, TTCP ban hành về việc công khai dự toán thu-chi ngân sách Nhà nước năm 2023 của TTCP. Thực hiện phân bổ nguồn kinh phí được trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp vào ngân sách Nhà nước của TTCP, đảm bảo tăng thu nhập cho cán bộ, công chức và nâng cao năng lực ngành Thanh tra. 

Đồng thời tiếp tục thực hiện việc phân cấp, ủy quyền và tổ chức thực hiện trong quản lý tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng, công nghệ thông tin, đấu thầu mua sắm và kiểm tra nội bộ tại TTCP theo quy định. 

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số năm 2024, TTCP đang triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch, như: Đôn đốc, kiểm tra việc sử dụng kênh truyền thông chuyển đổi số quốc gia trên Zalo. Học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương, nghiên cứu, đề xuất các bài toán, sáng kiến…

Bên cạnh kết quả đạt được, TTCP cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục trong công tác chỉ đạo, điều hành về thực hiện nhiệm vụ CCHC của một số đơn vị của TTCP chưa đi vào chiều sâu, chưa bám sát đặc điểm tình hình của đơn vị.

Việc tạo điều kiện về bố trí nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác CCHC lĩnh vực hiện đại hóa hành chính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa huy động và đa dạng hóa được các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ các dự án hợp tác quốc tế cho công tác CCHC.

Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2024, theo TTCP, tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo TTCP và thủ trưởng các vụ, cục, đơn vị đối với công tác CCHC, quan tâm đến chất lượng, hiệu quả. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, gắn trách nhiệm của thủ trưởng các vụ, cục, đơn vị trong việc triển khai các nhiệm vụ CCHC.

Phương Anh