Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại VKSND Tối cao, kết nối trực tuyến đến điểm cầu VKSND cấp cao 2, 3 và VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại hội nghị, đại diện Thanh tra VKSND Tối cao cho biết, trong thời gian qua, công tác thanh tra trong ngành đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; số lượng, chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra ngày càng nâng cao; cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của lãnh đạo VKSND Tối cao.

Tuy nhiên, chất lượng công tác thanh tra chưa được đồng đều, một số kết luận thanh tra, kiểm tra chưa đáp ứng yêu cầu; còn một số đơn vị công chức chưa chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương; chưa kịp thời phát hiện công chức, viên chức, người lao động có dấu hiệu vi phạm để ngăn chặn, phòng ngừa dẫn đến để xảy ra vi phạm bị xem xét xử lý trách nhiệm; một số chỉ tiêu công tác chưa đạt theo yêu cầu của Quốc hội và của ngành giao. 

Để xảy ra tồn tại trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do công chức làm công tác thanh tra trong ngành thời gian qua có một số biến động; một số công chức chưa nắm vững các quy định của Đảng, Nhà nước và của ngành; chưa thuần thục các quy trình, kỹ năng công tác thanh tra để tham mưu triển khai thực hiện. 

Việc tổ chức hội nghị tập huấn công tác thanh tra năm 2024 với mục đích nhằm triển khai một số văn bản mới về công tác thanh tra; tập huấn về kỹ năng nghiệp vụ công tác thanh tra; trao đổi kinh nghiệm, giải pháp hiệu quả qua thực tiễn công tác thanh tra; giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong công tác thanh tra, nhằm bổ sung kiến thức, kinh nghiệm, thống nhất trong nhận thức và triển khai thực hiện trong toàn hệ thống thanh tra trong ngành. 

Đồng thời góp phần giúp cho công tác thanh tra trong ngành thời gian tới đạt được hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo VKSND Tối cao, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành.

leftcenterrightdel
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, TS Trần Văn Long trao đổi tại hội nghị. Ảnh: CN 

Tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ TS Trần Văn Long đã giới thiệu, trao đổi chuyên đề “Quy trình tiến hành thanh tra và kỹ năng xây dựng báo cáo, kết luận thanh tra”.

Hội nghị cũng nghe Thanh tra VKSND Tối cao giới thiệu chuyên đề “Kỹ năng thanh tra công tác tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản”.

Phát biểu tại hội nghị, Chánh Thanh tra VKSND Tối cao Mai Thị Nam đánh giá cao nội dung các chuyên đề, các ý kiến tham luận và nội dung giải đáp. Đồng thời nhấn mạnh, đây là các nội dung hữu ích và đáp ứng yêu cầu thực tiễn mà công tác thanh tra trong ngành Kiểm sát Nhân dân đang triển khai thực hiện.

Trong đó nội dung chuyên đề do Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Văn Long trao đổi, truyền đạt có ý nghĩa phục vụ công tác thanh tra, chuyên đề tập trung vào kỹ năng xây dựng báo cáo, kết luận thanh tra. 

Để chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra trong ngành thời gian tới được tốt hơn, Chánh Thanh tra VKSND Tối cao Mai Thị Nam yêu cầu công chức làm công tác thanh tra quán triệt, triển khai một số nội dung trọng tâm. Cụ thể là, trên cơ sở kết quả trao đổi và tài liệu tại hội nghị cần tiếp tục nghiên cứu vận dụng trong thực tiễn công tác.

Chánh Thanh tra đề nghị, trong tháng 10/2024, các đơn vị phải hoàn hành các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã đề ra. Chủ động tham mưu lãnh đạo Viện cho tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất để kịp thời ngăn chặn, khắc phục vi phạm. Đồng thời, chủ động ban hành các thông báo rút kinh nghiệm đối với các thiếu sót, vi phạm được phát hiện qua công tác thanh tra để răn đe, phòng ngừa chung.

leftcenterrightdel
 Chánh Thanh tra VKSND Tối cao Mai Thị Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: CN

Tăng cường hơn nữa công tác tự đào tạo, theo hướng công chức có kinh nghiệm, năng lực, trình độ trong công tác thanh tra hướng dẫn, đào tạo công chức chưa có nhiều kinh nghiệm, mới được phân công thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra.

Tùy theo tính chất, nội dung cuộc thanh tra, thanh tra các đơn vị chủ động tham mưu, đề xuất lãnh đạo Viện cho trưng dụng công chức có năng lực, trình độ tại các đơn vị khác tham gia thành viên đoàn thanh tra để đảm bảo chất lượng cuộc thanh tra.

Hằng năm, chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan (phối hợp với các trưởng phòng, viện trưởng VKSND cấp huyện) để xác định khâu công tác, lĩnh vực còn yếu, không đảm bảo chỉ tiêu đề ra, để xảy ra nhiều thiếu sót, vi phạm để tiến hành thanh tra. Qua thanh tra, phải chỉ ra được những nguyên nhân từ đó có giải pháp tham mưu lãnh đạo Viện chỉ đạo khắc phục. Quá trình thực hiện nhiệm vụ nếu còn phát sinh khó khăn, vướng mắc, các đơn vị kịp thời báo cáo về Thanh tra VKSND Tối cao để được giải đáp, hướng dẫn.

Nhân hội nghị này, Chánh Thanh tra VKSND Tối cao Mai Thị Nam đề nghị lãnh đạo các VKSND cấp cao và VKSND cấp tỉnh trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành luôn quan tâm đến công tác thanh tra về biên chế cũng như đảm bảo các các điều kiện khác cho hoạt động thanh tra. Xác định công tác thanh tra là một trong những biện pháp quan trọng trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu, nhằm kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ. 

Thái Hải