Chuyển đổi số để phát hiện nhanh chồng chéo trong kế hoạch thanh tra

Trong những năm qua, Thanh tra tỉnh Tuyên Quang đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương, huyện, thành phố xử lý chồng chéo kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm cơ bản đảm bảo hiệu quả; tuy nhiên, việc xử lý chồng chéo bằng phương pháp thủ công tốn nhiều thời gian, nhân lực, độ chính xác chưa cao.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2022, Thanh tra tỉnh đã triển khai sử dụng phần mềm lập kế hoạch thanh tra và xử lý chồng chéo trên địa bàn toàn tỉnh.

Việc triển khai ứng dụng phần mềm đã đem lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao hiệu lực trong công tác thanh tra, kiểm tra như: Khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý chồng chéo kế hoạch thanh tra, kiểm tra, đảm bảo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp; khả năng tra cứu thông tin nhanh chóng, đầy đủ và chính xác hơn; phần mềm kết nối trực tuyến giữa Thanh tra tỉnh với thanh tra các cơ quan, đơn vị, giúp duy trì thông tin liên lạc, kịp thời điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra giữa các cơ quan, đơn vị, việc quản lý, tra cứu, tổng hợp các thông tin về công tác thanh tra, kiểm tra của các đơn vị chi tiết đến từng đối tượng thanh tra, hạn chế tối đa tình trạng chồng chéo kế hoạch thanh tra, kiểm tra.

Theo Luật Thanh tra năm 2010, giám đốc các sở, chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm xem xét, phê duyệt kế hoạch thanh tra. Hiện nay, thực hiện Luật Thanh tra năm 2022, kế hoạch thanh tra của tỉnh bao gồm các kế hoạch thanh tra của Thanh tra tỉnh, thanh tra sở và thanh tra huyện. Chủ tịch UBND tỉnh sẽ ban hành kế hoạch thanh tra của tỉnh.

Để tổ chức thực hiện phần mềm đạt hiệu quả cao, kịp thời, đúng quy định hiện hành của pháp luật và yêu cầu thực tiễn trong hoạt động thanh tra, việc ban hành quyết định của UBND tỉnh quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ở địa phương theo quy định tại khoản 3, Điều 28 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, là cần thiết, phù hợp.

Từ đó, Thanh tra tỉnh Tuyên Quang đã trình UBND tỉnh dự thảo quyết định ban hành quy chế quản lý, sử dụng phần mềm lập kế hoạch thanh tra và xử lý chồng chéo, trùng lặp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Giải quyết 100% hồ sơ thủ tục hành chính theo quy định nhờ chuyển đổi số

Thanh tra tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong năm 2023, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số trong toàn ngành Thanh tra của tỉnh, phát động và tổ chức triển khai Cuộc thi "Tìm hiểu về cải cách hành chính năm 2023" trong toàn ngành Thanh tra của tỉnh.

Thanh tra tỉnh có 1 sáng kiến, giải pháp mới trong công tác cải cách hành chính, cụ thể: Sáng kiến tổ chức tiếp công dân bằng hình thức trực tuyến.

Thanh tra tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND ngày 25/8/2023 về quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong công tác tiếp công dân định kỳ, đột xuất của Chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Quyết định không chỉ quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân mà còn quy định cụ thể về quy trình tiếp công dân định kỳ, đột xuất (nội dung mà pháp luật về tiếp công dân hiện nay còn thiếu sót). Quyết định ban hành giúp chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân; làm tiền đề triển khai tiếp công dân bằng hình thức trực tuyến, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tạo điều kiện cho công dân tiếp cận thủ tục hành chính một cách dễ dàng. Đây là nội dung được sử dụng để chấm điểm chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Tuyên Quang.

Năm 2023, Thanh tra tỉnh đã thực hiện kiến nghị đơn giản hoá đối với 7/24 thủ tục hành chính (tỷ lệ 29,2%); chỉ đạo các đơn vị rà soát và thực hiện nghiêm việc cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân tỉnh Tuyên Quang. Tổ chức khảo sát việc tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; hiệu quả mô hình Ban Tiếp công dân cấp huyện; sửa đổi nội quy tiếp công dân của Thanh tra tỉnh. Ban hành văn bản hướng dẫn triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Ngoài ra, năm 2023, Thanh tra tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính giai đoạn 2020 - 2024 và số hóa hồ sơ lưu trữ, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đối số, tiếp nhận, giải quyết xong và công khai 100% hồ sơ thủ tục hành chính theo quy định; không có hồ sơ trễ hạn.

Đẩy mạnh tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công của tỉnh. Thanh tra tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn tổ chức, công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục xử lý đơn thuộc thẩm quyền.

Đến nay, Thanh tra tỉnh phát sinh 2 hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả bằng hình thức trực tuyến, thực hiện eform đối với 1 thủ tục hành chính.

Tỷ lệ số hoá năm 2023 (tính từ ngày 1/1 - 31/10/2023) đạt 48,15% trong kỳ, Thanh tra tỉnh không nhận được phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan.

Mới đây, ngày 15/12/2023, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tiếp các công dân của huyện Yên Sơn, Hàm Yên bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu trụ sở UBND tỉnh đến các điểm cầu huyện Yên Sơn, Hàm Yên, đã kết luận: Tiếp công dân bằng hình thức trực tuyến tạo thuận lợi cho công dân và lãnh đạo các huyện không phải đi đến trụ sở tiếp công dân tỉnh; tiết kiệm nhân lực, thời gian và chi phí, đồng thời góp phần thúc đẩy cải cách hành chính và chuyển đổi số. Việc tiếp công dân trực tiếp hoặc trực tuyến đều bảo đảm việc giải quyết kiến nghị, phản ánh của công dân tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.

Nam Dũng