Việc kiểm tra này căn cứ vào Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ, thực hiện Quyết định số 34/QĐ-TTCP ngày 21/1/2022 của Thanh tra Chính phủ về việc ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2022.

Việc kiểm tra nhằm đánh giá thực trạng thi hành pháp luật của các bộ, ngành, địa phương; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong thi hành pháp luật và bất cập trong quy định pháp luật về khiếu nại; qua đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện pháp luật về khiếu nại.

Trọng tâm của việc kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật là việc thi hành Luật Khiếu nại năm 2011 và Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại, tập trung vào nhóm các nội dung sau: Việc thực hiện quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại (thời hiệu, thời hạn khiếu nại; thời hạn giải quyết khiếu nại; việc tổ chức đối thoại trong giải quyết khiếu nại; về hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại); việc thực hiện quy định về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại và của luật sư, trợ giúp viên pháp lý; việc thực hiện quy định về thẩm quyền giải quyết khiếu nại; thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; xem lại quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật; công khai quyết định giải quyết khiếu nại; việc thực hiện trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong quản lý công tác giải quyết khiếu nại; việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại...

Thời kỳ kiểm tra là 1 năm, từ 1/12/2021 đến 30/11/2022.

Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành kiểm tra tại 6 địa phương, 3 bộ, ngành và một số cơ quan thuộc Chính phủ và doanh nghiệp Nhà nước.

Giang Thân