Theo ThS Nguyễn Hải Yến, Luật Thanh tra 2022 và Nghị định 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra đã quy định về vai trò của thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc thanh tra, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý thành viên đoàn thanh tra.

Tuy nhiên, phạm vi ràng buộc trách nhiệm ở mức độ nào là hợp lý và hợp pháp là vấn đề cần phải phân định vì đoàn thanh tra là tổ chức lâm thời có tính chất độc lập tương đối với cơ quan, đơn vị quản lý hành chính. Thủ trưởng đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra, mặc dù không bị ràng buộc bởi trách nhiệm pháp lý đối với hoạt động của đoàn thanh tra, nhưng họ lai có trách nhiệm quản lý đối với cán bộ thanh tra, cho ý kiến vào báo cáo kết quả thanh tra trong trường hợp cần thiết…

Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị được giao tổ chức đoàn thanh tra còn mờ nhạt, không đầy đủ, nhưng trách nhiệm chính trị, quyền hạn của họ là rất lớn, có tác động trực tiếp tới kết quả hoạt động đoàn thanh tra.

Về khía cạnh pháp lý, phải có cơ chế để phân định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm giữa người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra và thủ trưởng đơn vị được giao tổ chức đoàn thanh tra và các cục, vụ, đơn vị có liên quan nhằm đảm bảo tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của mỗi chủ thể trong hoat động thanh tra.

Đề tài có mục tiêu nghiên cứu trách nhiệm của các cục, vụ, đơn vị của Thanh tra Chính phủ trong tổ chức và hoạt động của đoàn thanh tra nhằm nâng cao vai trò của các thủ trưởng các cục, vụ đơn vị của Thanh tra Chính phủ trong tổ chức và hoạt động của đoàn thanh tra.

Theo kết quả nghiên cứu, đề tài nghiên cứu những vấn đề chung về trách nhiệm của các cục, vụ, đơn vị của Thanh tra Chính phủ trong tổ chức và hoạt động đoàn thanh tra; thực trạng thực hiện quy định pháp luật, quy đinh, quy chế nội bộ về vai trò của các cục, vụ, đơn vi của Thanh tra Chính phủ trong tổ chức và hoạt động thanh tra và khó khăn, bất cập trong thực hiện; kiến nghị, giải pháp…

Theo đó, một số giải pháp được đề ra, bao gồm: Đề xuất các nội dung cho quy chế thay thế quy chế về tổ chức và hoạt động đoàn thanh tra của Thanh tra Chính phủ; đề xuất các quy phạm nâng cao hơn vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng các cục, vụ, đơn vi của Thanh tra Chính phủ đối với tổ chức và hoạt động đoàn thanh tra; đề xuất sửa đổi, thay thế các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cục, vụ của Thanh tra Chính phủ…

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự cho rằng, chủ nhiệm đề tài có thể hoàn thiện nội dung nghiên cứu đề tài theo hướng: Phần lý luận, đề tài cần làm rõ quan niệm về tổ chức và hoạt động của đoàn thanh tra; nghiên cứu vai trò, trách nhiệm của các cục, vụ, đơn vị trong từ giai đoạn và mối quan hệ giữa các cục, vụ, đơn vị trong từng giai đoạn đó; làm rõ thêm thẩm quyền thực thi pháp luật của đoàn thanh tra, làm rõ tính độc lập tương đối của hoạt động thanh tra…

Phần thực trạng, đề tài cần làm rõ thêm thực tiễn thực hiện trách nhiệm của các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ trong tổ chức và hoạt động đoàn thanh tra; sắp xếp lại các nội dung theo các giai đoạn tiến hành thanh tra; thực tiễn về vấn đề này không có nhiều số liệu, do đó, cần luận giải theo hướng mô tả nội dung, quy trình thực hiện nhiệm vụ; những bất cập giữa quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện về vấn đề này, nêu rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế đề làm cơ sở đề xuất giải pháp ở phần sau…

Thái Hải