Theo Bộ Y tế, việc thanh tra nhằm đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực y tế và liên quan đến y tế nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước về y tế, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm. Qua hoạt động thanh tra kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới thay thế góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về y tế.

Kế hoạch cụ thể như sau, năm 2021, tại Thanh tra Bộ Y tế sẽ tiến hành thanh tra 4 lĩnh vực, gồm: Y tế dự phòng; khám, chữa bệnh và bảo hiểm y tế; dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế; hành chính.

Đối với lĩnh vực y tế dự phòng: Thanh tra về công tác quản lý Nhà nước về y tế dự phòng, môi trường y tế và an toàn thực phẩm (ATTP); việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ; về an toàn sinh học, xử lý chất thải y tế; sản xuất, kinh doanh, quảng cáo hoá chất sử dụng trong gia dụng và y tế.

Đối với lĩnh vực khám, chữa bệnh và bảo hiểm y tế: Thanh tra việc chấp hành các quy định về khám, chữa bệnh và bảo hiểm y tế; việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về dân số và việc chấp hành các quy định bắt buộc chữa bệnh.

Đối với lĩnh vực dược và trang thiết bị y tế: Thanh tra công tác quản lý Nhà nước về tiếp nhận, thẩm định, cấp chứng chỉ hành nghề dược, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thực hành tốt “phân phối thuốc” và “bán lẻ thuốc”, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược; công tác quản lý chất lượng thuốc, quản lý thuốc; về đăng ký lưu hành; quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế.

Đối với thanh tra hành chính: Thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật về tài chính, ngân sách, thực hiện một số chương trình mục tiêu, dự án, công tác đào tạo; chính sách pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; chức năng, nhiệm vụ chuyên môn về lĩnh vực y tế dự phòng của một số đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.

Ngoài ra, theo kế hoạch, Cục ATTP sẽ thanh tra, kiểm tra về ATTP; việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Cục Quản lý Dược sẽ thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc và việc tuân thủ các GPs; việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với một số cơ sở sản xuất kinh doanh về lĩnh vực dược, mỹ phẩm.

Cục Quản lý Môi trường y tế thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật bảo đảm chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; việc thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.

Cục Y tế dự phòng thanh tra đối với các cơ quan, đơn vị, cơ sở có phòng xét nghiệm, cơ sở tiêm chủng; về thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm, kiểm dịch y tế biên giới.

Cục Quản lý, khám chữa bệnh thanh tra việc thực hiện khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng; về công tác giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần.

Tổng cục Dân số thanh tra việc thực hiện kiện toàn hệ thống thanh tra chuyên ngành dân số và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành dân số; việc thực hiện các quy định, hướng dẫn về quản lý, cập nhật thông tin, số liệu thống kê; việc thực hiện các quy định, hướng dẫn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Bộ Y tế yêu cầu phải bảo đảm tính chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời, đúng pháp luật trong việc tiến hành thanh tra, sự tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định pháp luật về y tế. Quá trình tiến hành thanh tra không cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

Phương Anh