Đại diện Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập cho biết, Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 đã giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật PCTN về kiểm soát TS, TN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Khoản 3 Điều 31 về trình tự, thủ tục yêu cầu, thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin về TS, TN của người có nghĩa vụ kê khai để phục vụ việc xác minh TS, TN; Khoản 2 Điều 35 về mẫu bản kê khai và việc thực hiện kê khai TS; Điểm b Khoản 3 Điều 36 về người làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, TS công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân phải kê khai TS, TN hàng năm.

Bên cạnh đó, Khoản 6 Điều 39 về thời điểm, hình thức và việc tổ chức công khai bản kê khai TS, TN tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; công khai bản kê khai TS, TN của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước hay Khoản 4 Điều 54 về bảo vệ, lưu trữ, khai thác, cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TS, TN…

Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan thấy rằng có một số nội dung cần phải có sự phối hợp của các cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam để quy định cụ thể biện pháp thực hiện mới bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện vì liên quan đến quy định của Đảng và phân cấp của quản lý cán bộ.

Các nội dung phối hợp gồm: Xác minh TS, TN đối với người được xác minh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vụ quản lý; tiếp nhận bản kê khai TS, TN; xây dựng kế hoạch xác minh TS, TN; trưng tập người tham gia tổ xác minh TS, TN; báo cáo phục vụ việc xác minh TS, TN; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TS, TN; cung cấp thông tin, dữ liệu thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TS, TN.

Việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định về Kiểm soát TS, TN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị bao gồm những nội dung Luật PCTN năm 2018, trong đó Chính phủ có trách nhiệm quy định chi tiết và quy định việc xây dựng quy chế phối hợp nhằm bảo đảm thực hiện các quy định của Luật PCTN về kiểm soát TS, TN phù hợp với phân cấp quản lý cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam là rất cần thiết.

Dự thảo Nghị định gồm 8 chương, 25 điều và 03 phụ lục: Chương 1: “Quy định chung” gồm 4 điều; Chương II: “Trình tự, thủ tục yêu cầu, thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin về TS, TN” gồm 4 điều; Chương III: “Kê khai TS, TN” gồm Điều 9 và Điều 10 và Chương IV: “Công khai bản kê khai TS, TN” gồm 3 điều.

Chương V: “Xác minh TS, TN hàng năm” gồm 03 điều; Chương VI: “Bảo vệ, lưu trữ, khai thác, cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát TS, TN” gồm 03 điều; Chương VII: “Xử lý vi phạm quy định về kiểm soát TS, TN” gồm 4 điều; Chương VIII: “Điều khoản thi hành” gồm Điều 24 quy định về hiệu lực thi hành và Điều 25 về trách nhiệm thi hành Nghị định.

Kết luận cuộc họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh khẳng định, tới thời điểm này Nghị định đã tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với lập hiến, lập pháp. Các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định cơ bản đã được thống nhất ý kiến.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo, còn một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau cần xin ý kiến Chính phủ như về phạm vi điều chỉnh và trách nhiệm thi hành; về việc công khai bản kê khai TS, TN; về việc xác minh ngẫu nhiên theo kế hoạch hàng năm.

Phó Tổng Thanh tra yêu cầu Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập khẩn trương hoàn thiện ngay Tờ trình Dự thảo Nghị định của Chính phủ về kiểm soát TS, TN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị trình Tổng Thanh tra Chính phủ phê duyệt.

 

Thái Hải