Báo cáo cho thấy, thực hiện chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ đã ban hành kế hoạch xây dựng thể chế năm 2024 theo Quyết định số 757/QĐ-TTCP ngày 22/12/2023 của TTCP để triển khai, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành Thanh tra. Theo đó, trong quý I, TTCP không có TTHC thẩm định trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC.

Hiện nay, TTCP đã tiến hành cập nhật chuẩn hóa kết quả đối với 27 TTHC thuộc thẩm quyền (đạt tỷ lệ 100%). Trong đó TTHC đã được phê duyệt phương án đơn giản hóa là 19 thủ tục. Trong quý I, TTCP không thực hiện hoạt động công bố mới, thay thế, bãi bỏ TTHC.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đơn giản TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính Nhà nước giai đoạn 2022 - 2025, TTCP đang yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát các thủ tục để thực hiện cắt giảm ít nhất 20% TTHC và 20% chi phí tuân thủ TTHC nội bộ theo chỉ tiêu đề ra, dự kiến hoàn thành trong quý II; tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan kiểm tra việc thực hiện công khai, niêm yết TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý.

Tiếp tục triển khai Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo Kế hoạch của TTCP. TTCP đã giao cho Ban Tiếp công dân Trung ương (là đơn vị trực tiếp tiếp nhận và giải quyết TTHC) phối hợp với Văn phòng TTCP tổ chức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân.

Các đơn vị thuộc TTCP đã quan tâm, phối hợp với đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính công ích triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích đã nâng cao hiệu quả hoạt động; cải thiện cách thức thực hiện, đổi mới phương thức phục vụ của TTCP; nhận được sự ủng hộ đông đảo của người dân; giúp các tổ chức, cá nhân giảm chi phí, thời gian đi lại, giảm áp lực cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; góp phần đẩy mạnh việc cải cách hành chính. Hồ sơ trả kết quả khi hoàn thành được chuyển đến các tổ chức, cá nhân, không bị tồn ở cơ quan, đơn vị.

Về triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, theo TTCP, kết quả thực hiện các TTHC thuộc phạm vi quản lý của TTCP không phải là điều kiện hoặc thành phần hồ sơ của các TTHC khác, do vậy TTCP không có các TTHC liên thông. Trong quý I, 100% số TTHC tiếp công dân thuộc thẩm quyền giải quyết của TTCP đã được tiếp nhận, xử lý và trả kết quả tại Bộ phận Một cửa, kết quả đã được số hóa trên gệ thống phần mềm Cơ sở Dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo.

Do công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có tính chất đặc thù vì quá trình giải quyết TTHC trong các lĩnh vực trên phải tuân theo các thủ tục quy định chặt chẽ của pháp luật chuyên ngành nên việc triển khai thực hiện trên môi trường điện tử còn bị vướng mắc bởi các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân. Hiện nay, TTCP đang thực hiện thí điểm dịch vụ công mức độ 3 (đăng ký và hẹn lịch tiếp công dân trên cổng thông tin điện tử của TTCP).

Công tác truyền thông hỗ trợ hoạt động kiểm soát TTHC được tiếp tục thực hiện bằng nhiều hình thức như: Duy trì, niêm yết công khai các TTHC tại Ban Tiếp công dân Trung ương - đơn vị trực tiếp giải quyết TTHC và trên cổng thông tin điện tử của TTCP; đăng tải qua các bài báo, ấn phẩm của Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra và tại các cuộc họp giao ban định kỳ của TTCP.

Công tác rà soát văn bản được quan tâm chỉ đạo, đặc biệt là việc kiểm soát thủ tục hành chính theo Nghị định 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ và kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính năm 2024 của TTCP; niêm yết công khai, đầy đủ các danh mục TTHC thuộc thẩm quyền, đảm bảo kịp thời, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đến giải quyết hồ sơ TTHC.

Việc giải quyết TTHC đối với cá nhân, tổ chức đảm bảo đúng quy định pháp luật, kịp thời không để xảy ra tình trạng chậm trễ gây bức xúc cho người dân.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, TTCP tiếp tục triển khai kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính năm 2024 của TTCP và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành liên quan như tiếp tục thực hiện đánh giá tác động và thẩm định đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC thuộc thẩm quyền ban hành của Tổng Thanh tra.

Thực hiện việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính của TTCP, mở rộng các hình thức tiếp nhận phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức.

Thống kê, công bố, cập nhật các TTHC vào Cơ sở Dữ liệu quốc gia và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của TTCP. Tiếp tục nghiên cứu để triển khai, áp dụng Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về việc thực hiện TTHC trên môi trường mạng phù hợp với đặc thù của cơ quan TTCP.

Tiếp tục triển khai Đề án Phân cấp giải quyết TTHC tại TTCP theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết TTHC; kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính Nhà nước giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 261/QĐ-TTCP ngày 29/4/2021 của Tổng Thanh tra về việc ban hành kế hoạch thực hiện Đề án Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại TTCP.

Công bố TTHC được thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung được quy định trong các thông tư quy trình nghiệp vụ do Tổng Thanh tra ban hành và công bố các TTHC trong nội bộ cơ quan.

Bên cạnh đó, hướng dẫn hoạt động kiểm soát TTHC đối với các cục, vụ, đơn vị thuộc TTCP rà soát công bố TTHC thuộc phạm vi quản lý của TTCP.

Rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện TTHC tại TTCP để trình Tổng TTCP gửi Văn phòng Chính phủ tổng hợp báo cáo Chính phủ phục vụ cho Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV và thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan.

Giang Thân