Trong lĩnh vực thanh tra hành chính, Sở GD&ĐT đã triển thực hiện 2 cuộc (1 cuộc chuyển sang từ năm 2022). Nội dung tập trung vào thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục; các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN); thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giải quyết KN, TC; tiếp công dân; việc chấp hành chính sách, pháp luật về tài chính, tài sản các năm 2021, 2022; việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, Kiểm toán Nhà nước (nếu có); việc thực hiện các quy định về thi đua, khen thưởng; việc đánh giá, xếp loại viên chức và các chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT...

Đến nay, đã kết thúc thanh tra 2 cuộc; ban hành kết luận 1 cuộc, còn 1 cuộc Thanh tra Sở đang tiếp tục tham mưu để ban hành kết luận. Kết quả các cuộc thanh tra cho thấy thủ trưởng các đơn vị cơ bản đã thực hiện đúng chính sách, pháp luật về giáo dục; các quy định về PCTN, chống lãng phí, giải quyết KN, TC...

Tuy nhiên, các đơn vị cũng có những hạn chế, sai sót cần rút kinh nghiệm khắc phục như: Chưa ban hành nội quy tiếp công dân tại đơn vị, chưa mở sổ tiếp công dân theo quy định; việc công khai các nội dung liên quan đến cơ sở giáo dục chưa đảm bảo đúng quy định tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ GD&ĐT; chưa kịp thời ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ... Qua công tác thanh tra, đã kiến nghị các đối tượng thanh tra tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế…

Đối với thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đã triển khai 5 cuộc theo kế hoạch; tiến hành thanh tra tại 10 đơn vị, cơ sở giáo dục (3 trường mầm non, 2 trường tiểu học, 1 phòng GD&ĐT, 2 trường THPT, 2 trường THCS).

Nội dung thanh tra chuyên ngành tập trung vào công tác tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông; việc thực hiện nội dung, phương pháp giáo dục; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục; việc quản lý, khai thác, sử dụng thiết bị, đồ dùng dạy học và đồ chơi trẻ em; công tác quản lý, sử dụng các khoản thu, vận động, tài trợ và các nguồn lực tài chính khác...

Kết quả thanh tra cho thấy, các đơn vị thực hiện cơ bản đảm bảo quy định về chuyên môn, tương đối đầy đủ hệ thống văn bản chỉ đạo, quản lý nội bộ; thực hiện đúng quy chế chuyên môn, quy chế tuyển sinh...

Các đơn vị cũng có những khó khăn, hạn chế cần chấn chỉnh, khắc phục như: Phần lớn các nhà trường có trang thiết bị, đồ dùng dạy học và đội ngũ giáo viên chưa tương xứng với chương trình giáo dục phổ thông 2018; việc xây dựng kế hoạch dạy học của phần lớn tổ chuyên môn và giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Công văn số 5512/BGDĐT ngày 18/12/2020 của Bộ GD&ĐT về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường; thủ trưởng các cơ sở giáo dục còn có những hạn chế trong công tác quản lý tài chính, tài sản tại đơn vị, việc thực hiện công khai tại cơ sở giáo dục chưa đảm bảo đúng quy định tại Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT...

Sở GD&ĐT cũng đã tiếp 6 lượt công dân, trong đó có 1 lượt đã giải quyết theo thẩm quyền của Sở GD&ĐT, 5 lượt không thuộc thẩm quyền giải. Đối với nội dung công dân phản ánh không thuộc thẩm quyền, đơn vị đã hướng dẫn hoặc chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét giải quyết.

Qua công tác tiếp công dân cho thấy, nội dung công dân đến phản ánh, tố cáo chủ yếu liên quan đến việc giáo viên vay tiền bên ngoài nhưng chậm trả, việc dạy thêm, học thêm tự phát tại nhà riêng của giáo viên, thái độ cư xử chưa đúng mực của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, việc nhà trường tổ chức thu học phí khi chưa có chủ trương cho phép...

Trong kỳ, Sở cũng nhận được 1 đơn KN (mạo danh, không thuộc thẩm quyền giải quyết). Cùng với đó, có nhận được 1 đơn TC không thuộc thẩm quyền giải quyết. Đơn vị đã chuyển 2 đơn này đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết theo thẩm quyền…

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác PCTN, Sở GD&ĐT đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN cho công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành bằng nhiều hình thức như: Thông qua các cuộc họp, sinh hoạt định kỳ của Đảng ủy Sở, các cuộc họp chi bộ hàng tháng, họp cơ quan, đưa nội dung PCTN vào các buổi sinh hoạt chuyên đề “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; ban hành Kế hoạch số 25/KH-SGDKHCN ngày 27/3/2023 về kế hoạch thực hiện công tác PCTN, tiêu cực năm 2023 đến các phòng thuộc sở, 7 phòng GD&ĐT, 21 đơn vị trực thuộc để tổ chức quán triệt và thực hiện công tác PCTN trong năm.

Sở cũng chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị triển khai các quy định của pháp luật về PCTN, tiêu cực đến toàn thể viên chức và người lao động trong toàn ngành nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc xây dựng kế hoạch giáo dục lồng ghép nội dung PCTN vào giảng dạy trong nhà trường nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên và học sinh trong công tác PCTN theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Kết quả, có 21 cơ sở giáo dục thực hiện lồng ghép nội dung PCTN vào giảng dạy cho tất cả học sinh các khối lớp 10 và lớp 11…

Chu Tuấn