Khắc phục tình trạng "trống ghế" Chánh Thanh tra

Một trong những nhiệm vụ được Bộ GD&ĐT quan tâm chỉ đạo ngành trong năm học mới này là kiện toàn đội ngũ thanh tra viên, cộng tác viên (CTV) thanh tra.

Bộ GD&ĐT yêu cầu, các sở phải bố trí đủ lực lượng thanh tra theo yêu cầu vị trí việc làm để thực hiện nhiệm vụ theo quy định. Đặc biệt phải bổ nhiệm Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, thanh tra viên kịp thời, không để tình trạng thiếu lãnh đạo thanh tra sở và công chức làm nhiệm vụ thanh tra chưa bổ nhiệm vào ngạch.

Đối với trường hợp cá biệt “trống ghế” Chánh Thanh tra tại Sở GD&ĐT Bình Phước do sáp nhập Thanh tra Sở và Phòng Kiểm định chất lượng, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc yêu cầu, Sở GD&ĐT Bình Phước tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh tổ chức bộ máy của Sở, bảo đảm có Thanh tra Sở theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các sở cũng phải bố trí công chức phụ trách thanh tra tại các bậc học từ mầm non tới đại học, phụ trách công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại (KN), tố cáo (TC), xử lý sau thanh tra. 

Do lực lượng thanh tra giáo dục còn “mỏng”, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở phải bồi dưỡng nghiệp vụ và công nhận CTV thanh tra để bảo đảm nhân sự thực hiện nhiệm vụ.

Thanh tra không quá 2 lần với 1 đơn vị 

Nội dung đáng quan tâm trong hướng dẫn công tác thanh tra năm học mới được Bộ GD&ĐT chỉ rõ đó là nội dung các cuộc thanh tra, kiểm tra phải trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu của ngành Giáo dục theo Chỉ thị số 2268.

Số lượng các cuộc thanh tra phải phù hợp với tình hình thực tế và công tác quản lý Nhà nước của địa phương. Tập trung thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị. 

Đối với từng bậc học cụ thể như sau:

Mầm non, tập trung tranh tra, kiểm tra việc tổ chức mạng lưới trường lớp học, công tác quản lý nhóm trẻ tư thục.

Bậc phổ thông, thanh tra, kiểm tra việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, công tác tuyển sinh đầu cấp; việc sử dụng hồ sơ sổ sách trong nhà trường; đánh giá xếp loại học sinh các lớp cuối cấp.

Với những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương, cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT yêu cầu tập trung thanh tra, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm; thu chi đầu năm học; an toàn trường học; thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; cấp, phát quản lý văn bằng, chứng chỉ; hoạt động liên kết đào tạo; tư vấn du học; thực hiện chế độ chính sách với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; hoạt động giáo dục có yếu tố nước ngoài...

Bộ GD&ĐT lưu ý, không thanh tra quá 2 lần trong một năm học đối với một đơn vị (trừ các cuộc thanh tra thi, thanh tra đột xuất).

Với các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, các sở phải thường xuyên rà soát, cập nhập thông tin phản ánh của dư luận, phương tiện thông tin đại chúng về các tiêu cực, sai phạm trong GD&ĐT; kịp thời tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất các nội dung theo chỉ đạo của cấp trên và xử lý sai phạm theo quy định.

Không để tình trạng KN, TC vượt cấp

Bên cạnh công tác thanh tra, Bộ GD&ĐT yêu cầu ngành Giáo dục phải tổ chức tiếp công dân, giải quyết KN,TC đúng quy định; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ KN, TC phức tạp, kéo dài, không để tình trạng KN, TC vượt cấp.

Các sở phải triển khai và chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trên địa bàn công khai đường dây nóng và tiếp nhận thông tin phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật về giáo dục qua đường dây nóng.

Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc

Tiếp tục đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo; nâng cao chất lượng giảng dạy nội dung phòng, chống tham nhũng cả trong chương trình chính khóa và ngoại khóa…

Hải Hà