Hội thảo là dịp để các bên đánh giá, nhìn nhận về thực trạng công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Nêu lên những chuyển biến tích cực và những vấn đề cần được quan tâm của công tác thanh tra, kiểm tra, qua đó, đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong thời gian tới.

 Đại diện các cơ quan chức năng và doanh nghiệp tham dự hội thảo. Ảnh: TQ

Hội thảo cũng là cầu nối để các doanh nghiệp có cơ hội nói lên những bất cập trong thực tiễn hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp. Qua đó, để các cơ quan quản lý ghi nhận, phản biện, cùng nhau tìm ra giải pháp tốt nhất để thúc đẩy, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh tra và Phòng, chống tham nhũng cho biết, trong thời gian qua, hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp là một trong những vấn đề được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm. Mục tiêu tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hành động của Chính phủ.

TS Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh tra và Phòng, chống tham nhũng phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: TQ

Theo tinh thần đó, công tác xây dựng, phê duyệt và chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra phải đảm bảo khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lặp, giảm thiểu phiền hà cho doanh nghiệp. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Sau hơn một năm thực hiện, chỉ thị đã có tác động đến nhận thức của toàn xã hội về công tác thanh tra, kiểm tra, được cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ.

“Kết quả đạt được là rất tích cực, công tác ngành cũng có nhiều chuyển biến, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác thanh tra, kiểm tra cũng nảy sinh một số vướng mắc, bất cập cần phải có giải pháp toàn diện để khắc phục việc bị chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, mà vẫn bảo đảm kịp thời phát hiện và xử lý đối với doanh nghiệp vi phạm, gian lận, tạo sự công bằng trong môi trường kinh doanh” - TS Nguyễn Thanh Hải phát biểu.

 Ông Trần Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TQ

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đánh giá cao những kết quả đạt được trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra của ngành trong thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh tra, kiểm tra vẫn có nhiều mặt còn tồn tại cần phải hoàn thiện, vì vậy, toàn Ngành cần phải làm rõ nguyên nhân để tìm ra giải pháp thay đổi. 

Hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp cần phải khắc phục theo hướng cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhằm cải thiện môi trường kinh doanh; tránh việc chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Số liệu khảo sát từ Ban Pháp chế của VCCI điều tra năm 2017 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 2 lần trở lên mỗi năm vẫn lên đến 39,8%. Trong nhóm những doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra nhiều lần năm 2017, có 13% doanh nghiệp cho biết có sự trùng lặp về nội dung giữa các đoàn kiểm tra. Điều này cho thấy vấn đề cải cách công tác thanh tra, kiểm tra cần phải đẩy mạnh hơn nữa.

Cũng theo khảo sát của VCCI, các cơ quan thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nhiều nhất trong năm 2017 là cơ quan thuế, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cơ quan quản lý thị trường. Theo đó, có đến 43% số doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra về thuế, 30% về an toàn phòng, chống cháy nổ và 20% về quản lý thị trường. Nhiều doanh nghiệp được hỏi ý kiến cho biết họ chưa bao giờ tiếp một đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành nào. Các cơ quan có chức năng thanh, kiểm tra vẫn đi riêng, khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian.

 TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TQ

Theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, thanh tra, kiểm tra là một hoạt động quản lý Nhà nước cần thiết để giám sát và bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh đúng pháp luật. Dù vậy, hoạt động này cần bảo đảm các nguyên tắc không trùng lặp, chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan, và đặc biệt là không làm cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Việc lạm dụng thanh tra, kiểm tra sẽ gây tổn hại cho môi trường kinh doanh chung, thay vì bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh.

“Hầu như các doanh nghiệp đều “sợ” thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra môi trường; phòng cháy, chữa cháy. Do vậy, làm thế nào đó để trong thời gian tới, thanh tra là bạn của doanh nghiệp, tạo điệu kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển” - TS Vũ Đình Ánh nói.

Đại diện các doanh nghiệp đã có nhiều câu hỏi gửi đến các cơ quan chức năng trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra về những khúc mắc, những ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp nhưng không được các cơ quan thanh tra, kiểm tra trả lời, giải quyết dứt điểm, gây ảnh hưởng đến uy tín, kinh doanh của doanh nghiệp.

 Đại diện doanh nghiệp phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TQ

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, thanh tra, kiểm tra giúp môi trường kinh doanh được minh bạch, ổn định, cải thiện, công bằng hơn khi kịp thời phát hiện, xử phạt những doanh nghiệp vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá việc thanh, kiểm tra lại làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp. 

Vì vậy, làm thế nào để công tác thanh tra, kiểm tra vẫn được đảm bảo và hoạt động của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng tiêu cực, đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định là nhiệm vụ đòi hỏi các bộ, ngành, đơn vị quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và toàn xã hội tập trung thảo luận, tìm ra các giải pháp phù hợp.

TQ