Theo trình bày của Chủ nhiệm đề tài, đề tài gồm 3 chương: 

Chương 1: Cơ sở lý luận xây dựng bộ chuẩn mực tiếp công dân. Tại chương này, Ban Chủ nhiệm đưa ra các khái niệm cơ bản về chuẩn mực và chuẩn mực tiếp công dân; cơ sở khoa học xây dựng bộ chuẩn mực tiếp công dân; hoạt động tiếp công dân cần có bộ chuẩn mực.

Chương 2: Thực trạng các quy định của pháp luật và hoạt động thực tiễn trong hoạt động tiếp công dân. Chương này tác giải trình bày thực trạng các quy định của pháp luật tiếp công dân; thực trạng hoạt động tiếp công dân và đánh giá tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.

Tại Chương 3 giải pháp và ứng dụng xây dựng bộ chuẩn mực tiếp công dân, Ban Chủ nhiệm trình bày các nội dung bao gồm: đề xuất cơ sở khoa học xây dựng bộ chuẩn mực tiếp công dân; đề xuất trình tự, thủ tục tiến hành xây dựng bộ chuẩn mực tiếp công dân; ứng dụng kết quả của đề tài để xây dựng chuẩn mực "Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp tiếp công dân-TCD001" và giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp công dân.

Theo TS. Cung Phi Hùng, hiện nay, pháp luật tiếp công dân đã cơ bản đầy đủ, tuy nhiên tình hình khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài diễn ra ngày càng nhiều, phức tạp, đa dạng. 

Thực tế, tại cổng trụ sở Thanh tra Chính phủ, trụ sở Tiếp công dân Trung ương và nhiều trụ sở tiếp công dân trên cả nước thường xuyên có các đoàn khiếu kiện đông người, vượt cấp kéo dài diễn ra ngày càng gia tăng.

Hơn nữa, khi xảy ra các vụ khiếu kiện đông người vượt cấp kéo dài thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền giải quyết lại đang lúng túng, thờ ơ, chưa có phương pháp và cách thức ứng xử thấu tình, đạt lý để giải quyết dứt điểm các vụ việc này.

Trên thực tế, ngoài các quy định của pháp luật về công tác tiếp công dân,cán bộ tiếp công dân cần thiết phải trang bị đầy đủ các quy tắc, phương pháp, kỹ năng để xử lý tình huống như: văn hoá ứng xử trong công tác tiếp công dân; quy tắc về đạo đức nghề nghiệp trong công tác tiếp công dân; phương pháp, kỹ năng xử lý các tình huống, các mối quan hệ phát sinh trong công tác tiếp công dân; cơ sở khoa học để kiểm tra, đánh giá chất lượng tiếp dân...

"Đến thời điểm này, các nội dung đề xuất nghiên cứu chưa có trong quy định của pháp luật, chưa có các công trình, bài viết nghiên cứu toàn diện về lĩnh vực này. Từ lý do đó, việc nghiên cứu đề tài "Cơ sở khoa học xây dựng bộ chuẩn mực tiếp công dân" là cần thiết và có ý nghĩa về mặt khoa học và ứng dụng thực tiễn", ông Hùng nhấn mạnh.

Góp ý tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, đề tài là thiết thực. Tuy nhiên, về kết cấu đề tài nên chỉnh sửa lại, tránh trùng lắp giữa các chương và cũng cần chỉnh sửa lại một số câu chữ trong đề tài.

Theo đó, nội dung đề tài còn một số nội dung chưa được thống nhất, còn mâu thuẫn. Ở Chương 1, Ban Chủ nhiệm nên đưa các khái niệm cơ bản về chuẩn mực và chuẩn mực tiếp công dân lần lượt là: Khái niệm về chuẩn mực; khái niệm về tiếp công dân; khái niệm về chuẩn mực tiếp công dân; cuối cùng mới là khái niệm về bộ chuẩn mực tiếp công dân.

Ở Chương 2 đang đi về thực trạng quy định pháp luật tiếp công dân và thực trạng tiếp công dân. Nhiều ý kiến cho rằng, Ban Chủ nhiệm đang đi hơi xa so với mục tiêu của đề tài, mà cần phân tích về những quy định, trình tự, thủ tục đang thiếu của pháp luật; quy tắc ứng xử đang thiếu; hoạt động tác nghiệp tiếp công dân chưa chuẩn mực để có phần kiến nghị được sâu sắc và sát nhất. 

Phần 3, Chương 1, hoạt động tiếp công dân cần có bộ chuẩn mực cần chuyển về nội dung của bộ chuẩn mực tiếp công dân thì hợp lý hơn với các nội dung Ban Chủ nhiệm đang đưa ra.

Viện trưởng Viện CL&KHTT Nguyễn Quốc Văn cũng đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu thêm một số nội dung trên cơ sở bám sát mục đích đề tài.

Kết thúc hội thảo, TS. Cung Phi Hùng cảm ơn các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu đồng thời khẳng định, sẽ cố gắng tiếp thu triệt để, tối đa các ý kiến, chỉnh sửa nội dung đề tài hoàn chỉnh trước khi đưa ra nghiệm thu.


Thái Hải