Điều động theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức

Theo Quy chế, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tiếp nhận, tuyển dụng CCVC có quyền điều động, luân chuyển công chức, biệt phái CCVC theo phân cấp quản lý CCVC; điều động, luân chuyển công chức, biệt phái CCVC phải căn cứ vào yêu cầu công tác, chỉ tiêu biên chế, vị trí việc làm, phù hợp với trình độ, năng lực của CCVC và theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; CCVC được điều động, luân chuyển, biệt phái phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái của cấp có thẩm quyền.

Việc điều động công chức được thực hiện theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể; chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật; theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với việc điều động trong nội bộ TTCP, Quy chế quy định, Vụ Tổ chức cán bộ lập danh sách công chức dự kiến điều động, báo cáo Ban Cán sự Đảng xin chủ trương điều động đối với lãnh đạo cấp vụ và tương đương, báo cáo Tổng TTCP đối với các trường hợp khác.

Trường hợp công chức có nguyện vọng chuyển công tác, phải có đơn xin chuyển công tác, có xác nhận đồng ý của thủ trưởng vụ, cục, đơn vị nơi trực tiếp quản lý, sử dụng công chức và nơi dự kiến xin chuyển tới, gửi Vụ Tổ chức cán bộ.

Căn cứ vào chủ trương của Ban Cán sự Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng TTCP, Vụ Tổ chức Cán bộ trao đổi với lãnh đạo, cấp ủy vụ, cục, đơn vị (đối với lãnh đạo cấp vụ), trao đổi với thủ trưởng vụ, cục, đơn vị (đối với các trường hợp khác) nơi công chức đang công tác và nơi công chức sẽ chuyển đến; gặp và trao đổi yêu cầu công tác với công chức dự kiến điều động (nếu điều động theo yêu cầu công tác); xin ý kiến tham gia của Ban Thường vụ Đảng ủy TTCP nếu điều động công chức là lãnh đạo cấp vụ và tương đương. Đồng thời trình Tổng TTCP xem xét, quyết định việc điều động.

Cơ quan có nhu cầu tuyển dụng phải có văn bản đề nghị tiếp nhận

Đối với trường hợp điều động công chức của TTCP đến cơ quan khác, Quy chế quy định, cơ quan có nhu cầu tuyển dụng công chức của TTCP có văn bản đề nghị tiếp nhận công chức.

Công chức có nguyện vọng chuyển công tác, phải có đơn xin chuyển công tác, có xác nhận đồng ý của Thủ trưởng vụ, cục, đơn vị nơi trực tiếp quản lý, sử dụng công chức và Thủ trưởng cơ quan nơi dự kiến xin chuyển tới, gửi Vụ Tổ chức cán bộ.

Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu, trao đổi với công chức và Thủ trưởng vụ, cục, đơn vị sử dụng công chức; báo cáo Ban Cán sự Đảng xem xét, cho ý kiến chỉ đạo (đối với công chức lãnh đạo cấp vụ và tương đương), báo cáo Tổng TTCP xem xét, cho ý kiến đối với các trường hợp khác.

Căn cứ chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, ý kiến của Tổng TTCP, Vụ Tổ chức cán bộ trình Tổng TTCP xem xét, quyết định cho chuyển công tác.

Hồ sơ trình gồm có văn bản của cơ quan đề nghị tuyển dụng công chức hoặc đơn xin chuyển công tác của công chức; ý kiến của cá nhân, tổ chức có liên quan; tờ trình của Vụ Tổ chức cán bộ về việc điều động công chức.

Trường hợp Ban Cán sự Đảng, Tổng TTCP không đồng ý cho chuyển công tác, Vụ Tổ chức cán bộ thông báo bằng văn bản cho thủ trưởng vụ, cục, đơn vị và công chức có đơn xin chuyển công tác biết.

Đối với luân chuyển công chức, Quy chế nêu rõ, việc luân chuyển công chức là để thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý; tạo điều kiện rèn luyện trong thực tiễn cho công chức lãnh đạo, quản lý có triển vọng, trong quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cao hơn.

Việc luân chuyển phải đảm bảo nguyên tắc khách quan, khoa học trên cơ sở  yêu cầu nhiệm vụ, quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức của cơ quan và phù hợp với trình độ năng lực của công chức. Công chức luân chuyển từ cấp phòng trở lên, có triển vọng, trong nguồn quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý cao hơn.

Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng kế hoạch luân chuyển công chức, lập danh sách công chức dự kiến luân chuyển, báo cáo Ban Cán sự Đảng xin chủ trương và tiến hành trao đổi với thủ trưởng các vụ, cục, đơn vị có công chức dự kiến luân chuyển (nơi đi và nơi đến). Thông báo chủ trương luân chuyển với công chức dự kiến luân chuyển; xin ý kiến Ban Thường vụ Đảng ủy TTCP (đối với công chức là lãnh đạo cấp vụ và tương đương); tổng hợp hồ sơ trình Tổng TTCP xem xét, quyết định.

Hồ sơ luân chuyển gồm Tờ trình về việc luân chuyển công chức; Ý kiến của Ban Thường vụ Đảng ủy TTCP (nếu có); nhận xét, đánh giá của thủ trưởng vụ, cục, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng công chức.

Thời hạn biệt phái không quá 3 năm

Quy chế cũng quy định đối với trường hợp biệt phái công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đột xuất, cấp bách trong một thời gian nhất định.

Biệt phái CCVC phải đảm bảo nguyên tắc khách quan, khoa học, kịp thời trên cơ sở yêu cầu công tác, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, phù hợp với trình độ năng lực của CCVC và tính chất công việc ở nơi CCVC đến làm việc.

Thời hạn biệt phái không quá 3 năm. Trường hợp một số ngành, lĩnh vực đặc thù yêu cầu thời hạn biệt phái dài hơn thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Điều kiện biệt phái theo đề nghị của các cơ quan Đảng và Nhà nước mà không thể áp dụng hình thức điều động CCVC và theo yêu cầu nhiệm vụ của TTCP hoặc nhiệm vụ của cơ quan khác có liên quan. CCVC được cử biệt phái chịu sự phân công, bố trí, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi được biệt phái đến và vẫn thuộc biên chế của TTCP.

Hết thời hạn biệt phái, người được cử biệt phái nộp báo cáo kết quả công tác có nhận xét, đánh giá của cơ quan, tổ chức, đơn vị (nơi được biệt phái đến) về Vụ Tổ chức cán bộ, TTCP.
TTCP bố trí công việc phù hơp cho CCVC khi hết thời hạn biệt phái, trả lương và bảo đảm các quyền lợi khác của CCVC được cử biệt phái theo quy định của pháp luật.

Vụ Tổ chức cán bộ báo cáo Ban Cán sự Đảng xin chủ trương biệt phái đối với lãnh đạo cấp vụ và tương đương, báo cáo Tổng TTCP đối với các trường hợp khác, sau đó tiến hành lấy ý kiến nhận xét, đánh giá (bằng văn bản) của thủ trưởng vụ, cục, đơn vị nơi CCVC đang công tác; thông báo chủ trương biệt phái với CCVC dự kiến biệt phái; trình hồ sơ biệt phái để Tổng TTCP xem xét, quyết định.

Giang Thân