Vụ việc càng trở nên phức tạp khi thời gian gần đây, trong lúc cả nước đang gồng mình đối phó với đại dịch Covid-19, chính quyền huyện Sóc Sơn lại liên tục tổ chức họp dân để tổ chức cưỡng chế, gây bức xúc dư luận.

Đưa diện tích đất ở vào quy hoạch đất rừng

UBND TP Hà Nội phải thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng 

Ngày 17/3/2020, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng rà soát lại nguồn gốc SDĐ của các hộ dân có liên quan qua từng thời kỳ: Giai đoạn từ trước năm 1998 (khi thực hiện chương trình trồng rừng PAM và chương trình 327/CT); giai đoạn từ năm 1998 - 2008 khi UBND TP Hà Nội ban hành QĐ số 2334 ngày 11/6/1998 phê duyệt quy hoạch chi tiết đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng Sóc Sơn và QĐ số 2100 ngày 29/5/2008 phê duyệt điều chỉnh rừng Sóc Sơn; và giai đoạn từ năm 2008 đến nay để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, có lý, có tình không để phát sinh điểm nóng, không để vụ việc kéo dài. 

Các vụ việc cố tình, vi phạm sai thời điểm có hiệu lực của QĐ số 2100 ngày 29/5/2008 của UBND TP Hà Nội phải được xử lý nghiêm minh tùy theo mức độ vi phạm, đặc biệt là vi phạm trong quá trình chuyển nhượng đất đai trái pháp luật, các công trình xây dựng trái phép có quy mô lớn.

Đối với các trường hợp người dân khiếu nại về xác định lại nguồn gốc SDĐ, tính pháp lý của QĐ số 2100 ngày 19/5/2008 thì phải xem xét giải quyết khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật và UBND TP Hà Nội khẩn trương phối hợp với Bộ NN&PTNT rà soát lại quy hoạch và xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch rừng tránh trùng lấn đất của khu dân cư theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 2664 ngày 22/5/2006 của Văn phòng Chính phủ.

Kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất (SDĐ) rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn của Thanh tra TP Hà Nội cho thấy, từ năm 1988 - 1998 đã hình thành khu dân cư mới tập trung và một số khu kinh tế mới xen kẽ với đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Sóc Sơn. 

Ngày 11/6/1998, UBND TP có Quyết định (QĐ) số 2334/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch chi tiết rừng phòng hộ, đặc dụng Sóc Sơn có diện tích đất lâm nghiệp 6.630ha. Tuy nhiên, cơ quan lập quy hoạch đã đưa diện tích đất ở có trong bản đồ địa chính từ năm 1993, 1994, đất nông nghiệp và đất quân đội vào quy hoạch đất rừng.

Năm 2004, TP Hà Nội đã thành lập đoàn công tác liên ngành đánh giá thực trạng việc quản lý, SDĐ rừng phòng hộ, đặc dụng Sóc Sơn; Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo TTCPthanh tra và có kết luận chỉ rõ các sai phạm trong việc quản lý, SDĐ rừng Sóc Sơn như: Đất ở bị trùng lấn vào quy hoạch rừng năm 1998 (của 9 xã là 955,75ha); chuyển nhượng đất trong quy hoạch rừng là 336 trường hợp và xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp là 659 hộ (trong đó có các công trình lớn như: Phủ Thành Chương, Văn Lang Quán...).

Ngày 22/5/2006, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý sau thanh tra đất rừng Sóc Sơn, yêu cầu TP Hà Nội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xác định rõ diện tích đất rừng trùng lấn vào khu dân cư để lập quy hoạch điều chỉnh phù hợp và rà soát các trường hợp vi phạm về cấp giấy chứng nhận (GCN) QSDĐ, chuyển nhượng đất lâm nghiệp, công trình vi phạm trật tự xây dựng (TTXD)  trên đất lâm nghiệp...

Tuy nhiên, UBND huyện Sóc Sơn không kiên quyết chỉ đạo khắc phục vi phạm theo kết luận của TTCP. UBND các xã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm dẫn đến nhiều tồn tại, vi phạm về đất đai, TTXD...

Đối với việc mua bán chuyển nhượng đất thuộc quy hoạch rừng, UBND huyện không kiểm tra, rà soát, xử lý 336 trường hợp chuyển nhượng đất quy hoạch rừng.Sau khi phê duyệt điều chỉnh quy hoạch rừng, UBND huyện không thống kê, kiểm tra, rà soát để phát sinh nhiều trường hợp mua bán, chuyển nhượng đất nằm trong quy hoạch rừng, làm tình hình phức tạp hơn.

Bên cạnh đó, UBND huyện không xử lý 659 công trình vi phạm TTXD trên đất lâm nghiệp, để các công trình xây mới trên đất rừng tiếp tục tăng, nhiều công trình có quy mô lớn. Đến năm 2017, UBND huyện kiểm tra, rà soát, xác định có 555 công trình vi phạm nhưng không kiên quyết xử lý nên vẫn tồn tại 485/555 công trình…

Cũng theo UBND TP Hà Nội, năm 2009, UBND huyện tổ chức cắm 4.300 mốc giới rừng. Tuy nhiên, việc xác định ranh giới và cắm mốc ngoài thực địa không đúng chỉ giới quy hoạch được duyệt, tại một số vị trí quân sự và đất lâm nghiệp đưa ra khỏi quy hoạch rừng. Việc cắm mốc giới chậm, không đầy đủ, một số vị trí không chính xác. Trong đó, 375 mốc chưa cắm, 106 mốc chưa bàn giao, 459 mốc bị hỏng và mất….

UBND các xã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong diện tích đất thuộc quy hoạch rừng phòng hộ môi trường như: Mua bán, chuyển nhượng, tách thửa, chuyển mục đích SDĐ và xây dựng trái phép trên đất thuộc quy hoạch rừng….

Nhiều nội dung chưa thực hiện xong

Kết luận của thanh tra rõ là vậy, tuy nhiên, đến thời điểm này, theo UBND TP Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn mới xây dựng xong kế hoạch triển khai thực hiện các kết luận thanh tra, báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy để chỉ đạo, lãnh đạo việc thực hiện.

Văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về xử lý sau thanh tra tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: LP

 

Tổ chức thực hiện kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý đối với các tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm, trong đó, kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân tại UBND 11/11 xã, thị trấn có rừng; 5/5 đơn vị thuộc quản lý của UBND huyện (khiển trách đối với 29 trường hợp; cảnh cáo đối với 7 trường hợp; cách chức đối với 1 trường hợp thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý; buộc thôi việc đối với 2 công chức, lao động hợp đồng), Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã có các QĐ xử lý kỷ luật đối với 3 đồng chí thuộc diện Thành ủy quản lý (khiển trách 1 trường hợp; cảnh cáo 2 trường hợp).

Chuyển Công an TP các hồ sơ liên quan đối với những vi phạm trong việc chứng thực, xác nhận mua, bán, chuyển nhượng đất dẫn đến việc xây dựng công trình vi phạm trong quy hoạch rừng năm 2018, để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Với các nội dung như tổ chức cưỡng chế đối với các công trình vi phạm TTXD trong các năm 2017, 2018; còn 33/68 công trình đang tạm dừng do các hộ dân có đơn kiến nghị, TTCP có văn bản đề nghị tạm dừng việc cưỡng chế và thụ lý giải quyết đơn.

UBND huyện Sóc Sơn đã xây dựng kế hoạch và đang kiểm tra, rà soát để thiết lập hồ sơ, phương án xử lý đối với các công trình có vi phạm về đất đai, SDĐ không đúng mục đích, chuyển mục đích SDĐ trái phép, vi phạm TTXD từ năm 2006 đến năm 2018 tại thị trấn Sóc Sơn và 10 xã.

UBND TP đang chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn khẩn trương hoàn thành việc rà soát để phân loại, làm rõ: Đối tượng là các hộ dân tại địa phương hay nhận chuyển nhượng, chia tách; đất đã sử dụng trước khi quy hoạch đất rừng năm 1998 mà quy hoạch điều chỉnh đất rừng năm 2008 chưa đưa ra khỏi quy hoạch; các trường hợp SDĐ nằm trong quy hoạch đất rừng phát sinh sau khi điều chỉnh quy hoạch đất rừng năm 2008; việc can thiệp của các cơ quan Nhà nước (xác nhận mua bán, chia tách; cấp GCNQSDĐ; đăng ký hộ khẩu); các trường hợp được giao đất, cấp đất trước năm 1998 và sau năm 2008.

UBND huyện Sóc Sơn cũng đang thực hiện việc kiểm tra, rà soát làm rõ các trường hợp đã được cấp GCNQSDĐ không đúng để có phương án xử lý theo quy định; rà soát quy hoạch, phân loại và xử lý đối với các trường hợp đã được cấp GCNQSDĐ trùng lấn quy hoạch rừng 2008.

Cần giải quyết dứt điểm khiếu nại của các hộ dân

Thời gian gần đây, các công dân thôn Minh Tân, xã Minh Trí liên tục có đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng cho rằng phần đất đang sinh sống và có công trình xây dựng có nguồn gốc là đất khai hoang vùng kinh tế mới từ năm 1985, sử dụng ổn định, không có tranh chấp, không nằm trong diện tích giao khoán bản vệ rừng.

Cùng với đó, một số công dân đang SDĐ tại lô 8, khoảnh 11, Dự án Vườn quả Jifpro xã Minh Phú cho rằng diện tích các hộ dân đang sử dụng là đất được UBND TP Hà Nội cho phép và Lâm trường Sóc Sơn đã thu hồi 12ha rừng bạch đàn chuyển sang trồng cây ăn quả theo Dự án Jifpro; cáp công trình xây dựng đều có từ trước năm 2004, các hộ dân chỉ cải tạo, sửa chữa để trông coi vườn.

Các công dân đề nghị cơ quan chức năng xem xét, làm rõ nguồn gốc đất và tạm dừng thực hiện việc cưỡng chế, phá dỡ công trình khi nội dung khiếu nại chưa được làm rõ và giải quyết. Đồng thời, đề nghị công khai Bản đồ hiện trạng rừng, bản đồ quy hoạch rừng tỷ lệ 1/50.000 và xem xét lại tính pháp lý của QĐ số 2100 của UBND TP Hà Nội về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch rừng Sóc Sơn.

Theo TTCP, khi tổ chức cưỡng chế đối với các công trình vi phạm TTXD trên đất rừng năm 2017- 2018 trên địa bàn 2 xã Minh Trí, Minh Phú và khu vực các hộ đã được UBND huyện Sóc Sơn lập hồ sơ xử lý vi phạm đã làm phát sinh khiếu nại của một số công dân nên cần được chỉ đạo xem xét, làm rõ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

TTCP kiến nghị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng của TP xem xét giải quyết đơn khiếu nại đúng quy định của pháp luật, chấp nhận kiến nghị tạm dừng cưỡng chế của công dân tránh thiệt hại không thể khắc phục được. UBND TP Hà Nội khẩn trương phối hợp với Bộ NN&PTNT xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch rừng, tránh trùng lấn với đất của khu dân cư theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ năm 2006 nhằm giải quyết dứt điểm các vi phạm về đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Văn phòng Chính phủ có văn bản cho rằng từ năm 2006, TTCP đã thanh tra, có kết luận nhưng các cấp chính quyền TP Hà Nội không cương quyết xử lý vi phạm đã được thanh tra. Văn phòng Chính phủ thống nhất ý kiến của TTCP giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng của TP xem xét giải quyết đơn khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật; UBND TP Hà Nội khẩn trương phối hợp với Bộ NN&PTNT xem xét, điều chỉnh lại quy hoạch rừng, tránh trùng lấn với đất của khu dân cư theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ năm 2006 (theo kiến nghị của TTCP) nhằm giải quyết dứt điểm các vi phạm về đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại nội dung này.

Lê Phương