Như Thanh tra online đã phản ánh, ngày 28/9/1999, Phó Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 914/QĐ-TTg thu hồi 13.970m2 đất tại phường Yên Phụ giao cho Cty TNHH Xây dựng IDC (Cty IDC) sử dụng để xây nhà ở, hạ tầng kĩ thuật, công trình công cộng kinh doanh và văn phòng làm việc. Trong đó, 6.529m2 đất để làm nhà ở kinh doanh; 989m2 đất để xây dựng 30 căn hộ bán cho người có thu nhập thấp; 5.441m2 đất để xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật khu đất. Sau khi xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, Cty IDC phải có trách nhiệm bàn giao toàn bộ công trình hạ tầng kỹ thuật này cho UBND TP Hà Nội để giao cơ quan chuyên ngành quản lý, khai thác. Còn lại 1.011m2 đất còn lại Cty IDC được thuê để làm các công trình công cộng kinh doanh và văn phòng làm việc.

Tuy nhiên, sau 11 năm triển khai, Quyết định 914/QĐ-TTg của Chính phủ đã bị Cty IDC bóp méo. Trên thực tế, Cty IDC mới hoàn thành được dãy nhà để bán, nhưng toàn bộ là nhà biệt thự, nhà vườn liền kề với giá bán nhiều tỷ đồng chứ không phải nhà dành cho người thu nhập thấp. Phần cơ sở hạ tầng đã được đơn vị này bỏ qua. Tại Quyết định số 4832, UBND TP Hà Nội đã cho phép chuyển đổi quỹ nhà xây dựng lô E từ nhà thu nhập thấp sang làm quỹ nhà phục vụ tái định cư tại chỗ, nhưng việc chuyển đổi này chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Quá trình thực hiện D.A, Cty IDC đã bỏ qua nhiều qui định của pháp luật trong đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng nhà tái định cư, cấp phép xây dựng… Đồng thời, việc thực hiện không đúng các qui định tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã làm nảy sinh khiếu kiện “nóng” của người dân, kéo dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, tất cả khiếu nại của người dân đều chưa được trả lời thấu đáo.

Bà Nguyễn Thị Sinh, 1 trong 63 hộ dân có nhà đất hợp pháp tại khu An Dương bức xúc: "Nhiều năm qua, các hộ dân nhiều lần làm đơn đến các cơ quan chức năng kêu cứu về việc chính quyền địa phương thu hồi đất, bàn giao đất ở hợp pháp của chúng tôi chuyển cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, lần nào nộp đơn chúng tôi cũng nhận được câu trả lời "thẩm quyền không phải của quận hay TP mà ở Chính phủ". Chúng tôi không biết kêu ai khi D.A kéo quá dài, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân chúng tôi. Hàng chục năm qua, chúng tôi rất mong cơ quan thanh tra vào cuộc để chỉ ra rằng, khiếu nại của chúng tôi là đúng hay sai? Chủ đầu tư thực hiện D.A như vậy là đúng hay sai? Chỉ có như vậy mới có thể chấm dứt được việc đơn thư nóng, kéo dài của các hộ dân An Dương”.

Nguyện vọng của người dân rõ ràng là vậy. Và, câu chuyện cũng rất rõ ràng. Tuy nhiên, động thái từ phía UBND TP Hà Nội không giống như mong đợi của người dân. Sau hàng loạt bài phản ánh của Báo Thanh tra, đến ngày 24/2/2011, UBND TP Hà Nội có Văn bản số 557 về việc kiểm tra, xử lý thông tin khi thực hiện D.A sai quy định tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Theo đó, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ có trách nhiệm khẩn trương kiểm tra, xác minh, tổ chức xử lý việc Cty IDC triển khai D.A không đúng quy định, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân, cán bộ UBND phường không tổ chức giải quyết đúng thẩm quyền; báo cáo UBND TP trước ngày 10/3/2011. Đồng thời, Sở Xây dựng kiểm tra đôn đốc UBND quận Tây Hồ khẩn trương thực hiện; trực tiếp xử lý theo thẩm quyền và quy định trong trường hợp UBND quận Tây Hồ chậm thực hiện và đề xuất xử lý trách nhiệm người đứng đầu; báo cáo UBND TP kết quả thực hiện trước ngày 15/3/2011.

 Nhưng cho đến nay, chỉ đạo này vẫn chỉ… nằm trên giấy! Sau nhiều lần liên hệ, nhiều lần hướng dẫn đến gặp cán bộ phụ trách địa bàn, ngày 12/5/2011, chúng tôi gặp chị Hương, Phòng Quản lý trật tự đô thị thuộc UBND TP Hà Nội. Sau một hồi kiểm tra, chị Hương cho biết, UBND TP chưa hề nhận được bất kỳ báo cáo nào của các đơn vị nói trên! Chị Hương còn nhấn mạnh, UBND TP sẽ tiếp tục ra văn bản đôn đốc!

Rõ ràng, sự chậm trễ trong giải quyết các tồn tại của D.A hồ An Dương và động thái quản lý trên… giấy của UBND TP Hà Nội đã gây bức xúc, mất lòng tin đối với những người dân nơi đây. Trong khi đó, ngày ngày quyền lợi chính đáng của họ vẫn bị xâm hại. Chị Hoàng Thu Trang (con gái của ông Hoàng Văn Thân, chủ hộ gia đình bị bịt mất lối đi) cho biết: “Đến nay, lối đi duy nhất của gia đình vẫn bị rào lại, hàng ngày chúng tôi vẫn phải leo trèo để vào trong nhà".

Điều đáng nói là, để thể hiện lời kêu cứu của mình, gần đây nhất, các hộ dân An Dương đã kéo đông người lên Trụ sở Tiếp Công dân của T.Ư Đảng và Nhà nước để kiến nghị được giải quyết. Theo thẩm quyền, Trụ sở Tiếp Công dân của T.Ư Đảng đã có Công văn số 1211/TDTW chuyển đơn của các hộ dân về UBND TP đề nghị chỉ đạo kiểm tra, xem xét, xử lý. 

Người dân mong có sự vào cuộc của cơ quan thanh tra để nhanh chóng làm rõ đúng sai, là cái gốc để giải quyết đơn thư khiếu nại kéo dài. Đề nghị UBND TP Hà Nội sớm có những chỉ đạo quyết liệt, khách quan để khẳng định lòng tin đối với người dân.
 

Thúy Nhài - Hoàng Long