Bộ Kinh tế UAE cho biết đã phát hiện 256 hành vi vi phạm trong đợt kiểm tra hoạt động tại 32 nhà máy tinh luyện vàng. Các nhà máy này đã không thực hiện các bước cần thiết để xác định rủi ro; không tuân thủ bộ quy định kiểm tra và ngăn chặn hoạt động rửa tiền; thực hiện giao dịch nhưng không đối chiếu với cơ sở dữ liệu khách hàng và thực hiện giao dịch với các đối tượng có trong hồ sơ khủng bố của quốc gia.

Ngoài ra, Bộ Kinh tế UAE cho biết các nhà máy đã không thông báo cho cơ quan chức năng khi họ nhận được các báo cáo giao dịch đáng ngờ khác.

Đợt kiểm tra được thực hiện trên toàn bộ các lĩnh vực liên quan đến kim loại quý và đá quý của UAE, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực chịu trách nhiệm về hoạt động thương mại và sản xuất.

Việc đình chỉ hoạt động trong thời gian ba tháng, đến 24/10 của 32 nhà máy tinh luyện vàng sẽ ảnh hưởng đến 5% hoạt động trong toàn ngành vàng của UAE.

Kể từ năm 2020, giá vàng đã tăng liên tục hơn 50%. Vàng trở thành con đường hấp dẫn cho hoạt động rửa tiền nhờ tính thanh khoản cao, dễ mua bán và chuyển đổi lợi nhuận bất chính giữa các quốc gia.

Tháng 2/2024, Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF) đã loại UAE khỏi danh sách các quốc gia được cho là thiếu các biện pháp đối phó đầy đủ chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Ngay sau đó, một loạt báo cáo đã phản đối quyết định này khi chỉ ra một lượng lớn vàng tại Dubai liên tục tuồn sang châu Phi nhằm tài trợ cho cuộc nội chiến tại Sudan và các quốc gia gần sa mạc Sahara.

FATF tuyên bố sẽ xem xét lại quyết định này vào tháng 6/2024.

Trong khi đó, Bộ Kinh tế UAE tuyên bố sẽ tiếp tục kiểm tra nghiêm ngặt ngành vàng, sau những lo ngại UAE đang lỏng lẻo trước nạn rửa tiền và buôn lậu vàng.

Abdullah Ahmed Al Saleh, Thứ trưởng Bộ Kinh tế cho biết: “UAE khẳng định cam kết vững chắc trong việc phát triển một hệ thống lập pháp và quản lý tích hợp để chống rửa tiền và sẽ nỗ lực đạt được “mức độ tuân thủ cao nhất”  trong các quy định toàn cầu về vấn đề này”.

Minh Quân