Báo cáo được TI công bố hôm 9/9 cho thấy, các hợp đồng trong đại dịch Covid-19 trị giá khoảng 15,8 tỷ bảng Anh (20 tỷ USD) đã áp dụng nhiều quy trình mua sắm đáng ngờ, bị gắn nhiều "cờ đỏ".

Tổ chức này xem xét các hợp đồng của Chính phủ bị gắn 3 "cờ đỏ" để chỉ ra nguy cơ tham nhũng cao. Những lá cờ này cảnh báo các sai phạm bao gồm: trao hợp đồng không có quy trình cạnh tranh hoặc trao hợp đồng cho một công ty mới thành lập, có tuổi đời chưa đủ 100 ngày...

Trong số khoảng 5.000 hợp đồng được ký kết trong Covid-19, 135 hợp đồng bị gắn ít nhất 3 lá cờ đỏ (nguy cơ cao). Đây là một con số tương đối thấp, nhưng lại chiếm tới gần 1/3 chi tiêu ứng phó với COVID-19. Điều này cho thấy một số lượng hợp đồng có giá trị rất cao đã được trao mà không có quy trình thích hợp.

Khi đại dịch thúc đẩy phản ứng y tế công chưa từng có, các nhà chức trách đã bỏ qua những quy tắc mua sắm tiêu chuẩn nhằm nỗ lực đưa hàng hóa và bảo đảm dịch vụ thiết yếu nhanh nhất có thể. Nhưng quyết định này từ lâu đã gây tranh cãi. Và báo cáo mới đây của TI tiết lộ, cách tiếp cận vội vàng này đã dẫn đến "lãng phí đáng kinh ngạc".

TI đã nhấn mạnh sự phụ thuộc kéo dài của Westminster vào hoạt động mua sắm không cạnh tranh, trao 2/3 tổng chi tiêu theo cách này, qua đó "bỏ qua sự nghiêm ngặt của thị trường, vốn thường đóng vai trò là biện pháp bảo vệ chống lại chủ nghĩa thân hữu".

Điều đáng chú ý, Chính phủ Anh vẫn tiếp tục phân bổ tiền thông qua các hợp đồng trực tiếp sau hơn một năm xảy ra đại dịch, trong khi các quốc gia thành viên EU khi đó đã quay lại hình thức đấu thầu cạnh tranh.

Cơ quan giám sát chống tham nhũng cũng chỉ trích "làn đường VIP” hoặc “làn ưu tiên cao” khét tiếng hiện nay - một "lối đi" đặc biệt dành cho những công ty được các chính trị gia và quan chức đề xuất, chiếm 1,7 tỷ bảng Anh (2,2 tỷ USD) giá trị hợp đồng rủi ro cao.

Các nhà cung cấp này bị phát hiện đã thổi phồng giá trung bình 80% khi so sánh với nguồn cung được mua qua các kênh khác.

Theo nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Spotlight on Corruption, các công ty cung cấp làn đường VIP cũng đã cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân trị giá 1 tỷ bảng Anh (1,3 tỷ USD) được phát hiện là không phù hợp với mục đích sử dụng.

Trong khi, tờ Guardian đưa tin vào năm 2022 rằng, các tòa án Anh đã phát hiện ra hành vi này, vốn được coi là ưu đãi cho một số hình thức, chỉ có ở phản ứng trước đại dịch Covid-19 ở Anh, là bất hợp pháp.

Kêu gọi các cơ quan chức năng điều tra những hợp đồng nguy cơ tham nhũng cao này, TI cũng nhấn mạnh nhu cầu cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Chính phủ để tránh làm xói mòn thêm lòng tin của công chúng.

Sự hỗn loạn trong mua sắm liên quan đại dịch

Theo Forbes, Vương quốc Anh đã bước vào đại dịch Covid-19 với tình trạng dự trữ không đủ nhiều mặt hàng thiết yếu.

Một số mặt hàng, bao gồm áo choàng bảo hộ và túi đựng xác, hoàn toàn không được dự trữ cho trường hợp xảy ra đại dịch.

Điều này khiến đất nước đặc biệt dễ bị tổn thương trước nhu cầu toàn cầu tăng vọt đối với những mặt hàng kể trên.

Mặc dù các hợp đồng trong đại dịch bao gồm mọi loại hàng hóa và dịch vụ, nhưng các hợp đồng thiết bị bảo hộ cá nhân có lẽ đã nhận được sự giám sát chặt chẽ nhất của công chúng.

Một khoản tiền công khổng lồ đã được chi cho thiết bị bảo hộ cá nhân, nhưng phần lớn số thiết bị đó không bao giờ được sử dụng.

Khi các chính phủ trên khắp thế giới chạy đua cung cấp thiết bị cho bệnh viện, Vương quốc Anh đã mua nhiều mặt hàng với giá cao gấp nhiều lần giá thông thường.

Các quan chức cũng đã đặt hàng quá nhiều sản phẩm thiết bị bảo hộ cá nhân trong quá trình vội vã đảm bảo hàng hóa, nhiều trong số đó đã không đến vào thời điểm cần chúng.

Hơn 750 triệu bảng Anh (980 triệu USD) đã được chi để lưu trữ các mặt hàng trong hàng chục nghìn container tại các cảng vận chuyển cũng như các nhà kho trong và ngoài nước trong 18 tháng đầu tiên của đại dịch.

Nhiều sản phẩm khi đến hệ thống y tế của đất nước được coi là không sử dụng được.

Cuối cùng, Chính phủ đã xóa sổ gần 10 tỷ bảng Anh (13 tỷ USD) khỏi giá trị 13,6 tỷ bảng Anh (17,8 tỷ USD) mà ban đầu họ đã chi cho thiết bị bảo hộ cá nhân.

leftcenterrightdel
Chính phủ Vương quốc Anh đối mặt với những câu hỏi khó về cách tiếp cận mua sắm trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Ảnh: Justin Setterfield/Getty 

Một chiến lược mua sắm "lạ lùng"

Theo Spotlight on Corruption, khoảng 1 tỷ bảng Anh tiền cho thiết bị bảo hộ cá nhân chưa sử dụng này đã được mua thông qua "làn đường VIP".

"Làn đường VIP" là một luồng mua sắm thiết bị bảo hộ cá nhân chuyên dụng cho những công ty do các bộ trưởng trong Chính phủ đề xuất.

Tuy nhiên, một cuộc điều tra về hoạt động mua sắm công do Văn phòng Kiểm toán Quốc gia của Anh công bố vào năm 2020 đã không tìm thấy bằng chứng cho thấy các bộ trưởng tham gia vào hoạt động mua sắm.

Trước báo cáo của TI, một phát ngôn viên của Đảng Bảo thủ, đảng cầm quyền trong suốt thời gian đại dịch, đã nói với BBC: "Chính sách của Chính phủ không hề bị ảnh hưởng bởi các khoản quyên góp mà đảng nhận được. Chúng hoàn toàn tách biệt".

Trong một lá thư gửi tới Ủy ban Tài khoản Công của đất nước, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia và Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves, Giám đốc Điều hành TI Vương quốc Anh Daniel Bruce cho biết đánh giá của TI "chỉ ra nhiều điều hơn là sự trùng hợp ngẫu nhiên hoặc khả năng yếu kém".

“Phản ứng mua sắm trong đại dịch Covid-19 được đánh dấu bằng nhiều điểm yếu mang tính hệ thống và các lựa chọn chính trị cho phép chủ nghĩa thân hữu phát triển mạnh, tất cả đều được thúc đẩy bởi sự thiếu minh bạch, thiếu công khai một cách đáng tiếc”, ông Daniel Bruce viết.

Giám đốc Điều hành TI Vương quốc Anh cũng nhấn mạnh: “Theo như chúng tôi có thể xác định, không có quốc gia nào khác sử dụng một hệ thống như làn đường VIP của Vương quốc Anh trong phản ứng trước đại dịch Covid-19”.

Bên cạnh đó, sự lãng phí đáng kinh ngạc “đã trở nên ngày càng rõ ràng với số tiền khổng lồ bị mất do thiết bị bảo hộ cá nhân không sử dụng được từ các nhà cung cấp không đủ tiêu chuẩn”, ông Daniel Bruce nói thêm, đồng thời cho biết TI "mạnh mẽ kêu gọi các cuộc điều tra về Covid-19 và ủy viên chống tham nhũng trong đại dịch Covid-19 cần lên kế hoạch để đảm bảo trách nhiệm giải trình đầy đủ, và để Chính phủ mới nhanh chóng bổ sung các bài học kinh nghiệm”.

Chính phủ mới của Anh đã cam kết bổ nhiệm một ủy viên để điều tra cáo buộc tham nhũng trong các hợp đồng ứng phó đại dịch và thu hồi tiền khi có thể.

Báo cáo mới nhất này của TI được đưa ra trong bối cảnh cuộc điều tra toàn quốc về phản ứng trước Covid-19 của Vương quốc Anh đang xem xét bằng chứng về tác động của đại dịch đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước.

TI đã dành nhiều năm để xem xét các giao dịch liên quan đến Covid-19. Trước đó, vào tháng 4/2021, TI đã có báo cáo cho thấy sự thiên vị đối với các công ty có mối liên hệ chính trị. 24 hợp đồng mua sắm thiết bị bảo hộ cá nhân đã được trao cho những người có mối liên hệ chính trị với Đảng Bảo thủ và 3 hợp đồng liên quan đến dịch vụ xét nghiệm coronavirus được trao cho các công ty có kết nối chính trị.

Giám đốc Điều hành TI Vương quốc Anh Daniel Bruce cho rằng: "Tần suất mà các hợp đồng liên quan đến Covid được trao cho những người có quan hệ chính trị là rất đáng quan tâm và ở mức độ không thể giải thích được như một sự trùng hợp.

Do có vẻ như chỉ một nhóm được chọn biết về "làn đường VIP", với những chính trị gia chỉ giới hạn ở một bên của Hạ viện, chúng tôi kết luận rằng, hệ thống xử lý các đề xuất mua sắm thiết bị bảo hộ cá nhân đã được cài đặt trước với sự thiên vị.

Nhiều tháng sau khi "làn đường VIP" được đưa ra ánh sáng, Chính phủ vẫn chưa trả lời được những câu hỏi cơ bản về hoạt động và sự tồn tại của nó".

Hoài Phương