Chủ đề của Ngày Quốc tế chống tham nhũng 2024 (9/12) là: "Đoàn kết với giới trẻ trong phòng, chống tham nhũng: Định hình tương lai liêm chính", nhấn mạnh vai trò của giới trẻ trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Giới trẻ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tham nhũng, nhưng cũng có những sáng kiến, cách làm sáng tạo để tạo ra một tương lai liêm chính.

Đây sẽ là chủ đề sẽ xuyên suốt của chiến dịch phòng, chống tham nhũng toàn cầu từ ngày 9/12/2024 đến 9/12/2025.

Theo ông Achim Steiner - Giám đốc Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), tham nhũng "tước đoạt quyền tiếp cận giáo dục, việc làm, dịch vụ công và các cơ hội khác của thanh niên ngày nay. Tham nhũng cũng đẩy nhanh các cuộc khủng hoảng về khí hậu, thiên nhiên và ô nhiễm, gây tác động sâu sắc đến quyền và nguyện vọng của các thế hệ tương lai".

Tuyên bố của UNDP trong Ngày Quốc tế chống tham nhũng 2024 cho rằng, dù bị ảnh hưởng đáng kể bởi tham nhũng, giới trẻ cũng có tiềm năng trở thành những tác nhân mạnh mẽ tạo nên sự thay đổi trong cuộc đấu tranh vì một tương lai bắt nguồn từ sự liêm chính.

Bên cạnh đó, thế hệ trẻ còn biết tận dụng ưu thế về công nghệ như chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet, mạng xã hội cùng các ứng dụng khác để phát triển các giải pháp sáng tạo, giúp giải quyết nạn tham nhũng trên quy mô toàn cầu.

“Chúng ta phải tích cực lắng nghe những người trẻ tuổi, vì ý tưởng hiện tại của họ có thể nắm giữ chìa khóa cho các giải pháp tốt nhất để chống tham nhũng và củng cố tính liêm chính trong tương lai”, theo thông báo của Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC).

Cũng nhân Ngày Quốc tế chống tham nhũng 2024, Chủ tịch Nhóm Các quốc gia chống tham nhũng (GRECO) của Hội đồng châu Âu, ông Marin Mrčela, đã đưa ra tuyên bố nhấn mạnh, tham nhũng là cốt lõi của nhiều thách thức mà các nền dân chủ phải đối mặt ngày nay, từ việc làm suy yếu các thể chế dân chủ cho đến bất công và bất bình đẳng.

Để chống lại nguy cơ thoái trào dân chủ, theo ông Marin Mrčela, điều quan trọng là các chính phủ phải chứng minh cam kết của mình, thể hiện ý chí chính trị bằng cách thông qua luật chống tham nhũng mạnh mẽ và hành động kiên quyết chống lại các hành vi tham nhũng trong mọi lĩnh vực của đời sống công.

Những nỗ lực chống tham nhũng hiệu quả sẽ giúp khôi phục lại sự thiếu hụt lòng tin giữa các thể chế, chính trị gia, quan chức và công dân. Tiến trình chống tham nhũng là điều cần thiết để bảo vệ nền dân chủ và pháp quyền.

“Nhìn về phía trước, chúng ta cần giải quyết tác động của tham nhũng đối với các thế hệ tiếp theo và nâng cao nhận thức của giới trẻ về những vấn đề đang bị đe dọa; nếu không, giới trẻ ngày nay sẽ tiếp tục phải chịu đựng trong tương lai do những thiệt hại mà tham nhũng gây ra cho quyền tự do và sự thịnh vượng.

Chúng ta cần xây dựng một xã hội của những cá nhân tự do được hướng dẫn bởi các nguyên tắc liêm chính. Chúng ta cần lôi kéo thanh niên vào các hoạt động dân chủ và chống tham nhũng", lãnh đạo GRECO kêu gọi.

Ông cũng cho biết, vào năm 2025, GRECO sẽ triển khai vòng đánh giá mới tập trung vào việc ngăn ngừa tham nhũng và thúc đẩy tính liêm chính trong các chính quyền địa phương và khu vực, vốn gần gũi nhất với cuộc sống hàng ngày của người dân.

Theo Khảo sát Giới trẻ Châu Phi năm 2024, được Quỹ Gia đình Ichikowitz công bố gần đây, giảm tham nhũng trong chính phủ là ưu tiên hàng đầu trong 5 năm tới. Hơn 1/5 (23%) số người trẻ tuổi được hỏi cho biết đây là vấn đề cần được giải quyết khẩn cấp nếu Châu Phi muốn tiến bộ.

Châu Phi có dân số trẻ nhất thế giới, với gần 70% người dân vùng cận Sahara dưới 30 tuổi. Ở Nam Phi, thanh thiếu niên đặc biệt quan tâm tới chống tham nhũng, với 94% số người được hỏi bày tỏ quan điểm này, chỉ sau Cameroon (97%) và Kenya (95%).

Báo cáo lưu ý rằng thanh thiếu niên trên khắp lục địa nhìn chung không hài lòng với những nỗ lực hiện tại nhằm giải quyết nạn tham nhũng và có sự ủng hộ mạnh mẽ cho việc đưa ra các chính sách nhằm giảm tham nhũng - bao gồm lực lượng cảnh sát đặc nhiệm, hình phạt nghiêm khắc hơn và cấm những người bị kết tội tham nhũng ứng cử vào các chức vụ công.

Trước thềm Ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng 2024, hôm 8/12, Tổng Công tố của Nga Igor Krasnov đã chỉ thị cho các công tố viên nước này sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) rộng rãi hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Tổng Công tố của Nga nhấn mạnh vai trò của AI trong việc rà soát các quy định pháp luật nhằm ngăn chặn tham nhũng và khắc phục các lỗ hổng pháp lý mà các quan chức có thể lợi dụng để đưa ra quyết định thiên vị.

Nga đang tích cực ứng dụng AI vào nhiều lĩnh vực, bao gồm hành chính công và quốc phòng.

Việc ứng dụng AI trong chống tham nhũng là một phần trong chính sách ưu tiên của Nga, phản ánh cam kết nâng cao pháp quyền và quản trị công hiệu quả.

Cơ quan Công tố Nga giữ vai trò trung tâm trong việc thực thi luật pháp chống tham nhũng. Nhiệm vụ này được thực hiện dựa trên Hiến pháp Liên bang Nga, Luật Công tố và Kế hoạch Quốc gia Chống Tham nhũng do Tổng thống phê duyệt.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ trong Ngày Quốc tế chống tham nhũng 2024 cho biết, tham nhũng làm xói mòn nền quản trị dân chủ, làm suy yếu lòng tin vào chính phủ và cản trở sự phát triển, đó là lý do tại sao Bộ Ngoại giao Mỹ thúc đẩy tính liêm chính, minh bạch và trách nhiệm giải trình là các ưu tiên trong chính sách đối ngoại và lợi ích cốt lõi của an ninh quốc gia.

Kể từ khi Công ước Phòng, chống tham nhũng của Liên hợp quốc (UNCAC) được thông qua và Mỹ phê chuẩn, Mỹ đã trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các cam kết chống tham nhũng quốc tế.

Mỹ đã phát động Giải thưởng Nhà đấu tranh chống tham nhũng vào năm 2021 để ghi nhận những cá nhân có đóng góp đáng chú ý trong cuộc chiến chống tham nhũng và thể hiện sự đoàn kết của Mỹ với những nhà đấu tranh này.

Vào Ngày Quốc tế chống tham nhũng, Mỹ vinh danh 10 nhà đấu tranh chống tham nhũng đã lãnh đạo hoặc ủng hộ các cuộc cải cách và điều tra đang mang lại một thế giới công bằng, minh bạch hơn cho đất nước của họ.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế chống tham nhũng, UNODC tổ chức tọa đàm về “Công ước Phòng, chống tham nhũng của Liên hợp quốc và vai trò của thanh niên trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam” hôm 8/12, với sự tham gia của hơn 90 đại biểu đại diện cho các trường đại học trên địa bàn Hà Nội, các tổ chức xã hội, các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Tại tọa đàm, các đại biểu chia sẻ, trao đổi thông tin về các vấn đề liên quan đến thực trạng phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam; những cản trở, rào cản đối với việc thanh niên tham gia phòng, chống tham nhũng; pháp luật, chính sách của Việt Nam nhằm khuyến khích thanh niên tham gia phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, đưa các kiến nghị, khuyến nghị nhằm nâng cao vai trò của thanh niên trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đã nêu bật những thế mạnh của thanh niên, "họ là những người trẻ, những người khỏe và có tri thức. Bên cạnh đó, họ là những bạn trẻ ham học hỏi, ham hiểu biết, mạnh mẽ, muốn đổi mới, không sợ hy sinh trong cuộc đấu tranh chống cái đói, cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, cái bảo thủ, cái trì trệ…”. Ông cũng chia sẻ những quy định của pháp luật Việt Nam là tiền đề để thanh niên có thể tham gia phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa: TI

Ảnh: Transparency International Cambodia

Trong Ngày Quốc tế chống tham nhũng 2024, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) nhấn mạnh, để đạt được các mục tiêu về khí hậu, cần biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn cho các cuộc đàm phán quan trọng về lĩnh vực này.

Trên khắp thế giới, các nhóm thanh niên đang cùng nhau đoàn kết, đồng lòng đấu tranh chống tham nhũng và hành động vì khí hậu. TI đang hợp tác với các nhóm thanh niên từ Campuchia đến Maldives để giúp tuyên truyền về luật pháp và đấu tranh chống lại nhiều hình thức tham nhũng trong hành động vì khí hậu, từ ảnh hưởng không chính đáng đến hối lộ và tham ô.

Theo TI, mỗi năm, hàng tỷ đô la Mỹ được huy động để tài trợ cho các sáng kiến ​​hạn chế khí thải, tài trợ cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ các khu vực bảo tồn quan trọng. Nhưng nếu không có các biện pháp chống tham nhũng mạnh mẽ, những nguồn lực thiết yếu này có nguy cơ bị phân tán và khoảng cách tài chính hiện tại có nguy cơ không bao giờ được thu hẹp.

Vào Ngày Quốc tế chống tham nhũng năm 2024, TI kêu gọi tất cả nhà lãnh đạo toàn cầu bảo vệ các quy trình về khí hậu bằng cách cung cấp sự minh bạch hơn về cách thức tiến hành các cuộc đàm phán về khí hậu. Bên cạnh đó, cần bảo vệ không gian công cho hành động của thanh niên tại các cuộc đàm phán quan trọng về khí hậu.

Để kỷ niệm Ngày Quốc tế chống tham nhũng 2024, Nhóm Ngân hàng Thế giới, Nhóm Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ và các tổ chức quốc tế đã tổ chức tọa đàm với chủ đề "Quản lý rủi ro về tính liêm chính trong các doanh nghiệp nhà nước" nhằm nêu bật các biện pháp can thiệp quản lý rủi ro liêm chính, xây dựng năng lực và các công cụ như AI nhằm giúp nâng cao các tiêu chuẩn quản lý rủi ro liêm chính.

Nhấn mạnh quản lý rủi ro về tính liêm chính trong các doanh nghiệp nhà nước là rất quan trọng để giảm tham nhũng, Ngân hàng Thế giới cho rằng, đây cũng là mấu chốt để ngăn ngừa tác hại kinh tế và chính trị có thể làm xói mòn lòng tin của người dân.

Xuất bản 10/12/2024 - 15:10 Tác giả: Bích Tuệ

Tin cùng chuyên mục

“Lãnh đạo yếu kém, thiếu trách nhiệm sẽ bị thay thế ngay, không để đất nước lỡ cơ hội phát triển”

“Lãnh đạo yếu kém, thiếu trách nhiệm sẽ bị thay thế ngay, không để đất nước lỡ cơ hội phát triển”

(Thanh tra) - “Mọi nhiệm vụ sẽ được giám sát, đánh giá thường xuyên; làm tốt được khen thưởng, làm chậm hoặc sai phạm sẽ bị phê bình, xử lý. Lãnh đạo yếu kém, thiếu trách nhiệm sẽ bị thay thế ngay, không để đất nước lỡ cơ hội phát triển”, Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt.

Hương Giang

13:38 13/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm