Mỗi khu rừng đều ẩn chứa một câu chuyện: Tiếng lá xào xạc trong gió nhẹ, mùi đất ẩm dưới chân, những hàng cây cao chót vót đón mặt trời tạo nên những vệt nắng trên nền rừng...

Rừng cung cấp nơi trú ẩn yên bình cho nhiều loài động vật hoang dã đa dạng. Đây cũng là nơi sinh sống của người dân bản địa và cộng đồng địa phương. Rừng cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn cho nhiều người. Nhưng rừng vẫn dễ bị tổn thương.

Theo Cơ quan Phòng chống ma tuý và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), tham nhũng khiến rừng bị mất vĩnh viễn, phá hủy các hệ sinh thái. Quan trọng hơn cả, tham nhũng rừng phá hủy mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

Nhân Ngày quốc tế Rừng (21/3), bà Daniela Sota Valdivia, cán bộ tư pháp hình sự và phòng chống tội phạm của UNODC, người phụ trách hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn và chống tham nhũng cũng như tội phạm ảnh hưởng đến môi trường, đã có những chia sẻ xung quanh các mối quan ngại về tham nhũng đối với rừng.

Cứ mỗi phút, thế giới mất đi một khu rừng có diện tích bằng 37 sân bóng đá

Khẳng định rừng đang gặp nguy hiểm, bà Daniela cho biết, "trong 30 năm qua, chúng ta đã mất 10% diện tích rừng, tương đương với việc mỗi phút trôi qua, thế giới mất đi một khu rừng có diện tích bằng 37 sân bóng đá kể từ năm 1990".

Việc bảo vệ rừng khỏi tác động của tham nhũng rất quan trọng. Theo bà Daniela, rừng là một trong những hy vọng lớn nhất của chúng ta trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu. Cuộc sống của chúng ta phụ thuộc vào lượng lớn oxy mà rừng tạo ra. Trên hết, rừng còn hấp thụ hàng tỷ tấn CO2.

Rừng cũng là nơi sinh sống của động vật hoang dã, là mái nhà của 68% loài động vật có vú, 75% loài chim và 80% loài lưỡng cư trên thế giới. Nếu rừng bị mất thì đa dạng sinh học của chúng cũng mất đi.

leftcenterrightdel
Vườn quốc gia Manu, Peru. Ảnh: Daniela Sota Valdivia/UNODC 

Điều gì khiến rừng là lĩnh vc dễ bị tham nhũng?

Theo quan chức UNODC, có một số yếu tố khiến lĩnh vực rừng dễ bị tham nhũng.

Một trong những yếu tố chính thu hút các hoạt động tội phạm là giá trị kinh tế to lớn của đất trồng rừng.

"Ví dụ, các sản phẩm như sô cô la và dầu gội cần có dầu cọ để sản xuất. Với dân số hơn 8 tỷ người trên thế giới. Bạn có thể tưởng tượng cần bao nhiêu đất cho các đồn điền dầu cọ để đáp ứng nhu cầu về những sản phẩm này không?", bà Daniela đặt câu hỏi và cho biết, nhiều công ty có được quyền tiếp cận hợp pháp đất đai để trồng các đồn điền dầu cọ, nhưng cũng có những công ty khác đã hối lộ các quan chức nhà nước để sở hữu giấy phép khai thác rừng ở các khu vực được bảo tồn.

Một số thậm chí còn tác động đến các nhà hoạch định chính sách để thông qua luật ủng hộ việc khai thác rừng hơn là bảo tồn chúng.

Trên hết, rừng là lĩnh vực dễ bị tham nhũng do tính chất rộng lớn về mặt địa lý. Điều này làm phức tạp thêm công tác giám sát và thực thi các quy định.

Giải quyết tham nhũng trong ngành lâm nghiệp

Liên quan đến những thách thức phải đối mặt trong việc giải quyết tham nhũng trong ngành lâm nghiệp, bà Daniela cho rằng, có 3 thách thức chính.

Thứ nhất, một khi tham nhũng tạo điều kiện cho việc mất rừng thì rừng sẽ bị mất vĩnh viễn, cả đời chúng ta không thể lấy lại được. "Không có thời gian ngồi tù hay bất kỳ số tiền nào có thể bù đắp được những gì bị mất", bà Daniela nhấn mạnh.

Thách thức thứ hai là, một khi các hành động ngăn chặn và chống tham nhũng được thực hiện ở một quốc gia, rất có thể bọn tội phạm sẽ chuyển mục tiêu sang các quốc gia có khả năng kiểm soát yếu hơn.

Cuối cùng, chúng ta cần mọi quốc gia thừa nhận rằng tất cả đều đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ những gì còn lại trong rừng của chúng ta.

Về cách tiếp cận hoặc chiến lược để chống tham nhũng trong ngành lâm nghiệp, theo quan chức UNODC, "có hơn 70.000 loài cây. Tương tự, có rất nhiều lựa chọn để chống tham nhũng liên quan đến rừng. Không có sự can thiệp hay thực tiễn chính sách chung nào có thể giải quyết tham nhũng trong ngành lâm nghiệp. Thay vào đó, chúng ta cần các chương trình được thiết kế riêng để thực hiện và xem xét các đặc điểm của khu vực nơi chúng được thực hiện".

"Theo kinh nghiệm của tôi, quy trình quản lý rủi ro tham nhũng trong thể chế là một công cụ tuyệt vời để khởi xướng và đẩy nhanh việc sử dụng các công cụ chống tham nhũng quan trọng, bao gồm hệ thống tiếp nhận khiếu nại và tố cáo tham nhũng, quy tắc ứng xử và quy trình vận hành để cấp giấy phép", bà Daniela nói thêm.

Tháng 12 năm ngoái, UNODC đã phát hành tài liệu “Rooting Out Corruption” (tạm dịch: Nhổ tận gốc tham nhũng), nhằm khuyến khích các cuộc thảo luận giữa chính phủ và các bên chủ chốt liên quan, chẳng hạn như khu vực tư nhân và xã hội dân sự, về việc khắc phục tình trạng mất rừng bằng cách ngăn ngừa và chống tham nhũng.

Tài liệu này cũng nêu bật một số trường hợp cần được lấy làm ví dụ về cam kết của một số chính phủ trong việc bảo vệ rừng. Những vụ án được xét xử để trừng phạt những kẻ tham nhũng đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực.

"Chúng ta cần thay đổi niềm tin phổ biến rằng, nếu có một vụ án tham nhũng được xét xử có nghĩa là tham nhũng đang lan rộng ở quốc gia đó. Đúng hơn, nó phải là một ví dụ về những nỗ lực hữu hình để cứu lá phổi của hành tinh và đưa thủ phạm ra trước công lý", bà Daniela nêu quan điểm.

Kết thúc bài phỏng vấn được đăng trên trang web chính thức của UNODC nhân Ngày quốc tế Rừng, bà Daniela bày tỏ "hy vọng chúng ta hành động ngay bây giờ. Hành động ngay lập tức chống tham nhũng là cần thiết để có thể cứu hành tinh và để các quốc gia thực hiện các cam kết quốc tế như Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris".

Từ năm 2012, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã lấy ngày 21/3 hàng năm là Ngày Quốc tế rừng, viết tắt là IDF (International Day of Forests), nhằm nâng cao ý thức của chúng ta về tầm quan trọng của các khu rừng.

Hoài Phương