Tròn 50 năm kể từ hội nghị đầu tiên của Liên hợp quốc về môi trường và con người (6/1972 - 6/2022). Tuy nhiên, theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), các cam kết về khí hậu đã không được thực hiện như kỳ vọng.

Những tin tức hàng ngày về khí hậu đã nói lên điều này. Các công ty nhiên liệu hóa thạch tiếp tục lập kế hoạch và thực hiện những dự án dầu khí mới có thể khiến khí hậu vượt qua giới hạn nhiệt độ đã được quốc tế thống nhất. Đáng chú ý, các quốc gia ghi nhận từ 1,4 đến 35% quỹ hành động khí hậu đã bị mất vì tham nhũng.

Trong quá trình tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi, những gì đã sai trong việc biến những lời hứa về khí hậu thành hành động, TI cho biết, một số "thủ phạm" liên tục được nhắc tới, đó là sự thiếu minh bạch trong cách thực hiện các cam kết, thiếu trách nhiệm giải trình đối với người vi phạm và thiếu sự bảo vệ những người chiến đấu vì môi trường và hành tinh của chúng ta.

TI đã đề xuất 5 hành động mà các chiến binh chống tham nhũng có thể thực hiện để khơi dậy sức mạnh trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

1. Đánh giá và cải thiện việc quản lý các quỹ khí hậu

Các quỹ đa phương, giúp tập trung nguồn lực từ các nhà tài trợ khác nhau, lên tới con số hàng trăm tỷ USD trên toàn thế giới để đầu tư vào hành động chống biến đổi khí hậu. Việc đánh giá nguồn tiền, xem xét cách các quỹ được chi tiêu như thế nào là rất cần thiết.

TI gần đây đã xem xét 5 trong số các quỹ khí hậu lớn với cam kết hỗ trợ 40 tỷ USD. Phát hiện của TI cho thấy, những biện pháp bảo vệ mạnh mẽ nhất cho sự liêm chính, đặc biệt là xung quanh các quy tắc ứng xử và quản lý tài chính đã được thực hiện. Tuy nhiên, một số thiếu sót vẫn còn tồn tại trên diện rộng, bao gồm sự thiếu rõ ràng về các biện pháp trừng phạt trong trường hợp sai phạm và khả năng tiếp cận các tài liệu ngoài ngôn ngữ tiếng Anh.

Theo TI, các nhà tài trợ và người thực hiện nên ưu tiên các vấn đề quản trị, gây cản trở dòng tài chính khí hậu và việc thực hiện dự án. Bên cạnh đó, trách nhiệm giải trình thường không bảo đảm với ít chế tài đối với tham nhũng, thiếu thông tin về các quyết định được đưa ra và quy trình kháng nghị.

Với số tiền ngày càng tăng mà các quỹ nắm giữ, giải quyết tham nhũng được xem là chìa khóa quan trọng để vượt qua khủng hoảng khí hậu.

2. Vận động hành lang minh bạch hơn

Xây dựng chính sách khí hậu là mục tiêu vận động hành lang liên tục của một số nhóm và ngành công nghiệp có ảnh hưởng. Theo TI, họ đang tích cực hành động để trì hoãn hoặc làm giảm các tiêu chuẩn và thủ tục về khí hậu. Từ năm 2018 đến 2019, các công ty dầu mỏ lớn đã chi khoảng 200 triệu USD để kiểm soát, trì hoãn hoặc ngăn chặn chính sách khí hậu.

Trong nhiều trường hợp, các nhân viên rời khỏi vị trí trong cơ quan chính phủ và tham gia vào ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch để vận động hành lang cho các quản lý cũ của họ, dẫn đến việc các nhà vận động hành lang phá hoại hành động chống biến đổi khí hậu thông qua đặc quyền tiếp cận.

3. Giảm thiểu rủi ro tham nhũng và lỗ hổng liêm chính trong công nghệ khí hậu

Với hy vọng cắt giảm và kìm hãm sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, trong vài năm qua, có nhiều xu hướng ủng hộ việc sử dụng địa kỹ thuật khí hậu - công nghệ để tác động, điều khiển môi trường.

Các công nghệ địa kỹ thuật liên quan đến thu hồi và lưu trữ carbon (CCS) và quản lý bức xạ mặt trời (SRM) là một trong những giải pháp được trình bày phổ biến nhất. Tuy nhiên, điều mà nhiều người ủng hộ đã bỏ quên, đó là những rủi ro tham nhũng đáng kể và các tác động tiềm ẩn sâu rộng, chưa được biết đến đối với xã hội và hành tinh.

TI cho rằng, các nhà đấu tranh chống tham nhũng phải tiếp tục kêu gọi trách nhiệm giải trình liên quan đến công nghệ địa kỹ thuật, bao gồm thiết lập quyền sở hữu công, trách nhiệm giải trình, minh bạch và cơ chế đền bù để điều chỉnh hoạt động địa kỹ thuật và đưa ra các biện pháp khắc phục cho bất kỳ tác hại nào mà những hoạt động này có thể gây ra.

leftcenterrightdel
 Ảnh: Unsplash

4. Giám sát việc sử dụng các quxanh

Để đạt được các mục tiêu về khí hậu, ngân sách nhà nước cần ưu tiên các dự án xanh - mọi thứ từ cơ sở hạ tầng để bảo vệ chống lại mực nước biển dâng đến các chương trình đào tạo lại kỹ năng cho người lao động trong các ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch... Khi số lượng công quỹ được hướng vào các sáng kiến như vậy ngày một nhiều, thì rủi ro tham nhũng và quản lý yếu kém cũng gia tăng.

Đáng chú ý, mọi người thiếu niềm tin về việc công quỹ sẽ được phân phối công bằng.

Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu (GCB) cho thấy, ở Thái Bình Dương, 68% số người được hỏi cho rằng, các doanh nghiệp dựa vào tiền hoặc các mối quan hệ để có được hợp đồng của chính phủ. Các khu vực khác mà TI đã điều tra, khảo sát cũng có kết quả không khả quan hơn, với 52% người được hỏi ở Liên minh Châu Âu (EU) có cùng nhận định.

Với sự thiếu tin tưởng vào việc sử dụng hợp lý các công quỹ, các cơ chế hành động tập thể phải được áp dụng bất cứ khi nào có thể để đưa xã hội dân sự và các cộng đồng bị ảnh hưởng đến gần hơn với quá trình phối hợp với các tổ chức công và nhà thầu.

Hiệp ước liêm chính của TI là một công cụ cho phép thực hiện điều đó, vì nó đưa một cơ chế giám sát độc lập - thường do một tổ chức xã hội dân sự lãnh đạo - vào một dự án mua sắm. Các hiệp ước liêm chính đã được chứng minh là giúp tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong một số dự án liên quan đến khí hậu do các văn phòng đại diện của TI giám sát, gần đây nhất là ở Hy Lạp, Hungary và Slovenia.

Để thúc đẩy cơ hội đầu tư xanh được thực hiện theo các nguyên tắc quản trị tốt và đạt được các tác động đã nêu, các chính phủ nên kiên định sử dụng hiệp ước liêm chính trong các dự án hợp đồng chiến lược.

5. Bảo vệ những người bảo vệ môi trường, đất đai

Các nhà bảo vệ môi trường thường tố cáo tham nhũng khi yêu cầu trách nhiệm giải trình trong các quỹ khí hậu, các dự án xanh, và việc sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên. Hành động của họ rất quan trọng đối với tương lai của hành tinh và các kênh tố cáo an toàn là giải pháp quan trọng để có thể giúp bảo vệ họ.

Đơn cử, Mạng lưới Trung tâm Tư vấn pháp luật và Vận động chính sách (ALAC) của TI có thể giúp đỡ những người bảo vệ môi trường và đất đai. ALAC hỗ trợ các cá nhân, gia đình và cộng đồng tố cáo tham nhũng một cách an toàn. Trong nhiều năm, các báo cáo mà ALAC nhận được thường liên quan đến tội phạm về đất đai và môi trường.

Ví dụ, ở Lebanon, các cộng đồng sống bên sông Litani đã phải chịu đựng trong nhiều năm vì sự ô nhiễm nặng nề của dòng sông - vốn cung cấp nguồn nước uống và tưới tiêu. Dù đã nhiều lần khiếu nại lên chính quyền, nhưng không có hành động nào được thực hiện vì nhiều chính trị gia có quan hệ mật thiết với các doanh nghiệp gây ô nhiễm trong khu vực. Mọi việc có biến chuyển khi cư dân liên hệ với ALAC địa phương với số lượng lớn khiếu tố.

ALAC đã thực hiện quay video từ trên cao với sự hợp tác của các nhà báo điều tra, giúp việc xác định những người gây ô nhiễm trở nên dễ dàng hơn. Những nỗ lực này đã dẫn đến việc các cơ quan chức năng phải hành động và đảm bảo rằng công việc về các nhà máy xử lý nước thải được bắt đầu.

Kể từ năm 2003, hơn 270.000 lượt người đã được phục vụ tại các văn phòng ALAC.

Phong trào chống tham nhũng chứng minh rằng, trở thành một người quan sát im lặng không phải là lựa chọn duy nhất và có nhiều cách có thể kết nối mọi người và yêu cầu nhiều hơn từ những người nắm quyền.

Cho dù bằng cách theo dõi dòng quỹ dành cho khí hậu, bảo vệ người tố cáo hay kêu gọi đại diện công bằng tại các cuộc đàm phán, bằng cách hợp lực, chúng ta có thể đảm bảo hành động chung sẽ mang lại kết quả.
Hoài Phương