Theo NACC, việc ban hành hướng dẫn nhằm mục đích củng cố, tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài để họ tiếp tục hoạt động đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á này.

NACC chỉ ra rằng, tham nhũng từ lâu đã là vấn đề lớn, cản trở sự phát triển kinh tế xã hội và tác động đến sự phát triển về mọi mặt của nhiều quốc gia.

Nhìn chung, trên thế giới, nhiều nước đã không đạt được thành công như mong đợi trong đấu tranh chống tham nhũng. Nhiều quốc gia đã không đạt được tiến bộ nào trong việc giải quyết tham nhũng kể từ năm 2017. Trong khi, xung đột tạo ra nhiều cơ hội tham nhũng hơn.

Theo khảo sát của NACC liên quan cảm nhận về gian lận đầu tư ở Thái Lan của các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, kết quả cho thấy, cảm nhận chung về gian lận đầu tư ở Thái Lan vào năm 2023 là ở mức vừa phải. Trong khi, cảm nhận về tham nhũng trong các cơ quan Chính phủ cung cấp dịch vụ đầu tư ở Thái Lan cũng ở mức độ vừa phải.

Điều này phản ánh rằng, Thái Lan đứng trước nhiều cơ hội cải thiện nỗ lực chống tham nhũng, nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn vào nước này.

Cuộc khảo sát cho thấy, cả nhà đầu tư Thái Lan và nước ngoài đều nhận thức được nỗ lực cải thiện quy trình dịch vụ đầu tư của các cơ quan Chính phủ. Để nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, NACC mới đây đã ban hành 8 hướng dẫn về thực hành chống tham nhũng của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

8 hướng dẫn phòng, chống tham nhũng bao gồm:

Vận động khu vực công và xã hội dân sự tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng.

Sử dụng các biện pháp trừng phạt xã hội.

Sử dụng hệ thống công nghệ thông tin để kiểm soát và kiểm toán hệ thống đăng ký đầu tư, giảm việc sử dụng quyền tự quyết.

Công bố quy trình hoạt động minh bạch, rõ ràng.

Nghiên cứu, rà soát/cập nhật pháp luật liên quan đến chống tham nhũng.

Củng cố và nâng cao đạo đức của cán bộ công chức.

Công khai thông tin của Chính phủ về chống tham nhũng thông qua phương tiện truyền thông trực tuyến.

Giáo dục thanh thiếu niên về những hình thức tham nhũng tồi tệ nhất và thúc đẩy các giá trị chống tham nhũng.

Ngoài ra, theo khảo sát của NACC, các nhà đầu tư Thái Lan và nước ngoài thấy trước rằng rủi ro cao nhất trong kinh doanh có thể dẫn đến tham nhũng là “sự chậm trễ trong việc cung cấp dịch vụ” của công chức.

Các công chức có thể yêu cầu tiền, vật phẩm hoặc các loại lợi ích khác để đổi lấy dịch vụ nhanh hơn. Đây là một "kênh" tham nhũng xuất phát từ phía các nhà đầu tư thường yêu cầu nhanh chóng trong việc giao dịch với các cơ quan Chính phủ. Hầu hết đều sẵn sàng trả tiền để tiết kiệm thời gian cho mình.

NACC cho rằng, ở Thái Lan, nguyên nhân chính dẫn đến tham nhũng là hệ thống đăng ký đầu tư có nhiều thủ tục giấy tờ, cần liên hệ với nhiều cơ quan, tiêu tốn thời gian trong khi hệ thống liên kết thông tin của các cơ quan Chính phủ chưa hiệu quả.

Hệ thống thanh tra, kiểm soát chưa thể bao trùm toàn bộ, trong khi một số công chức nhà nước làm dịch vụ thiếu đạo đức và liêm chính trong công việc, một số cơ quan còn có chế độ bồi dưỡng.

Một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa tham nhũng, theo NACC, là áp dụng hệ thống công nghệ thông tin trong quá trình phê duyệt doanh nghiệp. Điều này sẽ làm giảm xung đột lợi ích, đồng thời cũng sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc nộp đơn xin các giấy phép khác nhau một cách minh bạch.

Ngoài ra, việc triển khai hệ thống đánh giá liêm chính và minh bạch (ITA), đánh giá tính liêm chính, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan Chính phủ cũng được sử dụng như một công cụ đánh giá tích cực, là biện pháp ngăn ngừa tham nhũng và là cơ chế nâng cao nhận thức cho công chức làm việc tại các cơ quan Chính phủ nhằm hoạt động minh bạch và liêm chính.

Về lĩnh vực kinh doanh tư nhân, NACC khuyến khích các doanh nghiệp tham gia Cơ quan Hành động tập thể chống tham nhũng của khu vực tư nhân Thái Lan (CAC) và tham gia giám sát hiệu quả hoạt động của khu vực công.
Hoài Phương