Việc nối lại cuộc đối thoại cấp cao, được đánh dấu bằng một cuộc điện thoại tuần trước giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình, xảy ra trước một cuộc họp giữa hai nước dự kiến sẽ diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina bắt đầu vào cuối tháng 11.

Cuộc họp này diễn ra sau tranh chấp thương mại kéo dài giữa hai bên, sau các cáo buộc của Hoa Kỳ về sự can thiệp chính trị của Trung Quốc, vấn đề Biển Đông đầy tranh cãi và vấn đề Đài Loan tự trị.

Trung Quốc và Hoa Kỳ đã mô tả cả hai cuộc gọi điện thoại tuần trước giữa ông Tập và ông Trump là mang tính tích cực. 

Tổng thống Trump dự đoán ông có thể thỏa thuận với Trung Quốc về thương mại.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, thành viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa sẽ tham gia các cuộc đàm phán ngoại giao và an ninh vào cuối tuần này tại Washington.

Trung Quốc cho biết tháng trước hai bên đã đồng ý "về nguyên tắc" để tổ chức vòng đàm phán an ninh ngoại giao lần thứ hai vào tháng 10 nhưng họ đã hoãn lại yêu cầu của Washington trong bối cảnh căng thẳng gia tăng đối trong vấn đề thương mại, Đài Loan và Biển Đông.

Bộ trưởng Jim Mattis đã có kế hoạch đàm phán đàm phán với ông Ngụy ở Bắc Kinh vào tháng 10, nhưng những kế hoạch đó đã bị đảo lộn sau khi Washington áp đặt các lệnh trừng phạt lên Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vì đã mua vũ khí từ Nga.

Bộ trưởng Jim Mattis đã gặp ông Ngụy ở Singapore vào ngày 18 tháng 10 và nói với ông Ngụy rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cần phải tăng cường các mối quan hệ cấp cao để giảm nguy cơ xung đột.

Phát biểu tại Singapore hôm thứ ba, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, người thân cận với ông Tập, nhắc lại sự sẵn sàng của Trung Quốc trong việc tổ chức các cuộc thảo luận và làm việc với Hoa Kỳ để giải quyết các tranh chấp thương mại khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đứng trước nguy cơ gánh chịu những hậu quả nặng nề do đối đầu với nhau.

“Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đều muốn thấy sự hợp tác kinh tế và thương mại sâu rộng hơn”, ông Vương nói với Diễn đàn Kinh tế Mới Bloomberg ở Singapore.

"Phía Trung Quốc sẵn sàng thảo luận với Hoa Kỳ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm và cùng đưa ra một giải pháp về thương mại mà cả hai bên có thể chấp nhận được”, ông nói.

"Thế giới ngày nay phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ," Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn nói.

Ông Vương đã lặp lại những bình luận của ông Tập hôm thứ Hai tại một hội chợ nhập khẩu lớn ở Thượng Hải rằng Bắc Kinh sẽ trở nên cởi mở hơn.

Ông Trump đã chỉ trích Trung Quốc về hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ, về các rào cản đối với doanh nghiệp của Hoa Kỳ muốn thâm nhập vào thị trường Trung Quốc và về thâm hụt thương mại khổng lồ, mà dữ liệu của Mỹ cho thấy đạt kỷ lục 40,2 tỷ đô la trong tháng Chín.

Cuộc chiến tranh thương mại, nơi cả hai bên áp đặt các loại thuế quan khác nhau lên lượng hàng nhập khẩu trị giá hàng tỷ đô la của bên còn lại, đang bắt đầu làm tổn hại nền kinh tế của Trung Quốc và đã có những tác động vô cùng tiêu cực đối với cổ phiếu Trung Quốc và đồng tiền nhân dân tệ.

Việc này cũng đã khiến việc Trung Quốc mua đậu nành của Mỹ trở nên đình trệ thật sự. Đậu nành là mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng nhất của Mỹ sang Trung Quốc.

Jim Sutter, Giám đốc Điều hành Hội đồng Xuất khẩu đậu nành Hoa Kỳ, nói với Reuters bên lề hội chợ nhập khẩu Thượng Hải rằng cả hai nước đều hiểu sự cần thiết phải duy trì mối quan hệ của họ.

“Tôi nghĩ rằng cả hai bên đều lạc quan... lạc quan hơn sau khi cuộc gọi tuần trước diễn ra, rằng hai bên sẽ đưa ra được một số giải pháp”, ông cho biết.

Trần Minh Tuấn (Theo Reuters)