Những thỏa thuận “ngầm”, các chiến dịch bí mật đã là câu chuyện của quá khứ, từ trước khi có các lệnh cấm hút thuốc trong nhà và những cảnh báo về sức khỏe in trên vỏ bao thuốc lá.

Các cuộc điều tra mới đây của Dự án Báo chí về Tội phạm có tổ chức và Tham nhũng (OCCRP) đã phát hiện ra một số cách thức bí mật mà những người hoạt động trong ngành công nghiệp thuốc lá đã và đang làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu để kiềm chế buôn lậu thuốc lá.

Ở Italy, một nhà sản xuất thuốc lá lớn bị buộc tội hối lộ các quan chức hải quan để đổi lấy thông tin được giữ kín.

Ở Pakistan, ngành công nghiệp thuốc lá bị cáo buộc đã thao túng quy trình đấu thầu để trao hợp đồng thuốc lá bất hợp pháp cho công ty mà họ ưu tiên.

Tại EU, ngành công nghiệp thuốc lá đã nắm bắt được kẽ hở trong quy trình pháp lý để có được lợi thế cho riêng mình, khiến cho hiệu quả giải quyết việc buôn bán bất hợp pháp trở nên không khả thi.

Cái giá thực sự của thuốc lá giá rẻ

Hàng năm, các bệnh liên quan đến thuốc lá giết chết 8 triệu người trên khắp thế giới.

Việc buôn bán thuốc lá bất hợp pháp là một phần quan trọng của vấn đề. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc lá lậu góp phần làm gia tăng tỷ lệ nghiện, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp hơn, từ đó dẫn tới làm gia tăng các bệnh tật do thuốc lá và làm suy yếu các chính sách kiểm soát thuốc lá.

Thị trường thuốc lá “đen” cũng tước đi doanh thu thuế ước tính 40 tỷ USD mỗi năm. Số tiền đáng lẽ được chảy vào các quỹ chăm sóc sức khỏe để ngăn ngừa tử vong do nghiện thuốc lá.

Trong khi vấn đề nêu trên được công nhận rộng rãi, các cuộc điều tra mới của OCCRP cho thấy tồn tại lợi ích cá nhân gây cản trở các biện pháp hiệu quả để chống lại việc buôn lậu thuốc lá.

Buôn lậu sản phẩm của chính mình

Quay trở lại những năm 1990, các nhà sản xuất thuốc lá lớn đã bị vạch trần việc kinh doanh các sản phẩm của chính họ trên thị trường chợ đen.

Sau khi EU tiến hành các cuộc điều tra và những thủ tục pháp lý từ năm 2004 đến 2010, 4 công ty thuốc lá lớn là Philip Morris International, British American Tobacco, Japan Tobacco International và Imperial Tobacco đã đạt được thỏa thuận với EU.

Trong đó, tại thỏa thuận trị giá 1,25 tỷ USD, Philip Morris đã đồng ý phát triển và thiết lập một hệ thống chống buôn lậu mới để cung cấp sự minh bạch trong chuỗi cung ứng của mình.

Phần mềm kết quả hiện là một tiêu chuẩn công nghiệp và được sử dụng ở hơn 100 quốc gia. Nhưng nó đã bị các chuyên gia và chính quyền quốc gia chỉ trích là “vô dụng”, thiếu hiệu quả vì thiếu độc lập với chính ngành công nghiệp.

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu của Đại học Bath (Anh) đã ước tính, khoảng 60-70% số thuốc lá lậu là sản phẩm của chính ngành công nghiệp thuốc lá.

“Lobby” bí mật và những khoản tiền lớn

Ngành công nghiệp thuốc lá có bề dày lịch sử về sử dụng các chiêu thức bí mật để gây ảnh hưởng tới các nhà hoạch định EU.

Tại nhiều quốc gia, vận động hành lang (lobby) được cho là hoạt động bình thường. Nhưng vấn đề ở chỗ, hoạt động này có công khai, minh bạch hay không.

Năm 2012, Ủy viên Ủy ban Chính sách Sức khỏe và Người tiêu dùng EU đã từ chức sau một cuộc điều tra cấp cao của OLAF (Văn phòng Chống gian lận của EU) liên quan đến những giao dịch với các nhà vận động hành lang ngành công nghiệp thuốc lá.

Năm 2015, dù thời điểm này EU đã tiến hành cải cách minh bạch trong vận động hành lang, cuộc điều tra của Cơ quan Thanh tra của EU (Ombudsman) đã chỉ ra rằng, ngoại trừ Tổng Giám đốc về Y tế và An toàn thực phẩm, các quan chức của Ủy ban châu Âu đều không công khai về sự tiếp xúc với các nhà vận động hành lang của ngành công nghiệp thuốc lá.

Và Ủy ban châu Âu đã không hành động theo các khuyến nghị của Ombudsman về công khai, minh bạch.

Cơ quan Giám sát Liêm chính của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại EU chỉ ra rằng, từ năm 2014 đến 2018, chỉ có 13 cuộc gặp gỡ vận động hành lang liên quan đến thuốc lá với các đại diện Ủy ban châu Âu được khai báo trong Sổ đăng ký Minh bạch. 10 trong số đó là gặp gỡ với các đại diện của ngành hoặc các chuyên gia tư vấn được họ thuê; 3 cuộc còn lại là gặp những người ủng hộ việc siết chặt các quy định về thuốc lá.

Việc minh bạch đầy đủ các thông tin vận động hành lang của các ngành công nghiệp như thuốc lá là đặc biệt quan trọng. Bởi, các khoản tiền lớn sử dụng cho việc “lobby” khiến cho ngành công nghiệp có những bước đi không đồng đều, trong đó các bên liên quan khác kêu gọi sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với thuốc lá trở thành “đối thủ” không cân sức.

Tính riêng năm 2013, Philip Morris International báo cáo, đã chi gần 7 tỷ USD để “lobby” các thành viên của Nghị viện châu Âu khi cơ quan này tiến hành cân nhắc về Chỉ dẫn sản phẩm thuốc lá của EU.

Còn thông tin được cung cấp bởi các nhóm vận động hành lang thông qua Sổ Đăng ký Minh bạch của EU (được công khai với Cơ quan Giám sát Liêm chính) cho thấy, năm 2018, các tổ chức thuốc lá đã sử dụng ít nhất 4 triệu Euro cho hoạt động “lobby” với Ủy ban, trong đó 2,25-2,5 triệu Euro là của British American Tobacco.

Theo TI, EU cần thực sự quan tâm tới minh bạch trong nền công nghiệp thuốc lá.

Hút thuốc lá đã gây nên cái chết của 700 nghìn người ở EU mỗi năm và khiến EU mất 11 tỷ USD từ doanh thu thuế do buôn bán thuốc lá lậu.

Dù tỷ lệ hút thuốc giảm ở châu Âu và ngành công nghiệp thuốc lá đang dành sự chú ý đến các thị trường mới nổi. Nhưng, EU lại là mục tiêu có giá trị cao của các tập đoàn đa quốc gia muốn đặt ra quy định mang tính toàn cầu về một tiến trình phù hợp với lợi ích của họ, theo nhận định của Vitor Teixeira, người phụ trách chính sách của TI.

Trong khi đó, Chính phủ các nước châu Á và châu Phi được cho là đã lên kế hoạch sao chép lại cơ chế còn thiếu sót của EU để áp dụng ở trong đất nước họ, sau khi có các vụ vận động hành lang từ các công ty thuốc lá!

Tác hại của buôn lậu thuốc lá, sự thiếu minh bạch trong vận động chính sách gióng lên hồi chuông cảnh báo ở tất cả các quốc gia nơi có cơ chế theo dõi và kiểm soát không hiệu quả. Theo TI, cần thiết phải có những cải cách lớn để bảo đảm các quy định chính sách và quá trình lãnh đạo không bị ảnh hưởng không đáng có bởi lợi ích cá nhân của các nhóm quyền lực.

Hoài Phương