Biểu tình leo thang, quan ngại về một “Mùa Thu Arab”

Một “Mùa Thu Arab” được tạo hình hài có nguyên nhân bắt nguồn từ việc tăng giá các dịch vụ giao thông công cộng cho tới đề xuất tăng thuế, cắt giảm trợ cấp, thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng... Và, người dân đã mất kiên nhẫn với Chính phủ của mình khi đã không đáp ứng được những yêu cầu về quyền dân chủ được đưa ra trong “Mùa Xuân Arab” của 10 năm trước. Tham nhũng trong Chính phủ, kiểm soát Nhà nước mang tính áp bức và xem nhẹ nhân quyền khiến người dân không thể chịu đựng thêm bất kỳ biện pháp thắt lưng buộc bụng nào nữa.

Ở Lebanon, khoản thuế 6USD/tháng cho ứng dụng “Whatsapp” được cho là “giọt nước tràn ly” dẫn tới các cuộc biểu tình từ ngày 17/10. Biểu tình tiếp tục gia tăng khi người dân phẫn nộ vì tham nhũng và những sai lầm trong quản lý Nhà nước, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống người dân. Ngày 29/10, sau 13 ngày người dân Lebanon chờ đợi một giải pháp, Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri đã đệ đơn từ chức với lý do, hết khả năng giải quyết được cuộc biểu tình quy mô lớn chống lại nhà cầm quyền và đẩy đất nước vào hỗn loạn.

Tại Iraq, trong bối cảnh tỷ lệ thanh niên Iraq thất nghiệp cao và những nỗ lực cải cách được đánh giá là “mỏng manh như tờ giấy”, hàng nghìn người dân Iraq (chủ yếu là trẻ tuổi) đã xuống đường từ ngày 1/10 yêu cầu chính quyền cải cách kinh tế, tạo việc làm, cải thiện dịch vụ công cơ bản như điện, nước và chấm dứt tình trạng tham nhũng.

Tại Ai Cập, từ 20/9, hàng nghìn người dân đã xuống đường ở nhiều tỉnh thành và trung tâm Thủ đô Cairo bày tỏ mong muốn chính quyền có những thay đổi để có cuộc sống tốt hơn. Tham nhũng trong quân đội và vai trò của quân đội trong nền kinh tế đất nước là một nguyên nhân chính của sự giận dữ đã dấy lên cuộc biểu tình. Gần 1/3 người Ai Cập đang sống dưới mức nghèo khổ (dưới 1,4 đô la một ngày).

Còn tại Algeria, các cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra hồi đầu năm 2019 đã khiến Tổng thống Abdelaziz Bouteflika phải từ chức.

Mùa hè năm nay, các cuộc biểu tình cũng đã đã lật đổ thành công Chính phủ Sudan. Sudan chỉ đạt 16/100 điểm CPI, nằm trong top những quốc gia tham nhũng nhất theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI).

Câu hỏi đặt ra là liệu các nhà lãnh đạo có thực sự lắng nghe những yêu cầu của công dân hay không? Những cải cách hời hợt sẽ không làm hài lòng những công dân mệt mỏi vì hàng chục năm vẫn duy trì sự miễn trừ đối với các nhà lãnh đạo, và rất có thể sẽ chỉ là sự trì hoãn của cơn giận dữ tiếp theo!

Tổ chức Minh bạch Quốc tế nhấn mạnh xu hướng: “Xuất khẩu tham nhũng”, “Tham nhũng giới tính”, “Gia đình trị” 

Năm 2019, TI lần đầu tiên công bố Phong vũ biểu Tham nhũng (GCB) dưới dạng một “seri” báo cáo nghiên cứu điều tra, gồm: GCB khu vực châu Phi (công bố tháng 7), GCB khu vực Mỹ Latin và vùng Caribbean (tháng 9), GCB khu vực Trung Đông và Bắc Phi (tháng 12). Qua đó, TI chỉ ra các xu hướng tội phạm tham nhũng hiện nay của các khu vực, lần lượt là: Xuất khẩu tham nhũng, Tham nhũng giới tính, và Gia đình trị.

Tại châu Phi, TI nhấn mạnh, Chính phủ các quốc gia không phải những người duy nhất không làm tròn trách nhiệm với công dân trong cuộc chiến chống tham nhũng, mà các tác nhân nước ngoài (như các công ty và các trung tâm tài chính nước ngoài) đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và duy trì tham nhũng, phá vỡ sự phát triển bền vững của khu vực.

Một cách quá thường xuyên, các công ty thương mại toàn cầu cũng dùng lá bài hối lộ để có được giao dịch với các quan chức Nhà nước và Chính phủ, giành được quyền khai thác khoáng sản, hợp đồng cho các dự án xây dựng lớn... Những chính trị gia ở các nước châu Phi giàu tài nguyên, khoáng sản thường trở thành mục tiêu của các hoạt động kinh doanh tham nhũng như vậy.

Báo cáo của TI đã chỉ ra, chỉ có 11 quốc gia xuất khẩu lớn (chiếm khoảng 1/3 xuất khẩu thế giới) tích cực hoặc hành động vừa phải để thực thi pháp luật về chống lại các công ty có hành vi hối lộ ở nước ngoài, trong đó có châu Phi. Số còn lại thất bại trong điều tra và xử phạt thỏa đáng các công ty thực hiện hối lộ ở nước ngoài.

Tại Mỹ Latin và vùng Caribbean, TI kêu gọi các quốc gia, khu vực và tổ chức đa phương ưu tiên phát triển một chiến lược khu vực mang tính nhất thể hóa nhằm giải quyết triệt để các hình thức tham nhũng giới tính.

GCB - khu vực Mỹ Latin và vùng Caribbean

 

Lần đầu tiên, GCB nhấn mạnh các dữ liệu về “tống tình”, “hối lộ tình dục” - một trong những hình thức tham nhũng giới tính đáng chú ý nhất.

Là người chăm sóc chính cho gia đình, phụ nữ thường phải dựa vào các dịch vụ công. Điều này cũng khiến họ dễ bị tổn thương hơn khi phải đối mặt với một số hình thức hối lộ để có được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục... Và, đáng quan ngại khi chỉ 1/10 phụ nữ phải đưa hối lộ trong 12 tháng (thực hiện khảo sát) đã tố cáo việc này lên các nhà chức trách.

GCB - khu vực Mỹ Latin và vùng Caribbean cũng cho thấy, trong 18 quốc gia được khảo sát, cứ 5 người thì có 1 người bị tống tình hoặc biết ai đó bị yêu cầu hối lộ tình dục khi tiếp cận các dịch vụ công. 70% số người được hỏi nghĩ rằng, việc tống tình đôi khi xảy ra. Chỉ 8% cho rằng, nó không bao giờ xảy ra.

Tiến hành khảo sát tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, TI chỉ ra rằng, những liên kết cá nhân, những mối quan hệ thân quen đã và đang được sử dụng như chìa khóa để mở cánh cửa các dịch vụ công. Đó không phải là một hình thức giúp đỡ hay hỗ trợ, mà đó là tham nhũng.

GCB 2019 - khu vực Trung Đông và Bắc Phi

 

Ở nhiều quốc gia Arab, việc sử dụng những liên kết cá nhân, hay “wasta” (tiếng Arab, có nghĩa là chủ nghĩa gia đình trị), đã trở thành thông lệ, một quy tắc xã hội.

Tại đó, người ta sử dụng các mối quan hệ gia đình hoặc xã hội để bỏ qua những quy định, “đi tắt”, để tiếp cận nhanh hơn và tốt hơn đến các trường phổ thông, đại học, bệnh viện hoặc công việc, cũng như “tăng tốc” trong quy trình thực hiện các thủ tục giấy tờ của Chính phủ như gia hạn ID (chứng minh thư) hoặc giấy khai sinh…

“Lối tắt” ngắn ra sao với chất lượng dịch vụ tốt thế nào phụ thuộc vào mối quan hệ thân thiết đến đâu, người được “nhờ vả” ở vị trí cao như thế nào.

Ở nhiều quốc gia Arab, việc sử dụng những liên kết cá nhân, hay “wasta”, đã trở thành thông lệ, một quy tắc xã hội

 

GCB 2019 - khu vực Trung Đông và Bắc Phi chỉ ra, khoảng 1/3 dân số khu vực đã sử dụng kết nối cá nhân để nhận các dịch vụ cơ bản. Lebanon có tỷ lệ “wasta” cao nhất, ở mức 54%. Tiếp theo là Palestine (39%) và Jordan (25%).

Theo TI, tỷ lệ hối lộ và “wasta” thường đi đôi với nhau. Gần 1/2 số người đã sử dụng mối quan hệ cá nhân cũng phải đưa hối lộ.

Liên kết cá nhân, các quan hệ “ngầm” đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với công bằng kinh tế, xã hội, các quyền cơ bản của con người và các quy định pháp luật. Khi bằng cấp, kỹ năng, kinh nghiệm không còn là chính yếu bên cạnh các kết nối xã hội không chính thức, tương lai của khu vực sẽ đi về đâu? Khi TI thực hiện hỏi nhóm người trẻ tuổi rằng, để xin được việc làm, có cần thiết phải quen biết ai đó ở vị trí cao hay không, thì hơn 60% trả lời rằng, đây là yếu tố quan trọng.

Chủ đề của Ngày Quốc tế Chống tham nhũng 2019: Hành động chống tham nhũng và biến đổi khí hậu

Thế giới chưa bao giờ chứng kiến những tác động nghiêm trọng của tình trạng ấm lên toàn cầu một cách rõ ràng như hiện nay. Hậu quả của biến đổi khí hậu không chỉ đơn thuần là một vấn đề dài hạn mà đã trở thành cuộc khủng hoảng toàn cầu. Nếu tiếp tục chậm trễ, con người sẽ phải trả giá nặng nề cho sự thờ ơ với chính bầu khí quyển đang nuôi sống nhân loại. Đáng nói, chúng ta không thể giải quyết biến đổi khí hậu mà bỏ qua giải quyết vấn nạn tham nhũng.

Chủ đề hành động của Ngày Quốc tế Chống tham nhũng (9/12) năm nay nhấn mạnh về mối quan hệ mật thiết giữa khí hậu và tham nhũng. Theo TI, giải quyết biến đổi khí hậu là có thể, nhưng lợi ích kinh tế và thiếu ý chí chính trị đang cản trở các nỗ lực.

Các quỹ quốc tế tài trợ cho những biện pháp thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu dự kiến đạt mức hơn 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020, cùng với đó là hơn 600 tỷ USD mỗi năm được chi từ ngân sách quốc gia để ứng phó với biến đổi khí hậu... đều đang đứng trước nguy cơ bị mất do tham nhũng ở chính những vùng đất đang cần tới chúng nhất.

Các quốc gia bị tổn thương đặc biệt trước những tác động của biến đổi khí hậu lại thường có mức độ tham nhũng khu vực công cao hơn. Thay vì cải thiện cuộc sống của người dân, các quỹ khí hậu có thể bị chảy vào các tài khoản cá nhân hoặc chi phung phí vào các dự án phù phiếm mang lại lợi ích cho số ít chứ không phải cho đa số người dân.

Ảnh minh họa
 

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng, 20 - 40% nguồn tài chính của ngành Nước bị mất do các hành vi tham nhũng. Tỷ lệ tương tự đối với các ngành: Vận tải và Năng lượng. Trong một số lĩnh vực, vấn đề này trở nên trầm trọng hơn bởi các hoạt động tội phạm. Đơn cử, từ 15 - 30% hoạt động khai thác gỗ trên toàn cầu là bất hợp pháp. Ở các quốc gia sản xuất gỗ lớn, tỷ lệ này có thể lên tới 50 - 90% trên tổng khối lượng của ngành lâm nghiệp.

Một vấn đề nhức nhối là khi tội phạm tham nhũng mạnh lên và luật pháp yếu đi, những người đứng lên chống lại tội phạm tham nhũng đang mạo hiểm chính mạng sống của họ. Tỷ lệ tử vong trong những nhà hoạt động môi trường đang gia tăng trong 15 năm qua. Kể từ năm 2002, hơn 1.500 người, gồm: Nông dân, các nhân viên thuộc tổ chức phi Chính phủ (NGO), luật sư và nhà báo đã bị giết vì bảo vệ môi trường và đất đai của họ.

Khi những nguy hiểm hiện hữu, sẽ khó khăn trong việc đấu tranh và lên tiếng chống tham nhũng.

Không quá muộn để giải quyết khủng hoảng về khí hậu. Nhưng điều đó chỉ có thể nếu chúng ta bảo vệ thành công các quỹ cho công tác khí hậu, tránh khỏi tham nhũng và bảo đảm các chính sách khí hậu được hoàn toàn thực hiện phục vụ lợi ích của tất cả mọi người và hành tinh.

Cuộc chiến chống quyền miễn trừ diễn ra căng thẳng

Quyền miễn trừ, “vùng cấm” luôn là nỗi nhức nhối của cuộc chiến chống tham nhũng. Quyền miễn trừ chẳng khác nào tấm kim bài để tham nhũng khủng lọt qua, phá hủy công bằng xã hội, xói mòn niềm tin của người dân. Chống quyền miễn trừ luôn là cuộc chiến cam go được đặt lên hàng đầu trong các nỗ lực xóa bỏ tham nhũng.

Năm 2019 cuộc chiến chống quyền miễn trừ tiếp tục diễn ra đầy kịch tính.

Ngay từ những ngày đầu tháng 1 năm 2019, Liên hợp quốc và Guatemala đã sống trong bầu không khí căng thẳng liên quan thỏa thuận điều tra tham nhũng. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phản đối quyết định của Guatemala đơn phương chấm dứt thỏa thuận với Liên hợp quốc về hoạt động của Ủy ban quốc tế Chống quyền miễn trừ tại Guatemala (CICIG).

Người dân Guatemala lo lắng về quyền miễn trừ sau khi CICIG bị ngừng hoạt động

 

Trong thông cáo, Liên hợp quốc hy vọng Chính phủ Guatemala sẽ thực hiện triệt để những điều khoản pháp luật được quy định trong thỏa thuận và tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế bảo đảm an ninh cho nhân viên CICIG, bất kể họ là người nước ngoài hay bản địa.

CICIG được thành lập năm 2006 theo đề nghị của Guatemala, với thời hạn hoạt động dự kiến kết thúc ngày 3/9/2019. Đây từng được coi là sáng kiến đột phá nhằm tăng cường nền pháp trị tại quốc gia này.

Một vài tín hiệu đáng khích lệ trong cuộc chiến chống quyền miễn trừ, ngày 27/3, Thượng viện Mexico đã thông qua cải cách Hiến pháp theo đề xuất của Tổng thống Andrés Manuel López Obrador, qua đó loại bỏ quyền miễn trừ và tạo cơ sở pháp lý để đưa người đứng đầu Chính phủ ra xét xử trong trường hợp tham nhũng và xảy ra các gian lận bầu cử. Những cải cách trên đã loại bỏ thêm quyền miễn trừ đối với Tổng thống mà trước đó chỉ có thể được đưa ra xét xử do tội phản quốc và một số tội nghiêm trọng theo luật pháp hiện hành.

Ngày 27/6, với đa số phiếu thuận, Quốc hội Kyrgyzstan cũng đã thông qua nghị quyết tước quyền miễn trừ đối với cựu Tổng thống Almazbek Atambayev. Sau khi nghị quyết này được thông qua, ngày 9/8, cựu Tổng thống Almazbek Atambayev bị bắt giữ và khởi tố tội tham nhũng. Trước đó, đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật Kyrgyzstan nhiều lần tuyên bố có một số vụ án hình sự đối với cựu Tổng thống Atambayev, tuy nhiên không thể tiến hành điều tra vì ông Atambayev được hưởng quyền miễn trừ.

Tổng thống Sudan al-Bashir bị lật đổ sau 30 năm cầm quyền, ngồi tù vì tham nhũng

Cựu Tổng thống Sudan Omar al-Bashir ngày 14/12 đã bị kết án 2 năm tù giam vì tội danh tham nhũng tại vụ xử đầu tiên. Ông al-Bashir bị cáo buộc đã nhận hàng triệu USD của Saudi Arabia.

Ông Omar al-Bashir, 75 tuổi, người đã lãnh đạo Sudan trong 30 năm, đã bị buộc phải từ bỏ quyền lực vào ngày 11/4 sau nhiều tháng người dân biểu tình chống chế độ. Hội đồng quân sự chuyển tiếp tại Sudan khi đó đã thu giữ số tiền trị giá hơn 113 triệu USD, gồm 7 triệu EUR, 350.000 USD và 5 tỷ bảng Sudan, tương đương 105 triệu USD, tại tư dinh của ông al-Bashir.

Tổng thống Sudan al-Bashir bị lật đổ

 

Sự kiện ông Omar al-Bashir bị lật đổ, dẫn tới cuộc chuyển giao quyền lực là một chấn động mạnh đối với Sudan. Ngày 5/9, Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok đã chính thức công bố Nội các đầu tiên. Đây được đánh giá là bước tiến lớn trong giai đoạn chuyển đổi đầy khó khăn của đất nước mới sang chế độ dân chủ sau nhiều thập kỷ.

Nội các mới gồm 18 thành viên, trong đó có 4 nữ giới, bao gồm cả nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Sudan là bà Asma Mohamed Abdalla. Thủ tướng Hamdok khẳng định, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ chuyển tiếp là chấm dứt chiến tranh và xây dựng hòa bình bền vững. Bên cạnh đó, Chính phủ của ông Hamdok cũng cam kết đấu tranh phòng, chống tham nhũng và thay đổi nhà nước Hồi giáo bảo thủ được hình thành sau 30 năm cầm quyền của Tổng thống al-Bashir.

Nhiều lãnh đạo Chính phủ từ chức

Thế giới năm qua chứng kiến nhiều sự đi xuống của các nhà đương kim lãnh đạo Chính phủ, do dính bê bối tham nhũng và áp lực từ những người biểu tình phản đối tham nhũng trong Chính phủ.

Đầu tháng 12 này, Thủ tướng Malta Joseph Muscat đã ra tuyên bố về kế hoạch từ chức.

Thủ tướng Malta Joseph Muscat

 

Trước áp lực của rất nhiều người dân tập trung biểu tình, yêu cầu ông Muscat phải từ chức do những cáo buộc có liên quan đến tiến trình điều tra vụ nhà báo điều tra chống tham nhũng Daphne Caruana Galizia bị sát hại hồi năm 2017, ông Muscat  thừa nhận trách nhiệm phải đưa ra ánh sáng những người đứng sau cái chết của nhà báo Daphne ngay từ đầu. Ông cũng nói rằng, bản thân đã có thể lựa chọn cách làm tốt hơn.

Tại Iraq, ngày 1/12, Quốc hội cũng đã thông qua đơn từ chức của Nội các do Thủ tướng Adel Abdul Mahdi đứng đầu, trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống Chính phủ nổ ra trên cả nước.

Hồi cuối tháng 10, Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri cũng tuyên bố sẽ từ chức. Động thái này diễn ra sau 2 tuần biểu tình chống Chính phủ khiến Lebanon tê liệt.

Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri

 

Bê bối tham nhũng đang đè nặng lên Thủ tướng Israel cũng là nguyên nhân khiến ông Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ rời khỏi tất cả các chức vụ Bộ trưởng mà ông đang kiêm nhiệm (gồm các vị trí: Bộ trưởng Nông nghiệp, Bộ trưởng phụ trách vấn đề người Do Thái sống ở nước ngoài, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi) từ ngày 1/1/2020, nhưng vẫn duy trì cương vị Thủ tướng Israel.

Đương kim Thủ tướng Netanyahu bị cáo buộc về các hành vi hối lộ, lừa đảo và vi phạm lòng tin trong 3 vụ tham nhũng khác nhau. Luật pháp Israel quy định rằng các bộ trưởng đối mặt với cáo buộc hình sự phải từ chức, song không có quy định như vậy đối với các thủ tướng.

Tại Peru, trong bối cảnh Tổng thống Martin Vizcarra đối mặt với kêu gọi cải tổ Chính phủ và khôi phục tỷ lệ ủng hộ đang giảm sút, ngày 8/3, Thủ tướng Cesar Villanueva đã phải từ chức.

Thủ tướng Peru Cesar Villanueva

 

Đầu tháng 4, tại Algeria, Tổng thống Abdelaziz Bouteflika đã từ chức sau 20 năm cầm quyền, dưới sức ép của các cuộc biểu tình rầm rộ, giữa bối cảnh các cuộc bắt giữ, điều tra nhiều doanh nhân, trong đó có người thân cận của ông Bouteflika, về các cáo buộc tham nhũng, chuyển tiền bất hợp pháp. 

Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika

 

Ông Abdelaziz Bouteflika thừa nhận, một số hành động của ông với tư cách Tổng thống Algeria đã không thành công, ông mong đợi sự tha thứ từ người dân trong nước. Tuy nhiên, người biểu tình cho rằng chưa đủ, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn ở Algeria dù Tổng thống đã từ chức.

Hoài Phương