Sáng ngày 1/10, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với 10 bộ, cơ quan về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật (nợ đọng) và có hiệu lực pháp luật từ 1/1/2021; tình hình xây dựng, trình các đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng 9 tháng đầu năm 2020.

Dự buổi làm việc có đại diện các bộ, cơ quan: Công an; Quốc phòng; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Xây dựng; Nội vụ; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Lao động, Thương binh và Xã hội; Thanh tra Chính phủ.

Nợ đọng văn bản, đề án còn rất nhiều

Mở đầu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, dù rất quyết liệt, nhưng tình hình nợ đọng văn bản vẫn còn rất nhiều.

Theo báo cáo, đến nay còn nợ đọng 18 văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật, thuộc trách nhiệm của các bộ, cơ quan: Tài chính, Công an, Nội vụ, Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Chính phủ.

Bộ trưởng Dũng cho hay, trong 18 văn bản nợ đọng, có 3 văn bản có lý do khách quan vì quy định vấn đề rất mới, cần xin ý kiến các cơ quan chức năng một cách cẩn trọng, 15 văn bản còn lại chủ yếu chậm do chủ quan.

Cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo còn chưa tích cực, chậm tiếp thu hoặc tiếp thu không đầy đủ ý kiến các thành viên Chính phủ nên “phải trả đi trả lại, gửi đi gửi lại”. Còn cơ quan có trách nhiệm phối hợp, tham gia ý kiến trả lời thì chậm trễ, chưa đúng hạn.

Không chỉ nợ đọng, các bộ còn phải trình 47 văn bản quy định chi tiết các luật có hiệu lực từ 1/1/2021, thuộc trách nhiệm của các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Nội vụ, Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường.

“Như vậy, còn 65 văn bản chưa trình, nếu không đẩy nhanh, không tích cực, không quyết liệt thì số văn bản nợ đọng gia tăng rất lớn”, đại diện tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ nói.

Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, các bộ, cơ quan còn phải trình 191 đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nhấn mạnh khối lượng công việc từ nay đến cuối năm còn rất lớn, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ, cơ quan, báo cáo cụ thể tiến độ xây dựng các văn bản, đề án phải trình.

Ban Bí thư đã cho ý kiến về nghị định kiểm soát tài sản, thu nhập

Tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Ngô Mạnh Hùng cho biết, Cơ quan Thanh tra Chính phủ đang nợ đọng 1 nghị định, 2 đề án.

leftcenterrightdel
 Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng Ngô Mạnh Hùng. Ảnh: TN
 

Theo ông Hùng, Nghị định Quy định chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập khá chậm do có vướng mắc. Thanh tra Chính phủ đã trình Chính phủ dự thảo nghị định, nhưng Thủ tướng thấy cần xin ý kiến của Ban Bí thư một số nội dung. Sau khi có ý kiến của Ban Bí thư, Thanh tra Chính phủ đã trình lại, hiện đang lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ.

“Sau khi có ý kiến của các thành viên Chính phủ, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện nhanh nhất để trình Chính phủ ban hành trước ngày 20/10 - ngày dự kiến Quốc hội khai mạc kỳ họp 10”, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng cho biết.

Tương tự, Đề án Về xây dựng Cơ sở Dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập chậm cũng có nguyên nhân. Cũng theo ông Hùng, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo và Thủ tướng đã đồng ý cho lùi đề án này 3 tháng sau khi ban hành nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập.

“Dự kiến trong tháng 10 sẽ ban hành nghị định thì đề án đó sẽ trình vào đầu năm  2021”, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng nói và thông tin, Đề án Nâng cao năng lực hiệu quả thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp Nhà nước cơ bản đã xong, chậm nhất tuần sau sẽ ban hành.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Nghị định Kiểm soát tài sản, thu nhập phải ban hành từ năm 2019, nhưng đây là lĩnh vực mới. Vừa qua đã lấy ý kiến thành viên Chính phủ cơ bản rồi. Đề nghị Thanh tra Chính phủ phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ để trình Chính phủ ban hành trước khi Quốc hội khai mạc kỳ họp 10. 

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ, “với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu các cơ quan tập trung xử lý, không để nợ đọng văn bản quy định chi tiết trước khi diễn ra Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội”. Ảnh: Hương Giang 
 

Không để “văn bản chồng chất lên văn bản”

Liên quan đến lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho hay, Bộ đăng ký trình 15 nghị định hướng dẫn chi tiết Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đến nay, đã trình 2 nghị định, xin lùi thời gian trình 2 nghị định đến sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Số văn bản còn lại Bộ cam kết sẽ trình trước ngày 15/10.

Nhận định việc ban hành tới 15 nghị định để hướng dẫn Bộ luật Lao động (sửa đổi) là quá nhiều, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần gom lại, giảm bớt số lượng nghị định, nhiều nhất là 3 nghị định.

“Đã có nghị quyết của Chính phủ, một văn bản sửa nhiều văn bản, dứt khoát phải gom lại. Giờ ban hành nhiều thế này không được, một đất nước mà văn bản chồng chất, ngay bản thân chúng ta cũng không nhớ hết các văn bản, rất khổ”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, “với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu các cơ quan tập trung xử lý, không để nợ đọng văn bản quy định chi tiết trước khi diễn ra Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội”.

Theo đó, chậm nhất 15/10, các bộ, cơ quan hoàn thành 18 văn bản nợ đọng không để ảnh hưởng đến kết quả chung của nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV. Còn 47 văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh có hiệu lực từ 1/1/2021 thì thời gian trình chậm nhất là 15/11/2020.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 dự kiến diễn ra vào ngày 2/10, tổ công tác sẽ báo cáo công khai tình hình nợ đọng văn bản. Văn phòng Chính phủ cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Hương Giang