Xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Những năm qua tình hình tham nhũng, tiêu cực ở nước ta diễn ra rất phức tạp, tham nhũng có dấu hiệu gia tăng về số lượng; quy mô lớn, tính chất phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi, diễn ra khá phổ biến ở các cấp, các lĩnh vực. Thực trạng tham nhũng đã gây nên nhiều bức xúc trong xã hội.

Tham nhũng thường xảy ra trong công tác quản lý tài nguyên, đất đai, ngân hàng, tài chính, phát triển dự án xây dựng đô thị, giao thông, công nghiệp, mua sắm tài sản công… có tổ chức chặt chẽ và hình thành đường dây, kéo dài trong nhiều năm.

Đặc biệt, có sự tham gia của doanh nghiệp vào các hoạt động hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội, chủ trương đầu tư, bố trí nhân sự, phân bổ nguồn lực tài chính, phê duyệt dự án và chủ trương mua sắm công.

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tăng cường phát hiện và điều tra, truy tố xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng.

Chính vì vậy, hàng loạt vụ án tham nhũng lớn đã bị phát hiện, làm sáng tỏ và lần lượt đưa ra xét xử. Điển hình, vụ án Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc); AVG…

“Đây là những vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt lớn, tồn tại nhiều năm, gắn với các quyền lực cao cấp, gây ra các tổn thất to lớn về tài sản, cán bộ và uy tín của Đảng, Nhà nước. Việc điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án này đã khẳng định những thành tựu nổi bật của công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng; khẳng định vai trò và hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo trong công tác phòng chống tham nhũng và tội phạm tham nhũng, kinh tế” - Chánh ánTANDTC nhấn mạnh.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, có được kết quả đó là nhờ quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, bài bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tiếp đó là những lỗ lực rất đáng hoan nghênh của các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Cán bộ các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng đã hoạt động tuân thủ pháp luật, kiên trì và sáng tạo, trách nhiệm và chuyên nghiệp, nghiêm túc và không quản khó khăn, thách thức; phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ và hiệu quả.

Nhiều vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, thậm chí cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước...

Xét xử 10.917 vụ án bị cáo về các tội phạm kinh tế, tham nhũng 

Từ ngày 01/01/2013 đến ngày 31/5/2020, trên cơ sở kết quả điều tra, truy tố của cơ quan điều tra và viện kiểm sát, các tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý 13.599 vụ án/26.621 bị can, xét xử 10.917 vụ án/19.406 bị cáo về các tội phạm kinh tế, tham nhũng.

Xử lý nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kể cả cán bộ cao cấp, khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” (vụ án Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son...); công khai các cán bộ vi phạm, nhất là cán bộ cấp cao, cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu, cả cán bộ liên quan đến nhân sự đại hội đảng các cấp.

Làm rõ bản chất tư lợi qua các vụ án và thu hồi được lượng tài sản tham nhũng lớn (vụ án Nguyễn Bắc Son, Phạm Nhật Vũ…). Tuyên hình phạt tiền bổ sung ở mức cao nhất của khung luật định đối với nhiều bị cáo, nhất là các bị cáo đầu vụ, các bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiếp tay cho tội phạm. Tuyên rõ người phải chịu trách nhiệm đối với khối tài sản đã bị chiếm đoạt, bị xâm hại. Áp dụng nhiều biện pháp mới để tăng cường thu hồi tải sản tham nhũng, tài sản do phạm tội mà có như: Kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để bảo đảm thi hành án của bị cáo...

Những kết quả đạt được đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần tổng kết, rút kinh nghiệm, đó là: Các hoạt động phát hiện, thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm; truy bắt đối tượng tham nhũng, vận dụng pháp luật; phong tỏa, truy nguyên tài sản có được từ tham nhũng.

Đồng thời, các đại biểu cũng nêu kinh nghiệm giải quyết vấn đề dân sự trong quá trình xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; công tác phối hợp và vấn đề tương trợ tư pháp trong quá trình phát hiện và xử lý các vụ án này; các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng…

 
Thái Hải