Chống tham nhũng từng bước mở rộng ra khu vực ngoài Nhà nước

Báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ cho hay, hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từng bước được mở rộng ra khu vực ngoài Nhà nước.

Theo Chính phủ, thời gian qua, nhiều tổ chức, doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước đã xây dựng, ban hành và thực hiện quy định về chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử nghề nghiệp.

Các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được niêm yết trên thị trường chứng khoán thực hiện công khai (công bố thông tin) nghiêm túc, đầy đủ và chặt chẽ hơn.

Số lượng công ty đại chúng được cấp phép và công nhận thành lập đang hoạt động tại kỳ báo cáo là 1.737 công ty.

Các tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán đã được cấp phép và công nhận thành lập gồm: 82 công ty chứng khoán, 43 công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, 105 quỹ đầu tư chứng khoán và 14 văn phòng đại diện công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai 3 đoàn thanh tra theo kế hoạch (2 công ty đại chúng, 1 công ty quản lý quỹ), 15 đoàn kiểm tra theo kế hoạch (4 công ty đại chúng, 5 công ty kiểm toán, 1 công ty chứng khoán, 5 công ty quản lý quỹ và văn phòng đại diện, đại lý phân phối) và 15 đoàn kiểm tra đột xuất (1 công ty chứng khoán và 12 đoàn giao dịch cổ phiếu).

Trên cơ sở kết quả giám sát, thanh tra, kiểm tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 326 quyết định xử phạt đối với 137 tổ chức và 189 cá nhân, với tổng số tiền phạt trên 29 tỷ đồng.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước “từng bước đi vào nề nếp".

“Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… bước đầu được quan tâm triển khai thực hiện”, theo cơ quan thẩm tra.

Trong năm nay, các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp chặt chẽ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng, cả trong và ngoài khu vực Nhà nước, xử lý cả cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu có sai phạm.

Đáng chú ý, việc phát hiện, xử lý tham nhũng được tiến hành đồng bộ, quyết liệt ở cả cấp Trung ương và địa phương, đặc biệt là ở cấp tỉnh; đồng thời phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, trọng điểm, dư luận xã hội quan tâm.

Các đại án được phát hiện, xử lý như: Vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty Cổ phần Tiến Bộ Quốc tế (AIC); vụ nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; vụ án kít xét nghiệm Covid-19 Việt Á; các vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát…

“Qua kết quả điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp như các vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm, AIC, chuyến bay giải cứu… đề nghị các cơ quan hữu quan đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự trong thời gian tới”, theo Ủy ban Tư pháp. 

Cán bộ “móc ngoặc” với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi

Chính phủ dự báo Việt Nam vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

“Tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp; phát sinh nhiều vụ việc có tổ chức, mang tính lợi ích nhóm; tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài. Tham nhũng không chỉ xảy ra trong khu vực Nhà nước mà xảy ra ở cả khu vực ngoài Nhà nước, cản trở sự cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh”.

Tán thành với đánh giá của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp còn cho rằng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của cán bộ Nhà nước với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực.

Nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đăng kiểm, đất đai, y tế, giáo dục, quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, trái phiếu, rửa tiền, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục. Tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.

“Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục kiên trì, không dừng, không nghỉ, tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng”, cơ quan thẩm tra của Quốc hội nêu quan điểm.

Từ đó, Ủy ban Tư pháp kiến nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu... ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Ủy ban này cũng đề nghị siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Theo chương trình nghị sự kỳ họp 6, sáng ngày 21/11 tới đây, sau khi nghe Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày các báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, Quốc hội sẽ thảo luận nội dung này.

Xây dựng Cơ sở Dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm các yêu cầu của Quốc hội về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng.

Cụ thể: Ban hành bộ tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với bộ, ngành Trung ương; xây dựng Cơ sở Dữ liệu quốc gia về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hoàn thiện pháp luật nhằm “tháo gỡ vướng mắc, chủ động phối hợp trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ, phục vụ cho việc tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế”. 

Hương Giang