Người phát ngôn của KPK - Ali Fikri, nói rằng, tuyên bố này "không nhằm mục đích chê bai bất kỳ hệ thống hoặc luật lệ nào" đang hiện hành ở Singapore.

"KPK và CPIB (Cục Điều tra Chống tham nhũng Singapore) từ lâu đã hợp tác chặt chẽ trong các nỗ lực chống tham nhũng phù hợp với năng lực và nhiệm vụ của mỗi cơ quan, bao gồm cả trong các lĩnh vực phòng ngừa, giáo dục và thực thi pháp luật", ông Ali Fikri nói trong một tuyên bố được đăng trên trang của KPK.

Trước đó, ngày 6/4, Chánh Thanh tra Cảnh sát Karyoto - quan chức cấp cao phụ trách việc thực thi và hành án tại KPK đã có phát ngôn gọi Singapore là nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ đào tẩu, và nói rằng rất khó để truy đuổi các nghi phạm Indonesia, đặc biệt là vì cả hai nước vẫn chưa có Hiệp ước Dẫn độ.

Trong tuyên bố, KPK cho biết, họ đã hợp tác với đối tác Singapore trong việc điều tra một số vụ tham nhũng, bao gồm bê bối tham nhũng căn cước công dân điện tử (e-ID), với việc tạo thuận lợi cho các cuộc phỏng vấn nhân chứng, trao đổi thông tin và truy tìm tài sản theo yêu cầu của Indonesia, phù hợp với Hiệp ước Tương trợ Tư pháp (MLA).

Vụ việc liên quan đến cáo buộc tham ô thông qua tăng vọt chi phí mua thẻ e-ID - một chương trình được đưa ra dưới thời cựu Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono vào năm 2010.

Bê bối này đã gây thiệt hại cho Nhà nước 2,3 nghìn tỷ rupiah (tương đương 215 triệu đô la Singapore), liên quan đến hàng chục thành viên Quốc hội, bao gồm cả Setya Novanto - Chủ tịch Hạ viện Indonesia.

Indonesia và Singapore là thành viên của MLA về các vấn đề hình sự giữa các nước thành viên ASEAN có cùng chí hướng, theo đó sự hợp tác đã diễn ra phù hợp với luật pháp trong nước và các nghĩa vụ quốc tế của Singapore.

Đáp lại phát biểu của ông Karyoto, ngày 9/4, Bộ Ngoại giao Singapore (MFA) cho rằng, không có cơ sở cho cáo buộc này và Singapore "đã và sẽ vẫn cam kết" giúp Indonesia trấn áp tham nhũng.

MFA khẳng định: "Singapore đã hỗ trợ Indonesia trong một số cuộc điều tra trước đây và đang diễn ra. Singapore cũng đã trợ giúp chính quyền Indonesia bằng cách cung cấp xác nhận về nơi ở của các công dân Indonesia đang bị điều tra".

Về việc dẫn độ, MFA chỉ ra rằng, Singapore và Indonesia đã ký Hiệp ước Dẫn độ và Thỏa thuậnHợp tác quốc phòng dưới dạng một bộ chương trình vào tháng 4/2007, nhưng cả hai vẫn đang chờ Quốc hội Indonesia phê chuẩn.

Theo người phát ngôn của KPK - Ali Fikri, CPIB đã tạo điều kiện cho KPK triệu tập các nghi phạm trong một vụ án tham nhũng cấp cao khác liên quan đến Quỹ Hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Indonesia (BLBI). KPK sẽ sớm nhờ sự giúp đỡ của CPIB để đưa ra lệnh bắt giữ đối với hai nghi phạm được cho là đang ở Singapore khi cuộc điều tra của họ kết thúc.

KPK trong tuyên bố đã xác định các nghi phạm, nhưng không nêu rõ mà chỉ cho biết tên viết tắt của họ là SN và ISN. Họ được cho là Sjamsul Nursalim - chủ sở hữu Ngân hàng Dagang Negara Indonesia, và vợ ông là Itjih Sjamsul Nursalim.

Cặp đôi bị đưa vào danh sách nghi phạm tham nhũng vào tháng 6/2019, nhưng chưa từng bị đưa ra xét xử.

Ngọc Anh