UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Quyết định số 322 về Chương trình Tổng thể THTK, CLP trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Thắt chặt các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm…

Trong năm 2024, thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa - ngân sách Nhà nước (NSNN); bảo đảm chi NSNN tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được HĐND tỉnh thông qua, triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, các khoản chi chưa thực sự cần thiết để bảo đảm nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bổ sung vốn đầu tư phát triển và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Kiểm soát chặt chẽ công tác lập, phân bổ, quản lý, sử dụng chi NSNN, đặc biệt là các khoản chi mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hạng mục công trình bảo đảm đúng quy định pháp luật, tiết kiệm, hiệu quả.

Triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên của NSNN (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương) để ưu tiên tăng chi đầu tư phát triển, hướng tới mục tiêu giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN, tốc độ tăng tổng sản phẩm đạt 7,5%; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm; thu NSNN trên địa bàn đạt 2.460 tỷ đồng; thu hút khách du lịch đạt 3,2 triệu lượt; giá trị sản phẩm trồng trọt thu hoạch bình quân đạt 63 triệu đồng/ha đất canh tác; tỷ lệ đô thị hóa 25,2%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,4%, tương ứng với mức giảm 7.821 hộ.

Tiết kiệm 20% dự toán chi thường xuyên (không kể quỹ tiền lương và các khoản có tính chất lương) để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương và thực hiện các chế độ chính sách của tỉnh.

Giảm tần suất và thắt chặt các khoản kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, họp, công tác phí, chi tiếp khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm, phấn đấu tiết kiệm 12% so với dự toán được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Tiết kiệm điện, nước và xăng dầu 10% so với dự toán giao.

Hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; phấn đấu tiết kiệm 15% chi đoàn ra, đoàn vào so với dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đầu tư NSNN cho các cơ sở giáo dục công lập cần có trọng điểm, tập trung ưu tiên cho giáo dục phổ cập và tiếp tục kiên cố hóa trường học, nhất là đối với các cơ sở giáo dục ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển hệ thống y tế. Từng bước chuyển chi thường xuyên từ NSNN cấp trực tiếp cho cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ người tham gia bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế…

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương đầu tư công

Tập trung thực hiện 3 đột phá và 5 nhiệm vụ trọng tâm; đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; triển khai đồng bộ, hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Phát triển mạnh du lịch theo hướng bền vững; quan tâm phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị hàng hoá chất lượng cao.

Đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương đầu tư công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản theo đúng quy định của pháp luật; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2024; bố trí vốn theo tiến độ cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án kết nối, có tác động liên vùng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, dự án chuyển tiếp theo tiến độ.

Tiến hành rà soát cắt giảm các dự án không nằm trong kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cắt giảm, tạm dừng các dự án, hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp; không để phát sinh thêm và xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản.

Ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các dự án cấp bách phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân.

Rà soát các dự án kéo dài nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp để có hướng xử lý; có biện pháp hoàn tạm ứng đối với các khoản tạm ứng quá hạn, kéo dài nhiều năm, đơn vị quản lý đã giải thể. Tăng cường công tác quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước, xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng quyết toán dự án hoàn thành…

Ngoài ra, THTK, CLP năm 2024 của tỉnh Hà Giang cũng được triển khai, thực hiện trong quản lý chương trình mục tiêu quốc gia; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp; các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động.

Các chỉ tiêu THTK, CLP phải được lượng hóa tối đa

UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu, chương trình THTK, CLP phải đảm bảo tính toàn diện, nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào chủ đề năm 2024 là “ Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nâng cao cạnh tranh quốc gia; khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra qua kết quả giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán".

Các chỉ tiêu THTK, CLP trong các lĩnh vực phải được lượng hóa tối đa, phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm thực chất, có cơ sở cho việc đánh giá, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện theo quy định.

THTK, CLP phải gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, thúc đẩy cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền cũng như thanh tra, kiểm tra về THTK, CLP gắn với cơ chế khen thưởng, kỷ luật kịp thời nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và tổ chức thực hiện ở các cơ quan, đơn vị…

Bùi Bình