Sáng ngày 14/9, tiếp tục phiên họp thứ 48, UBTVQH cho ý kiến báo cáo công tác của TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án và PCTN năm 2020.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay, năm 2020, công tác PCTN năm 2020 tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ. “Tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Trong kỳ báo cáo, nhiều vi phạm của cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ, đảng viên cao cấp được phát hiện và xử lý nghiêm minh.

Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán, chú trọng vào những lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tham nhũng như các dự án đầu tư lớn, việc quản lý, sử dụng đất đai, tài chính công, tài sản công.

Cơ quan điều tra, Viện KSND, TAND tập trung khám phá, đẩy nhanh tiến độ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm…

Theo Tổng Thanh tra, các vụ án thụ lý đưa ra xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, không có oan sai, bỏ lọt tội phạm, được dư luận và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga khái quát, “với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác đấu tranh PCTN đạt nhiều kết quả tích cực cả về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng”.

Có biểu hiện cán bộ chức quyền “móc nối” với doanh nghiệp

Tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm với thủ đoạn ngày càng tinh vi như lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thông đồng, móc nối giữa cán bộ có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý Nhà nước với người trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.

“Có nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia, một số hành vi phạm tội kinh tế, tham nhũng được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam”, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cảnh báo.

Cũng theo ông Vương, các lực lượng chức năng đã đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây buôn lậu lớn, làm rõ sự tiếp tay của cán bộ trong cơ quan quản lý Nhà nước.

leftcenterrightdel
 Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương. Ảnh: N.T

 

Đề cập đến giải pháp thời gian tới, Thứ trưởng Vương cho biết, bên cạnh chủ động phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm kinh tế, buôn lậu, tham nhũng, chức vụ, Chính phủ sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ.

Tổng Thanh tra cũng cho hay, Chính phủ sẽ hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tăng cường chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong công tác PCTN ở địa phương, cơ sở.

“Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ PCTN trong nội bộ các cơ quan có chức năng PCTN, không để cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng, tiêu cực làm nhiệm vụ PCTN”, ông Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp lưu ý, tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho vi phạm pháp luật; hay tham nhũng, vi phạm pháp luật ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

“Đây là vấn đề cần được Chính phủ, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục”, bà Nga nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: N.T
 

Uỷ ban Tư pháp đề nghị, Chính phủ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; phối hợp với cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực PCTN…

Lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, tham nhũng

Một vấn đề nữa, đáng lưu ý, trong khi cả nước “căng mình” chống dịch Covid -19 thì có những trường hợp lợi dụng tình hình để trục lợi, gây bức xúc trong dư luận.

Theo ông Vương, nổi lên là hành vi thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh.

“Thậm chí có những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi tham nhũng”, bà Nga nói. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, cá biệt có trường hợp cán bộ trong chính cơ quan, tổ chức có chức năng phòng, chống dịch bệnh lại có hành vi vi phạm pháp luật khi mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh…

Báo cáo của Uỷ ban Tư pháp dẫn chứng vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội; vụ việc chiếm đoạt tiền tạm ứng khám chữa bệnh xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Thốt Nốt, TP Cần Thơ…

Ngoài ra, nhiều đối tượng đã có hành vi chứa chấp, đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Với trách nhiệm của Viện KSND Tối cao, Viện trưởng Lê Minh Trí cho hay, đã yêu cầu, “bảo đảm xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi phạm tội liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19”.

leftcenterrightdel
Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí. Ảnh: N.T 
 

“Các tòa án cũng đã đưa ra xét xử kịp thời và tuyên án nghiêm khắc nhiều bị cáo vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, được dư luận đồng tình, đánh giá cao”, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ nói.

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, hành vi đưa người nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch gây bức xúc.

“Vừa qua có địa phương xử lý kịp thời với mức án nghiêm khắc. Nhưng còn nhiều nơi cũng phát hiện người vào Việt Nam bất hợp pháp nhưng chưa thấy xét xử”, ông Nguyễn Văn Giàu phát biểu và cho rằng cần xử lý nhanh với hình phạt thích đáng.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình với đánh giá tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và giảm dần. “Tuy nhiên tình hình tham nhũng vẫn đang có những diễn biến phức tạp, tinh vi, phức tạp hơn”, ông Lưu nêu rõ.

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Ảnh: N.T 
 

Liên quan đến đề nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách để PCTN và vi phạm pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phải nêu rõ quy định nào, văn bản nào cần phải ban hành mới, sửa đổi bổ sung.

"Thực tế, các cơ quan đang vướng mắc, không thống nhất với nhau về một số quy định của pháp luật hình sự. Ví dụ xác định thời điểm để tính thiệt hại do hành vi phạm tội của tội phạm gây ra là từ lúc thực hiện hành vi phạm tội hay từ khi khởi tố vụ án, bị can?", ông Lưu dẫn chứng.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trước hết các cơ quan phải ngồi lại với nhau để thống nhất, tránh “năm nào cũng đề nghị hoàn thiện chính sách pháp luật chung chung, xong kỳ họp lại quên mất”.

Theo Tổng Thanh tra, “dù cơ chế bảo vệ người tố giác đấu tranh PCTN đã được pháp luật quy định, tuy nhiên trên thực tế hiện tượng trù dập, trả thù hoặc đe doạ trả thù vẫn xảy ra khiến người tố cáo tham nhũng lo ngại, không dám đấu tranh”.

 

Trả hồ sơ để chứng minh bản chất tội phạm, bị chê thì cán bộ mất tinh thần

Liên quan đến tỷ lệ án phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng đây là “con số hai mặt”. “Nhìn vào con số có cảm giác chất lượng không tốt nên mới phải trả. Nhưng đây là một cuộc đấu tranh”, ông Trí nói.

Theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao, có những loại tội phạm có kinh nghiệm, thủ đoạn cao thì làm không đơn giản. Trả hồ sơ (để điều tra bổ sung) là biện pháp tố tụng cho phép để chống oan sai và chống bỏ lọt.

“Trả để chứng minh được bản chất tội phạm thì chúng ta phải động viên và khen cán bộ điều tra cũng như kiểm sát. Giờ cứ trả là chê thì cán bộ mất tinh thần, trong khi nếu không trả thì lọt hoặc oan sai, nhất là đối với những tội phạm phức tạp như tham nhũng…”, ông Trí nhấn mạnh.

Trong kiến nghị của mình, ông Trí đề nghị Quốc hội quan tâm hơn đến công tác hướng dẫn, giải thích pháp luật. Theo ông Trí, có những lúc, “cái gốc” là do nhận thức và áp dụng pháp luật khác nhau. Sơ thẩm có quyền xử thế này nhưng phúc thẩm có quyền phủ định, trả hồ sơ điều tra lại… “Nói “cứ theo luật mà làm” thì dễ rồi, nhưng thực tế không đơn giản như vậy” - Viện trưởng Viện KSND Tối cao nhấn mạnh.

 

Các con số đáng chú ý

-Trong kỳ báo cáo (từ tháng 10/2019 đến nay), có 81 trường hợp người đứng đầu bị kết luận “thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng”; đã xử lý kỷ luật 62 người (tăng hơn 66% so với năm 2019). Trong đó, có 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

- Nhiều trường hợp cán bộ đã được tạm đình chỉ kịp thời để phục vụ điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Như trường hợp Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến…

- Khởi tố 228 vụ, 492 bị can phạm tội về tham nhũng; 23 vụ, 158 bị can phạm tội về chức vụ.

- Về chống tội phạm, các lực lượng chức năng đã điều tra, làm rõ 33.131 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 86,04% (trong đó án rất nghiêm trọng đạt 85,75%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,91%); khởi tố 20.242 vụ (tăng 7,6%).

Triệt phá 2.485 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo được chuyển biến tích cực. Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh đã góp phần làm giảm 3,19% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ năm 2019.

Hương Giang