Sáng nay (16/4), tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về PCTN”. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng tới dự buổi lễ.

Cuộc thi là một trong những hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án “Tuyên truyền pháp luật về PCTN” trong cán bộ, công chức viên chức và nhân dân từ năm 2012 - 2016 do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định. Thông qua cuộc thi, Ban Tổ chức mong muốn sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN; làm phong phú thêm tài liệu tuyên truyền, hỗ trợ thực hiện có hiệu quả công tác này; tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và nhân dân trong PCTN, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần đẩy lùi nạn tham nhũng.

Bà Nguyễn Thúy Hiền: "Các tiểu phẩm dự thi đã thể hiện cách nhìn đa dạng, mạng đậm hơi thở cuộc sống". Ảnh: Hải Hà

Cuộc thi được tổ chức thông qua hình thức thi tiểu phẩm dưới dạng video clip và được phát hành tới các bộ, ngành, địa phương trên cả nước từ tháng 7/2013.

Phát biểu tại lễ trao giải, bà Nguyễn Thúy Hiền, Thứ trưởng Bộ Tư Pháp, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết: Hiện nay, tham nhũng đang được cả cộng đồng quốc tế nhìn nhận là 1 vấn nạn nghiêm trọng đối với mọi quốc gia trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị và trình độ phát triển kinh tế. Đặc biệt, tham nhũng xảy ra nghiêm trọng nhất ở các nước đang phát triển và kém phát triển, nơi mà hệ thống pháp luật thiếu chặt chẽ, quy trình ra quyết định, hoạch định chính sách thiếu dân chủ, minh bạch, thủ tục hành chính còn rườm rà, lương công chức thấp. Ở Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay, tham nhũng vẫn là nguy cơ và thách thức lớn đối với đất nước; tình hình tham nhũng những năm qua tuy có giảm, nhưng trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp và trở nên tinh vi hơn. Nhằm giúp người dân hiểu và PCTN hiệu quả, Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tổ chức cuộc thi “Tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về PCTN”.

Đại diện các đơn vị đạt giải nhận giải thưởng từ Ban Tổ chức. Ảnh: Hải Hà

Cuộc thi đã thể hiện sự lao động sáng tạo của những người làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên khắp mọi miền đất nước, nhiều tác phẩm dự thi thực sự gây xúc động cho người xem bởi sự dung dị, gần gũi, đầy tính thuyết phục. Các tiểu phẩm dự thi đã thể hiện cách nhìn đa dạng, mạng đậm hơi thở cuộc sống, phản ánh các vấn đề dư luận quan tâm. Làm cho người xem thấy gần gũi, thân quen. Vì vậy hiệu quả tuyên truyền cao, ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Tham dự cuộc thi có 40 tiểu phẩm của 30 cơ quan, tổ chức. Một số địa phương như Bến Tre, Hà Nội còn phát động cuộc thi trên phạm vi tỉnh, TP để chọn tác phẩm có chất lượng tham dự cuộc thi. Bên cạnh vai trò nòng cốt của các đơn vị pháp chế, các sở tư pháp, cuộc thi còn thu hút sự tham gia của các đài phát thanh truyền hình, cơ quan thanh tra… vì vậy đã tạo được hiệu ứng tích cực, lan tỏa rộng khắp trong nhân dân.

Đánh giá chất lượng các tác phẩm dự thi, bà Nguyễn Thị Tố Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, Phó trưởng Ban Tổ chức cho biết: Đa số các tác phẩm dự thi bảo đảm tính logic, sát thực tiễn, có tính thời sự cao. Một số tiểu phẩm có cốt truyện gần gũi, dung dị, rất đời và sâu sắc tình người như: Tiểu phẩm “Như là tai họa” (Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh),” Đối mặt” (Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau), “Cần có tấm lòng” (UBND tỉnh Bến Tre)… Một số tác phẩm nổi trội đã thể hiện được nội dung tuyên truyền pháp luật rõ nét, cốt truyện hấp hẫn, thuyết phục như: “Dân kiểm tra” (Sở Tư pháp TP Hà Nội), “Công khai, minh bạch” (Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang), “Khi người tố cáo bị thiệt hại” (UBND tỉnh Bình Dương)…

Đại diện Sở Tư pháp TP Hà Nội nhận giải Nhất với tiểu phẩm “Dân kiểm tra”. Ảnh: Hải Hà

Tuy đề tài cuộc thi tương đối khó, nhưng hầu hết các tiểu phẩm dự thi đã bám sát yêu cầu về chủ đề, thể hiện ở dưới nhiều góc nhìn khác nhau, có tiểu phẩm mang tính răn đe, lên án hành vi tham nhũng, tiêu cực; một số tiểu phẩm thì được thể hiện góc nhìn nêu gương, biểu dương gương người tốt việc tốt trong đấu tranh PCTN.

“Thật vui mừng khi xem những hình ảnh, những câu chuyện cảm động về ý thức pháp luật, ý thức công dân, trách nhiệm đối với xã hội, cộng đồng, dũng cảm đấu tranh với những hành vi tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật để chúng ta thêm tin tưởng rằng nhân tố tích cực vẫn là dòng chảy chủ yếu của thời đại”, bà Nga bày tỏ xúc động.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bà Nga cho biết vẫn còn một số tiểu phẩm chưa thể hiện được nét nội dung tuyên truyền pháp luật về PCTN, kịch bản chưa hấp dẫn, cách thức truyền tải nội dung còn khô cứng, giáo điều, chưa sát thực tế…

Sau 3 ngày làm việc công tâm với tinh thần trách nhiệm cao, Ban Giám khảo đã chọn được 14 tác phẩm có điểm số cao nhất đề nghị Ban Tổ chức trao giải gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 5 giải Ba và 6 giải Khuyến khích. Giải Nhất đã được trao cho tiểu phẩm “Dân kiểm tra” của Sở Tư pháp TP Hà Nội.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng trao giải Nhì cho 2 đơn vị đạt giải là Sở Tư pháp Bắc Ninh và Sở Tư pháp Cà Mau. Ảnh: Hải Hà

“Các tác phẩm đạt giải trong cuộc thi sẽ được khai thác triệt để làm tài liệu tuyên truyền pháp luật về PCTN tới cán bộ, nhân dân nhằm nâng cao ý thức công dân trong đấu tranh PCTN. Với ý nghĩa đó, cuộc thi sẽ không chỉ dừng lại ở đây, mà tiếp tục được phát huy trong những năm tiếp theo để góp phần xây dựng một xã hội ở đó mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, để thực sự 365 ngày trong 1 năm đều là “Ngày pháp luật””, bà Nga nhấn mạnh.

Đạo diễn Trọng Trinh, thành viên Ban Giám khảo



Tôi thật sự bất ngờ khi chấm bài cuộc thi “Tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về PCTN”. Ban đầu, khi nhận lời chấm thi tôi cứ suy nghĩ mình sẽ có những ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi, nhưng khi bắt tay vào làm, tôi thấy rất tâm lý rất nhẹ nhàng, bởi những người làm tuyên truyền đã làm bằng cái tâm của họ, vì vậy cốt truyện trở nên rất gần gũi, giản dị, dễ nghe, dễ hiểu.

“Trong những năm qua, đề tài về pháp luật đã được dựng thành nhiều phim có số lượng người xem đông như: Cảnh sát hình sự, Phía sau một cái chết… và thời gian tới tôi sẽ tiếp tục đưa đề tài PCTN vào làm phim”, đạo diễn Trọng Trinh nhấn mạnh.

Đại diện Sở Tư pháp Cà Mau: Đơn vị đạt giải Nhì với tiểu phẩm “Đối mặt”



Khi nhận được đề tài cuộc thi, anh em làm việc tại Sở vô cùng trăn trở, bởi đây là đề tài khó làm. Để nâng cao chất lượng tác phẩm dự thi và cũng là để tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về PCTN, trong năm 2013, Sở đã tổ chức hội thi toàn tỉnh để chọn ra những tác phẩm xuất sắc. Và “Đối mặt” là tác phẩm tâm đắc nhất mà chúng tôi lựa chọn gửi tới cuộc thi.

Khi thực hiện tiểu phẩm, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn như: Vấn đề kinh phí, hay chủ đề PCTN rất nhạy cảm, đụng chạm đến nhiều lĩnh vực và cả những người có thẩm quyền… nhưng với quyết tâm đẩy lùi vấn nạn này, chúng tôi đã quyết tâm làm và thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa.


Hải Hà