(Tiếp theo kỳ trước)

1. Kiểm soát tài sản, thu nhập là hoạt động do Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thực hiện theo quy định của pháp luật để biết rõ tài sản, thu nhập, biến động về tài sản, thu nhập, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai nhằm phòng ngừa tham nhũng, phục vụ công tác cán bộ, kịp thời phát hiện tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng.

2. Kê khai tài sản, thu nhập là việc ghi rõ ràng, đầy đủ, chính xác các loại tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập phải kê khai, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo Mẫu bản kê khai tài sản, thu nhập ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Công khai bản kê khai tài sản, thu nhập là việc công bố bản kê khai tài sản, thu nhập (sau đây gọi tắt là bản kê khai) theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Điều 11, 12, 13 của Nghị định này.

4. Giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm là việc người có nghĩa vụ kê khai tự giải thích, chứng minh về việc hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm so với lần kê khai liền trước đó.

5. Xác minh tài sản, thu nhập là việc kiểm tra, làm rõ nội dung kê khai và xem xét, đánh giá, kết luận của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định này về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai và tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.

Điều 18.2.LQ.4. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước trong phòng, chống tham nhũng

(Điều 4 Luật số 36/2018/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2019)

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; thực hiện quy định khác của pháp luật về phòng, chống tham nhũng;

b) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng;

c) Tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, tin báo về hành vi tham nhũng;

d) Kịp thời cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng.

2. Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kịp thời phát hiện, phản ánh và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng xảy ra trong doanh nghiệp, tổ chức mình theo quy định của pháp luật và điều lệ, quy chế, quy định của doanh nghiệp, tổ chức;

b) Kịp thời cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng của người có chức vụ, quyền hạn và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý tham nhũng.

Điều 18.2.LQ.5. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng

(Điều 5 Luật số 36/2018/QH14, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2019)

1. Công dân có quyền phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng và được bảo vệ, khen thưởng theo quy định của pháp luật; có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

2. Công dân có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng.

Điều 18.2.TL.1.3. Mục đích, nguyên tắc sử dụng

(Điều 3 Thông tư liên tịch số 70/2016/TTLT-BTC-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/06/2016)

1. Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ quản lý, sử dụng để chi khen thưởng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng.

2. Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng phải được sử dụng theo quy định của pháp luật, đúng mục đích, công khai, minh bạch, kịp thời. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức nào ban hành quyết định khen thưởng thì phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.

(Điều này có nội dung liên quan đến Điều 18.2.LQ.68. Khen thưởng người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng của Đề mục Phòng, chống tham nhũng; Điều 18.2.LQ.74. Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận của Đề mục Phòng, chống tham nhũng)

Điều 18.2.TL.1.4. Nguồn kinh phí

(Điều 4 Thông tư liên tịch số 70/2016/TTLT-BTC-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/06/2016)

1. Nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng do ngân sách trung ương bảo đảm và được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của Thanh tra Chính phủ.

2. Nguồn từ tài sản được thu hồi qua các vụ, việc liên quan đến tham nhũng:

a) Đối với các trường hợp khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng, giúp thu hồi cho Nhà nước tiền, tài sản có giá trị trên 600 lần mức lương cơ sở thì căn cứ theo số tiền, giá trị tài sản đã thực nộp vào ngân sách địa phương, địa phương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương trích chuyển một phần về Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng để khen thưởng cho các cá nhân có thành tích. Mức trích chuyển bằng mức khen thưởng cho cá nhân của cấp có thẩm quyền quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-TTCP-BNV ngày 16/3/2015 của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ.

b) Đối với các trường hợp khen thưởng cơ quan, tổ chức giúp thu hồi cho Nhà nước tiền, tài sản có giá trị lớn mà được xét thưởng vượt mức quy định thì căn cứ theo số tiền, giá trị tài sản đã thực nộp vào ngân sách địa phương, địa phương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương trích chuyển một phần về Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng để khen thưởng cho các cơ quan, tổ chức có thành tích. Mức trích chuyển bằng mức khen thưởng cho các cơ quan, tổ chức có thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng theo quy định của Thanh tra Chính phủ.

3. Nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài cho Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng:

Các khoản đóng góp bằng tiền được tiếp nhận, chuyển nộp vào tài khoản tiền gửi của Thanh tra Chính phủ mở tại Kho bạc Nhà nước. Các khoản đóng góp bằng hiện vật được sử dụng trực tiếp cho việc tổ chức khen thưởng hoặc bán đấu giá theo quy định hiện hành và chuyển nộp số tiền thu được vào tài khoản tiền gửi của Thanh tra Chính phủ mở tại Kho bạc Nhà nước để sử dụng theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

Điều 18.2.TL.1.5. Nội dung chi và mức chi

(Điều 5 Thông tư liên tịch số 70/2016/TTLT-BTC-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/06/2016)

1. Nội dung chi, mức chi khen thưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-TTCP-BNV ngày 16/3/2015 của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ.

2. Nội dung chi, mức chi khen thưởng cho các cơ quan, tổ chức có thành tích trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng theo quy định của Thanh tra Chính phủ.

(Điều này có nội dung liên quan đến Tiểu mục 1 Quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng của Đề mục Thi đua, khen thưởng; Điều 29.1.TL.3.6. Mức thưởng của Đề mục Thi đua, khen thưởng)

Điều 18.2.TL.1.6. Lập dự toán, quản lý và quyết toán

(Điều 6 Thông tư liên tịch số 70/2016/TTLT-BTC-TTCP, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/06/2016)

1. Hàng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán căn cứ vào nguồn đóng góp của cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài cho Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng; kết quả sử dụng Quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng của năm trước và dự kiến tổng mức chi khen thưởng về phòng, chống tham nhũng của năm kế hoạch, Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm:

a) Lập dự toán kinh phí ngân sách nhà nước (phần ngân sách Trung ương đảm bảo) bổ sung cho Quỹ khen thưởng phòng, chống tham nhũng để tổng hợp vào dự toán ngân sách của Thanh tra Chính phủ và gửi Bộ Tài chính để tổng hợp chung vào dự toán ngân sách nhà nước trình cấp có thẩm quyền quyết định.

b) Dự toán kinh phí ngân sách nhà nước bổ sung cho Quỹ khen thưởng phòng, chống tham nhũng được giao thành một mục riêng trong dự toán thu, chi ngân sách hàng năm của Thanh tra Chính phủ.

2. Đối với nguồn kinh phí nêu tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này:

a) Căn cứ vào hồ sơ khen thưởng của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương gửi; Thanh tra Chính phủ có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị trích chuyển về Quỹ khen thưởng phòng, chống tham nhũng (kèm theo hồ sơ khen thưởng theo quy định).

b) Căn cứ vào đề nghị của Thanh tra Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương để chuyển vào tài khoản tiền gửi của Thanh tra Chính phủ mở tại Kho bạc Nhà nước và báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

3. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm quản lý và sử dụng Quỹ khen thưởng phòng, chống tham nhũng đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

4. Việc hạch toán và kế toán, quyết toán Quỹ khen thưởng phòng, chống tham nhũng được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cuối năm, kinh phí chưa sử dụng hết của Quỹ khen thưởng phòng, chống tham nhũng được chuyển năm sau để tiếp tục sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm quyết toán kinh phí Quỹ khen thưởng phòng, chống tham nhũng và tổng hợp trong báo cáo quyết toán ngân sách hàng năm của Thanh tra Chính phủ theo quy định.

5. Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm công khai nguồn kinh phí của Quỹ và tình hình sử dụng, quyết toán kinh phí của Quỹ khen thưởng phòng, chống tham nhũng theo quy định về công khai tài chính.

(Còn nữa)

Hồng Việt