Báo cáo Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024 ngày 3/7 của Cục Thủy sản cho biết, từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý thông báo 18 lượt tàu có chiều dài trên 24m vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển gửi các địa phương và cơ quan có liên quan để xử lý; phát hiện và xử lý tổng cộng 118 lượt tàu/103 tàu có chiều dài trên 24m mất kết nối trên 10 ngày trên biển; 10.761 lượt tàu từ 24m trở lên mất kết nối trên 6 giờ đến 10 ngày trên biển, đã gửi thông báo cho các địa phương và cơ quan có liên quan xử lý theo quy định.

Cục Thủy sản đã thành lập tổ công tác để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu. Tổ chức triển khai quyết liệt việc truy xuất nguồn lợi thủy sản khai thác điện tử (eCDT VN) đến các địa phương. Bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bên cạnh đó, Cục tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan thuộc Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025”, Công điện số 265/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để sớm tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ thủy sản; triển khai Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ về chương trình hành động và kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành Thuỷ sản. Tham mưu, trình lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành 28 văn bản gửi bí thư, chủ tịch UBND 28 tỉnh/thành phố ven biển về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chống khai thác IUU và chuẩn bị làm việc với thanh tra của EC lần thứ 5.

Cục Thủy sản cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại các địa phương (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu...) trong đó tập trung kiểm tra thực hiện truy xuất nguồn gốc và quản lý tàu cá, xử lý các vướng mắc trong triển khai thực tế về IUU tại các địa phương; ban hành văn bản gửi các tỉnh đề nghị tăng cường các giải pháp nhằm ngăn chặn các tàu vi phạm vùng biển của các nước.

Việc đánh giá kết quả và bàn giải pháp chống khai thác IUU được tổ chức định kỳ hàng tháng để họp, bàn các giải pháp.

Trong các tháng cuối năm 2024, công tác quản lý khai thác thủy sản cần tiếp tục theo dõi và nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản để chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp với đối tượng thủy sản xuất hiện theo dự báo nguồn lợi.

Tiếp tục hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác theo tổ, đội để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường. Tổng kết, nhân rộng các mô hình tổ đội ngư dân sản xuất trên biển, duy trì củng cố hoạt động của các tổ, đội đã có, phát triển thêm các tổ đoàn kết trong khai thác hải sản để giúp nhau trong khai thác; phối hợp hướng dẫn xây dựng chuỗi liên kết từ khai thác, thu mua và cung cấp dịch vụ hậu cần ngay trên biển.

Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý khai thác tại các địa phương, đặc biệt là các nội dung liên quan đến công tác chứng nhận, xác nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Kịp thời hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các kiến thức pháp luật liên quan đến khai thác thủy sản cho bà con ngư dân; hướng dẫn việc ghi nhật ký khai thác và báo cáo khai thác của tàu cá.

Hoàng Nam