3. Các ngành, các cấp tăng cường công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, đầu tư, xây dựng, tài chính, chính sách xã hội... Trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, thu hồi đất của tổ chức, công dân, bồi thường, giải phóng mặt bằng phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục, chú trọng thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, bảo đảm giải quyết đầy đủ, phù hợp các quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, công dân; không để công dân thiệt thòi dẫn đến bức xúc, phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để công dân tham gia vào hoạt động quản lý Nhà nước và thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân. Đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm tạo ra môi trường pháp lý lành mạnh, hài hòa, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội và hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo. Thực hiện công khai minh bạch trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng, đầu tư xây dựng, tài chính ngân sách, quản lý, sử dụng tài sản công, công tác cán bộ,...

Tăng cường thanh tra, kiểm tra các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn, nhất là việc sử dụng đất đai của các tổ chức, doanh nghiệp. Công tác thanh tra cần tập trung vào các nội dung: Thực hiện việc công khai trong triển khai dự án; công khai chế độ, chính sách liên quan đến thu hồi đất, giải tỏa, đền bù, tái định cư, giải quyết việc làm cho lao động trên địa bàn; kiên quyết thu hồi đất đã giao, đã cho thuê không đúng đối tượng, không sử dụng đúng thời gian quy định hoặc không sử dụng hiệu quả, sử dụng sai mục đích; kịp thời kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, các trường hợp tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai; giúp UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời các sai phạm nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo. Thực hiện ít nhất 01 lần trong năm.

4. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo; công tác vận động, hòa giải ở cơ sở

4.1. Giao Sở Tư pháp - Cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề ra các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường xã hội hóa hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương, nhất là các địa bàn phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo; xây dựng chương trình, kế hoạch về công tác hòa giải ở cơ sở; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có hiệu quả.

4.2. Các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung và nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ hiểu biết pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; gắn việc thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của cán bộ, công chức, viên chức với tuyên truyền, phổ biến, giải thích chính sách pháp luật để công dân hiểu và thực hiện; chủ động thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân hiểu rõ, chấp hành đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

UBND cấp xã phải chủ động, làm tốt công tác vận động, hòa giải ở cơ sở nhằm giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở, góp phần hạn chế tối đa tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người, vượt cấp, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. UBND các huyện, thị xã, thành phố lấy tiêu chí làm tốt công tác vận động, hòa giải của cấp xã để đánh giá kết quả cuối năm đối với lãnh đạo cấp xã.

4.3. Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố và các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh tăng cường số lượng, chất lượng các tin, bài, chuyên mục phản ánh, góp ý, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo; chú trọng biểu dương những điển hình tốt, phê phán, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo.

4.4. Giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan báo chí trong việc thông tin kịp thời, chính xác các vụ việc khiếu nại, tố cáo của người dân trên địa bàn, định hướng dư luận xã hội, không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng xuyên tạc, gây phức tạp tình hình; tham mưu cho Ban cán sự đảng UBND tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí khi thông tin về các vụ khiếu nại, tố cáo phải chính xác, đầy đủ, khách quan, tránh việc đưa tin một chiều sai bản chất sự việc gây phức tạp trong quá trình giải quyết, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.

4.5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về khiếu nại, tố cáo nói riêng; chỉ đạo phát huy vai trò và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ hòa giải ở thôn, ấp, khu phố để góp phần giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn ngay tại cơ sở.

5. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; khắc phục tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài

5.1. Cán bộ, công chức, viên chức được giao trách nhiệm tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo khi thực hiện nhiệm vụ phải theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND tỉnh còn phải thực hiện đúng theo thời hạn trong quyết định giao nhiệm vụ xác minh. Trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo phải nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm khách quan, công khai, dân chủ, có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, lắng nghe, ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trình bày; tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng thẩm quyền của cấp mình giải quyết, tận tình, chu đáo hướng dẫn công dân thực hiện.

5.2. Các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố:

a) Tự kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị, địa phương; tổng hợp số vụ việc đang giải quyết, số vụ việc chưa giải quyết, số vụ việc đã giải quyết nhưng công dân chưa nhất trí; xây dựng kế hoạch, phương án giải quyết từng vụ việc, định kỳ hàng tháng, hàng quý kiểm điểm kết quả thực hiện. Kế hoạch giải quyết phải thể hiện rõ các nội dung liên quan đến vụ việc và văn bản chỉ đạo, đôn đốc của UBND tỉnh (nếu có); dự kiến thời gian ban hành văn bản giải quyết. Trong đó, lưu ý ưu tiên giải quyết trước các nhóm sau: vụ việc đã quá thời hạn giải quyết theo quy định; vụ việc có đông người tham gia; vụ việc có văn bản đôn đốc, nhắc nhở của UBND tỉnh và vụ việc do Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên chuyển đến. Kế hoạch giải quyết phải gửi UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh) định kỳ hàng tháng, quý kèm theo báo cáo định kỳ theo quy định để tổng hợp và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện.

b) Thường xuyên rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của mình, đặc biệt là những vụ việc phức tạp, đông người để chỉ đạo giải quyết theo quy định của pháp luật; phân loại các vụ việc theo các tiêu chí cơ bản như sau: Khiếu nại, tố cáo đã hết thẩm quyền giải quyết và đã giải quyết đúng quy định pháp luật nhưng còn tái khiếu, tái tố thì tổ chức đối thoại, xem xét lại lần cuối, nếu đã giải quyết thấu tình, đạt lý thì thông báo chấm dứt việc giải quyết; trường hợp qua rà soát phát hiện có sai sót thì phải giải quyết lại đảm bảo đúng quy định, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Đối với các vụ việc có khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết thì chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan để trao đổi, bàn phương án giải quyết, báo cáo Thủ trưởng cơ quan cấp trên để có chỉ đạo, không để xảy ra “điểm nóng”, phức tạp và không để công dân đi khiếu kiện vượt cấp. Quá trình xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là “xem xét đầy đủ các khía cạnh pháp lý và thực tế của vụ việc để có biện pháp giải quyết có lý, có tình, khả thi, chấm dứt được khiếu nại, tố cáo”.

Uyên Uyên