Xây dựng quy ước cơ sở

Xã Sinh Long của huyện Na Hang là một trong những địa phương có tình trạng người dân vi phạm pháp luật về khai thác rừng bừa bãi, khai thác vàng trái phép khá phổ biến, cùng với đó là những hủ tục lạc hậu như tảo hôn… vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Bên cạnh đó, huyện còn là một địa phương khá đặc biệt về tôn giáo khi trên địa bàn có 1 điểm nhóm công giáo với 89 hộ (293 nhân khẩu); 7 điểm nhóm đạo Tin lành (338 hộ, 1.997 nhân khẩu) thuộc Tổng hội Thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) cư trú tại 8 thôn, 6 xã trên địa bàn huyện. Trong đó, đồng bào dân tộc Mông theo đạo Tin lành là 332 hộ (1.791 khẩu), còn lại là dân tộc Dao.

Để đoàn kết được đồng bào cũng như đảm bảo được việc tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với 100% đồng bào và được đồng bào tiếp nhận và thực hiện được xác định là việc không phải dễ dàng với Na Hang.

Nhận thức được điều này, Phòng Tư pháp huyện phối hợp với Đảng ủy, chính quyền xã củng cố, kiện toàn đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật; tập trung chỉ đạo và tổ chức các buổi tuyên truyền miệng thông qua các cuộc họp thôn, tới từng hộ dân, từng đối tượng. Hàng năm, xã đã tổ chức cho các hộ dân ký cam kết không vi phạm pháp luật cùng với đó xã đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho bà con quản lý.

Ông Hoàng Văn Phin, Chủ tịch UBND xã Sinh Long cho biết, xã có quy định mỗi cán bộ, công chức xã phải dành 2 ngày trong tuần để xuống thôn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó đến nay, Sinh Long trở thành điểm sáng của huyện Na Hang về công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.

Để công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào các dân tộc được hiệu quả, huyện Na Hang đã có nhiều giải pháp như đẩy mạnh xây dựng quy ước cơ sở, đến nay có 127/127 thôn, tổ dân phố đã và đưa vào áp dụng thực hiện. 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Na Hang đều đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; củng cố, kiện toàn và nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Hiện huyện có 34 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 151 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, trên 80% người có trình độ chuyên môn luật và được bồi dưỡng kiến thức pháp luật.

Phát huy vai trò của mình, trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh Tuyên Quang đã và đang thực hiện tốt công tác phối hợp trong phổ biến giáo dục pháp luật và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cộng đồng dân cư. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở đã chủ động cập nhật thông tin về chính sách pháp luật để phổ biến cho người dân. Mở rộng hình thức tuyên truyền trực tiếp tại từng hộ có nhu cầu, gián tiếp thông qua các buổi họp tổ dân hoặc các buổi sinh hoạt chi hội, chi đoàn.

Bà Đặng Thị Tén, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Minh An, xã Ngọc Hội cho biết, những năm trước đây trên địa bàn thôn có nhiều người dân tham gia khai thác vàng trái phép, tình trạng thanh niên nghiện hút, vi phạm pháp luật diễn ra khá nhiều.

Trước tình hình đó, Ban Công tác Mặt trận thôn và các tổ chức đoàn thể trong thôn thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng của huyện, xã tổ chức tuyên truyền, vận động tới từng đối tượng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Từ đó tình hình trật tự an ninh của thôn được đảm bảo, trên địa bàn đã không còn tình trạng khai thác vàng trái phép, các đối tượng nghiện hút của thôn đã chủ động cai nghiện bằng hình thức tự nguyện.

Huyện Na Hang là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất tỉnh Tuyên Quang với 79%. Một trong những giải pháp giữ rừng hiệu quả của Na Hang hiện nay là dựa vào chính người dân sở tại, trong đó tạo các nguồn lợi để người dân có thể sống dựa vào rừng.

Bản Khâu Tinh, xã Khâu Tinh có gần 150 hộ dân tộc Tày sống trong lõi rừng đặc dụng. Thế nhưng, trong suốt những năm vừa qua, hơn 8.300ha rừng ở Khâu Tinh không hề bị xâm hại. Để có được điều đó, chính là nhờ sự bảo vệ nghiêm ngặt của người dân địa phương.

Ông Nông Văn Huỳnh, Trưởng thôn Khau Tinh cho biết, trước đây khi nhà nước chưa cấm cửa rừng, nhưng người già trong bản đã luôn dạy con cháu phải có ý thức giữ rừng. Hồi đó, người dân muốn vào rừng chặt cái cây làm nhà phải báo với Trưởng bản số lượng, loại gỗ và phải làm lễ cúng thần rừng. Tiếp nối truyền thống của tổ tiên, hiện nay, người dân Khâu Tinh càng chặt chẽ hơn trong việc bảo vệ rừng. Từ năm 2010, khi xây dựng hương ước, người dân đã đưa vào nội dung bảo vệ rừng.

Bên cạnh thực hiện hương ước, 100% số hộ trong bản ký cam kết bảo vệ và không xâm hại rừng với UBND xã và Kiểm lâm.

Phát huy thế mạnh địa phương

Hồng Thái là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Na Hang. Xã có 316 hộ dân, trong đó trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Dao và người Mông. Từ nguồn vốn Chương trình 135, xã có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, sự đoàn kết trong phát triển kinh tế của người dân địa phương… xã đã “về đích” nông thôn mới.

leftcenterrightdel
 Người dân thu hoạch chè Shan Tuyết

Hiện, 100% đường trục xã, đường đến trung tâm huyện đã được nhựa hóa; xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Phát huy thế mạnh của địa phương, xã đang dần trở thành vùng nông sản sạch của huyện Na Hang với gần 60ha lê (trong đó 25ha đã cho thu hoạch); trên 60ha chè Shan tuyết, 30ha chè Phúc Vân Tiên và gần 5ha rau trái vụ (chủ yếu là rau bắp cải)… Nhờ diện tích cây trồng này mà thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt trên 33 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,04%...

Ông Đặng Xuân Cường, dân tộc Dao, thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái chia sẻ, chưa bao giờ đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở Hồng Thái nâng cao như hiện nay. Được Nhà nước hỗ trợ nguyên vật liệu làm đường bê tông, xây dựng nhà văn hóa thôn bản... người dân trong xã mừng lắm. Đường xá được bê tông hóa giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi hơn. Các sản phẩm nông nghiệp làm ra cũng bán được giá cao hơn, không bị thương lái ép giá, đầu ra ổn định nên người dân địa phương an tâm sản xuất, nỗ lực phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững…

Nhận thức được việc giáo dục pháp luật cho đồng bào là việc làm lâu dài, do đó chính quyền huyện Na Hang đã liên tục có nhiều biện pháp để kịp thời phổ biến đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước đến đông đảo đồng bào mà trong đó phải kể đến vai trò của Ban Dân tộc. Cơ quan này đã tích cực chủ động phối hợp với các sở, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi”.

Bà Hoàng Thị Thắm, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết, để tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số; bên cạnh việc triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các đề án trong thời gian tới cần phải tăng cường công tác nắm bắt, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh tại cơ sở. Từ đó phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành thực hiện tốt chính sách giáo dục, đào tạo; chính sách y tế, văn hóa; đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu khu vực vùng sâu, vùng xa.

Đức Tuyền