Công tác pháp chế ngày càng đáp ứng yêu cầu ngành Thanh tra

+ Xin ông cho biết, đến thời điểm hiện tại, công tác pháp chế ngành Thanh tra đạt được kết quả như thế nào?

- Có thể nói, từ trước đến nay, công tác pháp chế luôn được Cơ quan TTCP nói riêng và toàn ngành Thanh tra nói chung hết sức quan tâm. Bởi, đây là nội dung rất quan trọng tạo cơ sở để ngành Thanh tra hoạt động nền nếp và hiệu quả.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, công tác pháp chế nói chung và vấn đề xây dựng thể chế nói riêng được đẩy mạnh, có nhiều văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của ngành Thanh tra đã được Cơ quan TTCP chủ trì xây dựng, tham mưu các cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi đáp ứng yêu cầu công tác trên cả 3 lĩnh vực: Thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) và phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực.

Đơn cử, hơn 10 năm qua, chúng ta đã ban hành nhiều đạo luật như Luật Thanh tra 2010, Luật KN, Luật TC năm 2011, Luật Tiếp công dân năm 2013, Luật PCTN sửa đổi 2018 và gần đây nhất là Quốc hội đã thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) (tháng 11/2022).

Không chỉ các đạo luật, chúng ta còn ban hành hàng loạt văn bản, nghị định hướng dẫn chi tiết kèm theo. Hầu hết các văn bản của TTCP được tham mưu ban hành, đều được bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Ngoài ra, ban hành nhiều thông tư hướng dẫn quy trình, nghiệp vụ để làm căn cứ cho hoạt động cụ thể trong các lĩnh vực công tác thanh tra.

Qua đánh giá thực tiễn, các quy định trong các văn bản pháp luật thanh tra đã đảm bảo được thực tiễn và bảo đảm tính khả thi.

Bên cạnh đó, để pháp luật đi vào cuộc sống thì công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra cũng rất được quan tâm, chú trọng. Sau khi các văn bản được ban hành thì chúng ta tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức các hội nghị phổ biến, cử cán bộ làm báo cáo viên cho các hội nghị của các ngành, các cấp, thông qua việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ thanh tra viên và nhiều hình thức khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Đặc biệt trong năm 2021, chúng ta đã tổ chức “Cuộc thi Tìm hiểu pháp luật về PCTN”, đạt được kết quả tích cực, với hơn hai trăm nghìn người trên khắp cả nước tham gia. Đây được coi là dấu ấn đẹp, tự hào trong công tác pháp chế ngành Thanh tra trong thời gian vừa qua.

leftcenterrightdel
Vụ Pháp chế họp triển khai các kế hoạch về xây dựng công tác pháp chế. Ảnh: TH 

+ Là người có nhiều năm gắn với công tác nghiên cứu, tham mưu, xây dựng chính sách, pháp luật, điều gì khiến ông vẫn trăn trở?

Công tác xây dựng pháp luật TTCP đạt được nhiều thành tựu như trên đã nói. Tuy nhiên, qua thực tiễn ban hành pháp luật, tham mưu cho cơ quan Nhà nước xây dựng và ban hành pháp luật, chúng tôi vẫn thấy có nhiều điểm cần phải làm tốt hơn nữa công tác xây dựng pháp chế. Đặc biệt là phải làm sao để bảo đảm công tác xây dựng thể chế sát với yêu cầu thực tiễn cuộc sống.

Các văn bản mặc dù đã có nhiều cố gắng hoàn thành và ban hành đúng thời hạn, đúng lộ trình nhưng không phải không có những nội dung chưa sát, chưa đi vào thực tiễn cuộc sống khiến cho việc thực hiện gặp những khó khăn vướng mắc nhất định, chưa thực sự trở thành công cụ hữu ích đối với các lĩnh vực công tác của ngành Thanh tra. Từ đó đặt ra yêu cầu là phải sửa đổi một cách thường xuyên các quy định.

Bên cạnh đó, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho đội ngũ làm công tác thanh tra, giải quyết KNTC, tiếp dân, PCTN có những lúc, những nơi chưa có đủ năng lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ này. Từ đó nhận thức cũng như khả năng vận dụng các quy định trong văn bản của đội ngũ cán bộ thanh tra còn hạn chế từ TTCP đến các cơ quan thanh tra khác. Điều đó làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN. Đây là điều chúng ta cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn và phải có những biện pháp khắc phục ngay trong thời gian sắp tới.

Ngoài ra, hiện nay nguồn lực cho công tác pháp chế rất khiêm tốn, mặc dù Thủ tướng đã chỉ đạo cho cơ quan Nhà nước ban hành cơ chế đặc thù để hỗ trợ tối đa cho hoạt động xây dựng pháp luật. Trên thực tế, để làm được điều này cũng cần phải có lộ trình, thời gian, kinh phí dành cho xây dựng pháp luật khá hạn hẹp, chưa kể đến trình tự thủ tục sử dụng các kinh phí cũng khá rườm rà và chưa thực sự thu hút được chất xám của những người có chuyên môn nghiệp vụ, có kinh nghiệm lâu năm cũng như các nhà khoa học trong và ngoài ngành Thanh tra tham gia vào công tác xây dựng thể chế.

Trong điều kiện thu hẹp đầu mối, giảm biên chế thì lực lượng làm công tác xây dựng pháp luật thực sự rất eo hẹp, số lượng người ít, thậm chí chức danh lãnh đạo của bộ phận làm pháp chế cũng thiếu, trong khi đó công tác pháp chế nói chung rất nhiều đầu việc, thời gian lại thường gấp gáp ảnh hưởng đến chất lượng công tác pháp luật trong thời gian vừa qua.

Bắt tay ngay vào việc hoàn thiện các các thủ tục cần thiết

+ Trở lại kết quả năm 2022, có thể nói, Luật Thanh tra (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao là một thành công ấn tượng của Vụ Pháp chế ở góc độ là cơ quan tham mưu cho TTCP. Ông có thể chia sẻ những khó khăn trong quá trình tham mưu xây dựng luật này?

Luật Thanh tra (sửa đổi) 2022 vừa được Quốc hội thông qua có thể nói là bước tiến rất quan trọng trong vấn đề xây dựng thể chế của ngành Thanh tra. Sau hơn 10 năm, chúng ta có một đạo luật mới, đáp ứng với yêu cầu công tác thanh tra trong tình hình mới. Rõ ràng, đây là thành công trong việc xây dựng thể chế của ngành Thanh tra nói chung và TTCP nói riêng.

Tuy nhiên, việc tham mưu xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi) thực sự cũng trải qua những bước rất khó khăn, đòi hỏi phải có sự tổng kết rất thấu đáo thực tiễn hoạt động của ngành Thanh tra và thực tiễn các quy định pháp luật trong lĩnh vực ngành Thanh tra.

Một mặt, chúng ta phải nhìn nhận một cách khách quan, chính xác hiện trạng các quy định pháp luật, nhưng mặt khác quan trọng hơn là chúng ta đưa ra được những phương án mà đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công tác thanh tra trên lĩnh vực thanh tra, giải quyết KNTC và PCTN và tìm kiếm thuyết phục sự đồng thuận của xã hội, của chính những người làm công tác thanh tra và của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

leftcenterrightdel
Hội thảo góp ý dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Ảnh: TH

Bên cạnh đó, khi xây dựng luật theo lộ trình, quy trình chặt chẽ theo quy định của pháp luật thì các phương án đưa ra có nhiều ý kiến khác nhau, vì mỗi phương án đưa ra đều có ưu điểm, nhược điểm, đều có thuận lợi và khó khăn của nó. Cho nên vấn đề đặt ra là phải làm sao đưa ra phương án phù hợp nhất trong tình hình hiện nay.

Điều đáng mừng là việc xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi) được sự quan tâm rất lớn của Tổng Thanh tra và các đồng chí lãnh đạo TTCP. Có thể nói, sự chỉ đạo đó là thường xuyên, thông suốt trong suốt quá trình xây dựng luật. Các nội dung, các vấn đề đặt ra, các khó khăn, vướng mắc đều được các đồng chí lãnh đạo TTCP dành thời gian để lắng nghe, phân tích, chỉ đạo tìm ra phương án, biện pháp vượt qua khó khăn.

Thêm nữa, chúng ta xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi) với một tinh thần, thái độ hết sức cầu thị. Vì vậy, trong quá trình xây dựng luật, các ý kiến tham gia rất nhiều phía, nhiều cá nhân, tổ chức, các ý kiến trên phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là qua ý kiến đóng góp tham gia của các vị đại biểu Quốc hội trong các kỳ họp đều được các đồng chí lãnh đạo TTCP chỉ đạo tiếp thu, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Quốc hội để bàn bạc tìm ra giải pháp tốt nhất để giải trình hoặc tiếp thu tối đa các ý kiến. Điều đó giải thích cho việc khi chúng ta đưa luật ra Quốc hội biểu quyết nhận được sự đồng tình ủng hộ cao.

+ Luật thông qua đã là một thành công, nhưng để đi vào cuộc sống còn "khó trăm bề", theo ông, để thực hiện được điều này cần phải làm gì?

- Luật thông qua đã là một thành công, nhưng để nó đi vào cuộc sống thì rất nhiều việc để làm trong thời gian tới.

Trước hết, ngay từ bây giờ chúng ta cần phải bắt tay vào việc hoàn thiện các thủ tục cần thiết để xác định các nội dung văn bản thi hành.

Vừa qua, TTCP đã phối hợp với Bộ Tư pháp đề nghị xây dựng một số văn bản như: Nghị định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành, Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật và Nghị định về tổ chức cơ quan thanh tra của TTCP.

Để làm được điều đó, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo TTCP xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Luật Thanh tra (sửa đổi), kế hoạch này bắt đầu từ việc hình thành văn bản hướng dẫn thi hành, các bước đi, trình tự thủ tục như thành lập tổ biên tập, mời các cơ quan hữu quan tham gia trong quá trình soạn thảo; xây dựng lộ trình cho từng văn bản để đáp ứng với các kỳ họp, phiên họp của Chính phủ, thẩm định ở Bộ Tư pháp…

Thứ hai, tuyên truyền, phổ biến quán triệt những điểm mới của Luật Thanh tra (sửa đổi) đến các ngành, các cấp, đặc biệt là đội ngũ làm công tác thanh tra. Về nội dung quán triệt chúng ta phải phân tích rất rõ để có những thay đổi về nhận thức đối với các quy định trong hoạt động thanh tra.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thái Hải (Thực hiện)