Những năm qua, công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Yên Bái luôn được quan tâm, chú trọng.

Nhìn chung học sinh, sinh viên có đạo đức tốt, có tinh thần đoàn kết, tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng; có ý thực chấp hành pháp luật tốt, lối sống đẹp, lành mạnh; có lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc; tham gia các hoạt động vì cộng đồng.

Tuy nhiên, vừa qua, cá biệt có trường hợp học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành đăng tải nội dung không phù hợp trên mạng xã hội, gây bức xúc trong dư luận.

Để tiếp tục tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã thành phố và các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2025" theo Quyết định số 1895 ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 128 ngày 17/6/2022 của UBND tỉnh Yên Bái.

Nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các môn Đạo đức, Giáo dục công dân, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lý luận chính trị…

Tiển khai hiệu quả các nội dung tích hợp, lồng ghép giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến trong các môn học Tiếng Việt, Ngữ văn, Lịch sử... và các hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông.

Triển khai hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, trách nhiệm nghề nghiệp cho học sinh các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sinh viên các trường cao đẳng; phát huy tính tích cực, niềm say mê, khơi dậy ý chí vươn lên, khát vọng cống hiến ở mỗi học sinh, sinh viên.

Tăng cường vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tư vấn tâm lý, cán bộ đoàn, hội, đội, giáo viên các bộ môn.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động tư vấn học đường; nắm bắt kịp thời và trợ giúp, tư vấn tâm lý học sinh, sinh viên.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thường xuyên tổ chức các diễn đàn, hoạt động đối thoại giữa cán bộ quản lý giáo dục, lãnh đạo các nhà trường, giáo viên với học sinh, sinh viên.

Yêu cầu giáo viên, học sinh, sinh viên khi sử dụng mạng xã hội thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử văn minh; tích cực chia sẻ thông tin tốt, hình ảnh đẹp về quê hương, đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, những tấm gương người tốt, việc tốt.

Chủ động thường xuyên phối hợp chặt chẽ với gia đình, cha mẹ học sinh để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh, sinh viên; kịp thời phát hiện, uốn nắn, giáo dục những quan điểm, suy nghĩ lệch lạc, thiếu chuẩn mực của học sinh, sinh viên.

Chủ động trao đổi thông tin, phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức hữu quan xử lý các vấn đề phức tạp về chính trị, tư tưởng liên quan đến học sinh sinh viên; không để học sinh sinh viên bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia các hội, nhóm, tổ chức tôn giáo hoạt động trái pháp luật và các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, gây rối an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm đạo đức, lối sống.

Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với việc kiểm soát các thông tin trên mạng xã hội.

Bùi Bình