Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hoàn thiện Dự thảo Thông tư hướng dẫn quy trình xác minh, tài sản thu nhập:

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập

Phương Anh

Thứ sáu, 10/01/2025 - 16:27

(Thanh tra) - Ngày 10/1, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Cơ quan Phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức Hội thảo Hoàn thiện Dự thảo Thông tư hướng dẫn quy trình xác minh, tài sản thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ Trần Đăng Vinh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: PA

Ông Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) chủ trì hội thảo. Cùng dự có bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Văn phòng UNODC tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Đăng Vinh nhấn mạnh, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là một trong những giải pháp quan trọng trong các giải pháp tổng thể phòng ngừa tham nhũng. Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP đã có những quy định rất cụ thể về công tác này.

Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về công tác kiểm soát tài sản, thu nhập, ngày 8/2/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 56-QĐ/TW về Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Quá trình thực hiện cho thấy, công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở nước ta thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, giúp tăng cường tính minh bạch, liêm chính của nền công vụ và của người có chức vụ, quyền hạn; giúp các cơ quan quản lý nhà nước giám sát, phòng ngừa có hiệu quả các hành vi làm giàu bất chính, giảm thiểu nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. 

Tuy nhiên, theo ông Trần Đăng Vinh, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là trong công tác xác minh tài sản, thu nhập, như: Chưa có một quy trình cụ thể, thống nhất hướng dẫn về nội dung, phương pháp, cách thức, các bước tiến hành việc xác minh tài sản, thu nhập, cũng như hướng dẫn các biểu mẫu văn bản trong quá trình thực hiện xác minh tài sản, thu nhập, dẫn đến các cơ quan, đơn vị lúng túng, khó khăn trong thực hiện;

Bên cạnh đó, quy định về việc lựa chọn ngẫu nhiên mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa có những quy định cụ thể về việc triển khai thực hiện để bảo đảm tính thống nhất, công khai, minh bạch, khách quan. Việc yêu cầu, đề nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị cá nhân cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai còn được thực hiện tùy nghi, thiếu thống nhất nên hiệu quả chưa cao… 

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: PA

Xuất phát từ những vấn đề trên, Ban Cán sự Đảng và Tổng Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo, giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Cục IV) và các đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng Dự thảo Thông tư hướng dẫn quy trình xác minh, tài sản thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho quá trình thực hiện nhiệm vụ xác minh tài sản, thu nhập một cách thống nhất, đồng bộ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đang gặp phải.

Tại hội thảo, qua hình thức trực tuyến, bà Annika Wythes, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương, UNODC cho biết, để giải quyết tham nhũng một cách hiệu quả, việc xác minh tài sản và thu nhập của các cá nhân, đặc biệt là những người có chức vụ, quyền hạn rất quan trọng. Theo bà Annika Wythes, quá trình này là một biện pháp nhằm đảm bảo phòng ngừa tham nhũng bất hợp pháp bằng cách xem xét, xác minh kỹ lưỡng sự giàu có và thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

“Chúng ta có thể xác định được những bất thường hoặc những luồng thu nhập ẩn giấu hoặc có thể tiềm ẩn tham nhũng, cùng cách xác minh củng cố nền tảng của xã hội công bằng, bình đẳng, nơi các cá nhân phải có trách nhiệm giải trình bằng cách đảm bảo tính minh bạch”, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh.

Cũng theo bà Annika Wythes, việc xác minh tài sản thu nhập không chỉ củng cố niềm tin vào các cơ quan Nhà nước mà còn ngăn chặn việc lạm dụng quyền lực và đảm bảo rằng quyền lực được sử dụng đúng mục đích thúc đẩy tính liêm chính và công bằng trong khu vực công lẫn khu vực tư.

Các đại biểu tham dự tại hội thảo. Ảnh: PA

Với tư cách là cơ quan giám sát của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng, UNODC chú trọng về việc hỗ trợ hoàn thiện pháp luật chính sách của các quốc gia thành viên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc thực hiện công ước.

Ghi nhận nỗ lực của Thanh tra Chính phủ cũng như ngành Thanh tra trong việc xây dựng Thông tư hướng dẫn quy trình xác minh, tài sản thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, bà Annika Wythes cho biết, đây có thể coi là hành động cụ thể của Chính phủ Việt Nam nhằm tích cực thực hiện công ước của Liên hợp quốc mà Việt Nam là quốc gia thành viên.

Giám đốc Trung tâm Phòng, chống tham nhũng khu vực Đông Nam Á – Thái Bình Dương cũng nhấn mạnh hội thảo hôm nay rất quan trọng trong việc hợp tác giữa UNODC và Chính phủ Việt Nam. Các ý kiến của các đại biểu tại hội thảo không chỉ có ý nghĩa đối với Thanh tra Chính phủ trong việc hoàn thiện dự thảo Thông tư mà sẽ đóng góp rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra trong thời gian tới.

Tai hội thảo, các đại biểu tập trung góp ý vào những nội dung cụ thể của Dự thảo Thông tư. Đồng thời trao đổi kinh nghiệm thực tiễn cũng như những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn và đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định về quy trình xác minh tài sản, thu nhập.

Theo ông Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, những ý kiến đóng góp tại hội thảo mang lại giá trị không chỉ cho công tác kiểm soát tài sản, thu nhập mà còn góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng như các biện pháp tổ chức thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn quy trình xác minh, tài sản thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm 4 chương, 23 điều quy định về quy trình xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; hồ sơ xác minh tài sản, thu nhập; xử lý vi phạm trong xác minh tài sản, thu nhập.

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, người ra quyết định xác minh, tổ trưởng và thành viên tổ xác minh tài sản, thu nhập; người được xác minh tài sản, thu nhập; cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập và cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công tác xác minh tài sản, thu nhập.

Về nguyên tắc xác minh tài sản, thu nhập, tuân theo pháp luật, dân chủ, công khai, chính xác, khách quan. Không gây khó khăn, phiền hà cho người được xác minh tài sản, thu nhập và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Tạo điều kiện thuận lợi cho người được xác minh tài sản, thu nhập giải trình làm rõ nội dung của bản kê khai tài sản, thu nhập và nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật. Bảo đảm đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập

(Thanh tra) - Ngày 10/1, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Cơ quan Phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức Hội thảo Hoàn thiện Dự thảo Thông tư hướng dẫn quy trình xác minh, tài sản thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.

Phương Anh

16:27 10/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm