Với quan điểm phải đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) hướng đến việc giải quyết ngay những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, bảo vệ các thành phần môi trường, trong đó, có chất lượng không khí.

Theo ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường), Luật Bảo vệ môi trường 2014 chỉ quy định chung chung về bảo vệ môi trường không khí, quản lý chất lượng môi trường không khí xung quanh và kiểm soát nguồn điểm phát thải khí thải.

Ông Nam dẫn chứng, năm 2019 trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã xảy ra một số đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc kiểm kê các nguồn phát thải để xác định các giải pháp ưu tiên vẫn chưa thực hiện được.

Đặc biệt, theo dõi diễn biến chất lượng không khí ở các đô thị lớn trong thời gian thực hiện cách ly xã hội do dịch Covid-19 đã cho thấy rõ mối tương quan giữa hoạt động giao thông và ô nhiễm không khí. Vậy để giảm ô nhiễm không khí, phải cải thiện hoạt động giao thông, bắt đầu từ việc kiểm soát số lượng các phương tiện và sự phát thải của các phương tiện đó.

Theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày trên phạm vi toàn quốc (từ 1/4-15/4), trong khoảng thời gian này, lưu lượng giao thông giảm khiến chất lượng không khí được cải thiện rõ rệt. Kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường cho thấy, so sánh diễn biến chất lượng không khí từ ngày 1/1 - 10/4/2020 với cùng kỳ của những năm trước đó, chất lượng không khí có xu hướng được cải thiện hơn. Trong thời gian từ tháng 1 đến nửa đầu tháng 3/2020, giá trị thông số PM2.5 có thấp hơn những năm trước đó nhưng không rõ rệt. Trong khi đó, từ thời gian nửa cuối tháng 3 đến tuần đầu tháng 4, giá trị thông số PM2.5 thấp hơn hẳn thời gian cùng kỳ những năm trước.

Xem xét tới thông số CO - là thông số đặc trưng cho nguồn phát thải từ hoạt động giao thông tại các khu vực đô thị, kết quả quan trắc cho thấy, giá trị CO trung bình 24 giờ trong khoảng thời gian nửa cuối tháng 3 và tuần đầu của tháng 4/2020 thấp hơn hẳn khoảng thời gian từ tháng 1 đến nửa đầu tháng 3/2020. Theo dõi diễn biến giá trị CO trong ngày cho thấy, trong khoảng thời gian từ ngày 1-10/4, giá trị CO giảm đáng kể vào các khung giờ cao điểm giao thông so với các tháng trước đó.

Riêng tại Hà Nội, xét về chỉ số AQI giờ trong ngày tại các trạm của Hà Nội trong thời gian từ khoảng ngày 22/3 đến 7/4, phần lớn thời gian trong ngày, chất lượng không khí duy trì ở mức tốt và trung bình. Riêng trong hai ngày 8 - 9/4, chất lượng không khí bị suy giảm ở mức kém và xấu. Đây cũng là những ngày ghi nhận lượng phương tiện tham gia giao thông trong nội đô tăng cao hơn hẳn những ngày trước đó.

Tuy nhiên, dù có thời điểm ô nhiễm không khí nghiêm trọng, quy định về thẩm quyền cũng như công cụ quản lý vẫn "thiếu vắng" trong Luật Bảo vệ môi trường 2014.

Trước tình hình vậy, ông Nam cho biết, tại Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã đưa vào các quy định mới để giải quyết các nguồn điểm, nguồn phát sinh khí thải cần được quản lý, xử lý thông qua việc quy định từng địa phương phải xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

Trong đó, các nội dung địa phương cần cụ thể trong kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí gồm: Đánh giá chất lượng không khí; xác định quan điểm, mục tiêu quản lý chất lượng không khí; đánh giá hiện trạng quản lý chất lượng không khí bao gồm quan trắc chất lượng không khí, xác định và đánh giá các nguồn phát thải khí thải chính, kiểm kê phát thải, mô hình hóa chất lượng không khí, tổ chức nhân sự, nguồn lực, thanh tra, kiểm tra; đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng; phân tích, nhận định các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí vấn đề còn tồn tại; xem xét, đánh giá, phân tích chi phí lợi ích của các giải pháp quản lý chất lượng không khí, từ đó xác định giải pháp ưu tiên thực hiện.

Cùng với đó, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng đã quy định, phân công rất rõ trách nhiệm thực hiện quản lý chất lượng không khí của Thủ tướng Chính phủ là ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện; chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng.

Bộ TN&MT chủ trì tổ chức thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí. Ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải của phương tiện giao thông vận tải; chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với khí thải đối với của phương tiện giao thông vận tải lắp ráp, nhập khẩu, đang lưu hành; lộ trình loại bỏ các phương tiện giao thông vận tải gây ô nhiễm môi trường.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức hướng dẫn thực hiện các hoạt động phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, xử lý các nguồn bụi, khí thải gây ô nhiễm không khí, quản lý chất lượng môi trường không khí trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; UBND cấp tỉnh xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí của địa phương và tổ chức triển khai thực hiện; chỉ đạo thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn quản lý.

Thái Hải