Sau 10 năm thực hiện, hoạt động thanh tra đã góp phần quan trọng hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, xây dựng Chính phủ, chính quyền địa phương kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phụng sự nhân dân.

Tuy nhiên, qua hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và công tác lập pháp của Quốc hội cho thấy, hệ thống thanh tra còn nhiều tầng nấc, hoạt động chồng chéo; địa vị pháp lý, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn còn chưa rõ ràng, nhất là trách nhiệm của đoàn thanh tra, thanh tra viên trong việc bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật thông qua hoạt động thanh tra, vi phạm về thời hạn thanh tra, ra kết luận thanh tra; thiếu cơ chế trong việc theo dõi, kiểm tra, xử lý việc thực hiện kết luận thanh tra…

Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Thanh tra còn chồng chéo, chưa thống nhất với một số quy định trong một số luật mới được Quốc hội thông qua trong thời gian gần đây; chưa kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về hoạt động thanh tra và công tác phòng, chống tham nhũng. Do đó, việc Quốc hội đưa Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2022 là cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, thực hiện các cam kết quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và phúc đáp được yêu cầu thực tiễn, nhất là phúc đáp yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Cụ thể là cần tập trung vào một số nội dung sau:

Sửa đổi Luật Thanh tra để phù hợp với các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018

Trong giai đoạn hiện nay, cùng với Kiểm toán Nhà nước, ngành Thanh tra được kỳ vọng là một trong những chủ thể rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý tham nhũng. Đây cũng chính là lý do quan trọng để Luật Phòng, chống tham nhũng (được Quốc hội khóa XIV thông qua vào tháng 11/2018 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2019) giao nhiều trách nhiệm nặng nề hơn cho ngành Thanh tra, Kiểm toán. Đồng thời, pháp luật cũng quy định trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm (trong đó có cả tội phạm về tham nhũng) thì cơ quan thanh tra phải chuyển ngay vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết theo quy định[1]; trường hợp hành vi tham nhũng chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự thì phải kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính, kỷ luật theo quy định.

Nội dung này cũng được đề cập tại Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và trong Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Phiên họp 20). Các quy định này nhằm bảo đảm cho khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng có hiệu quả, tránh trường hợp đối tượng phạm tội xóa giấu vết, chứng cứ, tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho quá trình thu thập chứng cứ, thu hồi tài sản tham nhũng…

Tuy nhiên, hiện nay, Luật Thanh tra quy định đây là nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra[2] và thực tiễn cho thấy, đa số các vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện qua hoạt động thanh tra không được chuyển ngay đến cơ quan điều tra có thẩm quyền mà chỉ được chuyển sau khi có kết luận thanh tra. Các quy định này cho thấy sự thiếu thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật cần được rà soát để sửa đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có một số quy định mới liên quan đến hoạt động của ngành Thanh tra như trách nhiệm của ngành Thanh tra như thẩm quyền thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; trách nhiệm xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra; xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra…

Một số quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng có thể thực hiện được ngay trên thực tế, tuy nhiên, vẫn còn một số quy định nếu pháp luật về thanh tra không quy định sẽ gây khó khăn trong việc thi hành như việc thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; công khai kết luận thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; xử lý trách nhiệm trong trường hợp trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra không phát hiện được tham nhũng nhưng các cơ quan hữu quan khác lại phát hiện được tham nhũng về cùng một nội dung thanh tra…

Do đó, dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) cần nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về trình tự, thủ tục riêng cho thanh tra công tác phòng, chống tham nhũng và thanh tra các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; quy định về xử lý trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra trong trường hợp quá trình thanh tra không phát hiện được vụ việc tham nhũng nhưng cơ quan, tổ chức, đơn vị khác lại phát hiện vụ việc tham nhũng về cùng một nội dung thanh tra.

Ngoài ra, cần bổ sung các quy định về công khai kết luận thanh tra vụ việc có dấu hiệu tham nhũng để bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động thanh tra.

Sửa đổi Luật Thanh tra để bảo đảm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Thực tiễn công tác thanh tra, xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế trong thời gian qua cho thấy bản thân trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với Kiểm toán Nhà nước còn có sự chồng chéo dẫn đến một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp than phiền về việc phải chịu sự thanh tra, kiểm toán quá nhiều cuộc trong một năm.

Bên cạnh đó, việc thiếu các quy định cụ thể trong việc xử lý trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra trong việc bỏ lọt hành vi vi phạm; áp dụng sai các quy định của pháp luật trong xử lý vi phạm hoặc kiến nghị xử lý hành vi vi phạm; không phát hiện được vi phạm thông qua hoạt động thanh tra… còn diễn ra phổ biến và gây ra nhiều hệ lụy, dẫn đến hoạt động thanh tra thiếu hiệu lực, hiệu quả, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng bị thanh tra.

Do đó, trong những năm qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều Nghị quyết, chỉ thị, kết luận, trong đó có nhiều chủ trương liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng và trách nhiệm của hệ thống thanh tra trong công tác phòng, chống tham nhũng, như Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Kết luận số 21-KL/TW, Kết luận số 10-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 Khóa X, Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, một số kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Qua rà soát các văn bản của Đảng cho thấy, một số chủ trương của Đảng cho đến nay chưa được thể hiện rõ trong các quy định của pháp luật như quy định về “sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán theo hướng xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cơ quan trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng” được nêu tại Chỉ thị số 50; quy định về “bổ sung cho thanh tra viên… thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay tự giai đoạn thanh tra…” được nêu tại Chỉ thị số 04… Đây là các quy định nhằm tăng cường hơn nữa công tác phát hiện, xử lý tham nhũng qua hoạt động thanh tra cũng như bảo đảm thu hồi triệt để tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế cần sớm được nghiên cứu, thể chế hóa để thực hiện.

Sửa đổi Luật Thanh tra nhằm phúc đáp yêu cầu của thực tiễn, góp phần tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là việc công khai, minh bạch tổ chức và hoạt động

Như chúng ta đều biết, việc công khai, minh bạch tổ chức và hoạt động, xử lý nghiêm trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ là một trong những giải pháp rất quan trọng không chỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng mà còn nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, thu hút đầu tư, phát huy quyền làm chủ và quyền giám sát của nhân dân. Kết luận thanh tra trong một số trường hợp nếu được công khai sẽ có tác dụng như một biện pháp “kỷ luật mềm” đối với tổ chức, đơn vị được thanh tra, bởi vì, đôi khi sự phản ứng của dư luận đối với hành vi vi phạm, tham nhũng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân còn hiệu quả và có tác dụng hơn nhiều so với các chế tài do pháp luật quy định.

Ngoài ra, nó còn có tác dụng trong việc thúc đẩy các cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu sự thanh tra thúc đẩy nhanh hơn việc khắc phục sai phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán. Đồng thời, việc áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm, triệt để các sai phạm phát hiện được qua hoạt động thanh tra cũng có tác dụng rất lớn trong việc cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe các đối tượng thanh tra có những hành vi vi phạm tiếp theo và tác dụng phòng ngừa chung, tránh tình trạng “nhờn luật”, coi thường pháp luật…

Tuy nhiên, như trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác phòng, chống tham nhũng nhiều năm cũng đã đề cập đến trách nhiệm của ngành Thanh tra trong việc xử lý và kiến nghị xử lý sai phạm phát hiện được qua công tác thanh tra còn có biểu hiện nương nhẹ; chậm ban hành kết luận thanh tra, chậm công khai kết luận thanh tra… là một trong những vấn đề cần có giải pháp khắc phục triệt để, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ các quy định của Luật Thanh tra còn thiếu cụ thể.

Do đó, việc sửa đổi Luật Thanh tra lần này cần được rà soát, sửa đổi khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, nhất là việc quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra trong việc ra kết luận thanh tra, công khai kết quả thanh tra, giám sát thực hiện kết luận thanh tra… quy định chế tài cụ thể trong việc xử lý trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra trong việc bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật, chậm ra quyết định thanh tra, không công khai hoặc công khai không đầy đủ kết luận thanh tra (trừ các trường hợp thuộc bí mật Nhà nước).

---------------------------

[1] Điều 5 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Điều 62 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

[2] Điều 48 và Điều 55 của Luật Thanh tra năm 2010.

TS Hoàng Nam Hải
Phó Vụ trưởng Vụ Tư pháp, Văn phòng Quốc hội